Phân luồng sau THCS: Lựa chọn khó khăn!

GD&TĐ - Tốt nghiệp THCS là ngưỡng cửa đặc biệt với học sinh. Đây là thời điểm các em đưa ra những lựa chọn, định hướng đầu tiên cho tương lai của mình: Tiếp tục học THPT hay học nghề.

Em Lang Thị Hải lựa chọn học nghề may dù có năng lực vào lớp 10 THPT.
Em Lang Thị Hải lựa chọn học nghề may dù có năng lực vào lớp 10 THPT.

Tuy nhiên, việc lựa chọn này khiến nhiều học sinh rơi vào áp lực giữa một bên là kỳ vọng của cha mẹ, một bên là năng lực thực sự và nguyện vọng của bản thân.

Động lực từ đam mê

Trần Thiên Ngân là học sinh lớp 10A1 chuyên Toán Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Đây cũng là ngôi trường ước mơ của em từ khi còn học cấp 2 ở quê nhà tại huyện Diễn Châu. Từ nhỏ, Ngân yêu thích học tập và đam mê với môn Toán. Suốt những năm THCS, Ngân luôn là học sinh giỏi toàn diện, điểm tổng kết trung bình từ 9,5. Riêng môn Toán, em đạt trung bình 10 điểm, là học sinh giỏi cấp huyện bộ môn này. Tuy nhiên, em chia sẻ, bản thân không đi học thêm ở bên ngoài mà chỉ học ôn với thầy cô ở trường và tự học.

“Ở trường, em chú ý nghe thầy, cô giảng bài để nắm kiến thức cơ bản. Về nhà em dành từ 3 - 4 tiếng để làm bài tập thực hành và một số bài nâng cao, mở rộng. Việc tự học giúp em hình thành sơ đồ tư duy cho mình, sắp xếp thời gian biểu hằng ngày phù hợp và có thể tự tìm tòi, nghiên cứu nhiều cách giải cho một bài toán. Ngoài việc học, em đọc sách, báo và tham gia câu lạc bộ, vui chơi thể thao với các bạn”, Ngân cho hay.

Đến năm lớp 9, trước kỳ thi chuyển cấp quan trọng, Ngân mới dồn nhiều thời gian cho việc luyện đề thi. Sau mỗi đề thi, em đều cẩn thận ghi lại những câu làm sai vào quyển sổ nhỏ để đọc lại nhiều lần cho nhớ. Em cũng đặt cho mình mục tiêu vào chuyên Toán Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Kết quả, nữ sinh trường huyện xuất sắc đạt thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Nghệ An năm 2020. Không chỉ vậy, em còn đạt điểm cao thứ 3 vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và thủ khoa lớp chuyên Toán. Ngày đưa con xuống trường nhập học, chị Đậu Thị Ái Hương - mẹ của Ngân tự hào nói: Chúng tôi không đặt áp lực về chuyện học hành lên các cháu. Tôi luôn để con tự học, làm theo những điều mà con thích. Nếu con đặt mục tiêu cho mình thì cố gắng nỗ lực để thực hiện, dù kết quả thế nào bố mẹ cũng ghi nhận. 

Học sinh Nghệ An tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2020.
Học sinh Nghệ An tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2020.

Chọn lối đi khác

Lang Thị Hải (SN 2004) là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An đạt danh hiệu Học sinh 3 rèn luyện cấp Trung ương năm 2020. Điều bất ngờ, đây là nữ sinh người dân tộc Thái theo học nghề tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An (đóng tại huyện Con Cuông).

Khi còn học ở Trường THCS Mậu Đức (huyện Con Cuông), Hải năng động trong hoạt động đoàn thể. Cô bé cũng từng định thi vào lớp 10 THPT vì có học lực khá. Nhưng cuối cùng, em lại rẽ sang con đường khác – đi học nghề. Lang Thị Hải chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ vất vả đi làm trên rẫy. Bố em nói nếu con muốn, bố vẫn nuôi đi học THPT được. Nhưng em dự định sau này học nghề chứ không vào đại học. Vậy nên đi học nghề ngay từ khi hết THCS sẽ vừa có bằng nghề, vừa có bằng THPT, tiết kiệm thời gian và sớm đi làm.

Trường Trung cấp Dân tộc nội trú chỉ cách nhà 25 km, có chỗ ăn ở miễn phí nên em không phải lo lắng về sinh hoạt của mình. Nữ sinh dân tộc Thái theo học nghề may. Nhờ chăm chỉ, khéo léo nên trong thời gian ngắn, Lang Thị Hải được đi thi và đạt tay nghề cấp trường, cấp tỉnh. Trước khi tốt nghiệp ra trường, Hải được giới thiệu đến chỗ làm việc uy tín, thu nhập ổn định.

Tương tự, Thành Văn Hiếu – học hết lớp 9 tại Trường THCS Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) đã không thi vào lớp 10. Thay vào đó em đăng ký học lớp chuyên sâu làm video. Lý do em đam mê âm nhạc và thích có một tài khoản của riêng mình. Trước đó, Hiếu chạy thử một kênh YouTube. Nam sinh chia sẻ: “Kênh âm nhạc trên YouTube đang được nhiều bạn trẻ yêu thích. Em hi vọng mình sẽ làm tốt và có nhiều cơ hội phát triển lâu dài”, Hiếu cho biết.

Những năm gần đây, ở bậc THCS, trung bình mỗi năm Nghệ An có gần 23% học sinh phân luồng. Tuy nhiên, hiệu quả phân luồng ở bậc học này vẫn còn một số hạn chế. Nhiều phụ huynh nhìn nhận về việc phân luồng sau THCS còn chưa cởi mở, chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho con em phù hợp với năng lực. Đặc biệt là vùng thuận lợi, thành thị, hầu hết phụ huynh đều có tâm lý muốn con sau khi tốt nghiệp THCS sẽ học lên THPT. Một lý do khác xuất phát từ cách triển khai phân luồng của một số nhà trường, theo hình thức “phân tầng” học lực mà không chú trọng vào nhu cầu, nguyện vọng của học sinh. Dẫn đến tâm lý tự ti, xấu hổ của học sinh, phụ huynh khi bị xếp vào diện “phân luồng”.

Ông Nguyễn Khắc An – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) trao đổi: Không ít phụ huynh từng gọi điện cho ban tuyển sinh nhà trường “cầu cứu” xin cho con vào học nghề với tâm trạng lo lắng. Nguyên nhân con họ thuộc diện phân luồng hoặc thi trượt vào trường THPT. Việc không vào được lớp 10 công lập khiến họ cho rằng việc học tập của con em đặt dấu chấm hết. Tuy nhiên, có nhiều con đường cho các em sau THCS lựa chọn. Không thể đánh giá học sinh không vào lớp 10 là yếu kém, mà các em có năng lực ở lĩnh vực khác. Ngoài ra, học nghề ở trường trung cấp, các em vẫn có thể tiếp tục học văn hóa và đăng ký thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, chủ trương phân luồng sau THCS nhằm hướng các nhóm học sinh có lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện bản thân. Em nào học tốt thì vào trường THPT công lập. Em nào trung bình mà có nhu cầu học tiếp lên lớp 10 thì có thể xét tuyển vào THPT ngoài công lập, trung tâm GDTX. Với những em có nhu cầu học nghề, sẽ được đào tạo sớm, đáp ứng được yêu cầu lao động ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, việc phân luồng phải thực chất, thận trọng, trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của học sinh, phụ huynh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).