Hai sinh viên Tâm lí học tâm huyết với "Ứng phó stress học tập"

GD&TĐ - Với đề tài Ứng phó với stress học tập ở sinh viên, Nguyễn Ngọc Quang và Nguyễn Linh Chi-hai sinh viên đến từ khoa Tâm lí học, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) đã xuất sắc đạt giải Nhất cuộc Sinh viên NCKH năm 2018.

Hai sinh viên Tâm lí học tâm huyết với "Ứng phó stress học tập"
Cuộc khảo sát có nhiều giá trị khoa học

Chia sẻ lý do thực hiện đề tài hai bạn cho biết: Ở Việt Nam tìm được một nghiên cứu về stress học tập ở sinh viên đã khó, tìm được một nghiên cứu tập trung vào ứng phó với stress học tập còn khó hơn. Trong khi đó, stress học tập lại là một vấn đề muôn thuở và cách mà sinh viên ứng phó với nó rất quan trọng.

Công trình nghiên cứu trên được tiến hành dựa trên Lý thuyết tương tác về stress nhằm tìm hiểu nguồn gây stress học tập của sinh viên.

Qua khảo sát 157 sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhóm tác giả xác định được 12 nguồn gây nên stress trong học tập.

Trong đó, 50%  sinh viên chọn các nguồn gây stress phổ biến là: Kết quả học tập, các bài kiểm tra, đánh giá, khối lượng và mức độ khó của bài tập.

Cũng theo khảo sát này, khó khăn trong việc thích ứng với môi trường đại học là nguồn gây stress đặc thù của sinh viên năm nhất. Cụ thể, đó là chưa thích ứng được phương thức tổ chức học tập, phương pháp giảng dạy hay cách ôn thi cuối học kì.

Bằng khen của hai bạn tại cuộc thi
Bằng khen của hai bạn tại cuộc thi

Đối với sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4 - nhóm sinh viên tập trung học các môn chuyên ngành, việc thiếu nguồn tài liệu phong phú và đảm bảo chất lượng phục vụ cho việc làm các bài tiểu luận hay nghiên cứu có thể gây nên stress cho sinh viên.

Nghiên cứu cũng ghi nhận một tỷ lệ cao các sinh viên đã có ý thức chủ động và tích cực trong việc ứng phó với stress trong học tập.

Những ứng phó gồm: điều hòa cảm xúc nhất thời, biết chấp nhận thực tại, có suy nghĩ tích cực và có chiến lược thay đổi bản thân. Với những sinh viên thuộc nhóm tích cực trên thì có mức độ stress thấp.

Dựa trên mối liên hệ với động lực học tập, các sinh viên này biết ứng phó bằng chiến lược giải quyết vấn đề để có kết quả học tập cao hơn. Ngược lại, những sinh viên né tránh giải quyết vấn đề có mức độ stress cao hơn và kết quả học tập thấp hơn.

Nguyễn Ngọc Quang trình bày đề tài nghiên cứu
Nguyễn Ngọc Quang  trình bày đề tài nghiên cứu

Giúp sinh viên hình thành các kỹ năng ứng phó với stress

Hai tác giả Nguyễn Ngọc Quang và Nguyễn Linh Chi cũng đặt ra câu hỏi: Stress học tập liệu có phải là câu chuyện của riêng sinh viên và mong muốn những kết quả nghiên cứu của mình sẽ là những thông tin tham khảo cho việc xây dựng các chương trình đào tạo hợp lý cho từng đối tượng sinh viên.

Điều quan trọng là trên cơ sở cụ thể hóa thời lượng, khối lượng công việc mà mỗi sinh viên phải làm khi tham gia một môn học, bộ phận quản lý có thể dự báo, xây dựng được chương trình học phù hợp, vừa sức và đúng tiến độ. Điều này giúp tránh tình trạng bài tập và thi cử liên tục quá nhiều trong cùng một khoảng thời gian dễ dẫn đến tình trạng stress.

Bên cạnh đó, các chương trình can thiệp, các hoạt động ngoại khóa, nâng cao kỹ năng cho sinh viên cần tập trung giúp sinh viên hình thành các kỹ năng ứng phó với stress, duy trì suy nghĩ tích cực, sẵn sàng thay đổi nhận thức, chấp nhận hiện thực và  điều hòa được cảm xúc cá nhân.

Ngoài ra, Nhà trường cũng cần cung cấp các nguồn lực cần thiết để sinh viên có thể phát huy khả năng ứng phó giải quyết vấn đề của họ.

Đặc biệt, với đối tượng là sinh viên năm nhất, các tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trong Nhà trường đã và đang cố gắng xây dựng được các chương trình giúp họ nâng cao  năng lực học tập, tiếp cận các phương pháp học tập hiệu quả bậc đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.