Phân luồng sau THCS:Mâu thuẫn giữa mục tiêu và cách thực hiện

GD&TĐ - Phân luồng HS sau THCS mang tính chất định hướng từ phía nhà trường và nguyện vọng của các em. Nhưng trong quá trình triển khai, không ít trường hợp vì “chỉ tiêu” mà gây áp lực lên cả giáo viên lẫn HS, khiến dư luận đặt câu hỏi về tính thực chất của việc phân luồng ở bậc học này.

Phân luồng sau THCS:Mâu thuẫn giữa mục tiêu và cách thực hiện

Phân luồng bằng phân tầng học lực?

Cuối năm học 2017 - 2018, em V.V.C và N.Đ.T (HS lớp 9, Trường THCS Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai, Nghệ An) được đưa vào diện phân luồng học nghề do học lực yếu, nhưng cả 2 bày tỏ nguyện vọng với nhà trường xin được làm hồ sơ thi vào THPT. BGH chưa kịp phản hồi thì phụ huynh các em cũng đến gặp nhà trường, yêu cầu bằng mọi giá phải cho con được phấn đấu thi vào lớp 10.

Kể lại câu chuyện vừa diễn ra này, thầy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng chia sẻ, trong năm học, nhà trường luôn chú trọng hướng nghiệp, giới thiệu một số trường dạy nghề cho HS tìm hiểu.

Nhưng về phía phụ huynh vẫn có tâm lý muốn cho con học lên THPT để bằng bè bạn, chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc phân luồng, dạy nghề. Còn phía giáo viên thì chịu áp lực bởi thành tích, vì điểm thi vào THPT là một căn cứ để xếp hạng các trường THCS…

Tại Trường THCS Nghi Phú (TP Vinh), năm học 2017 - 2018 có 42/156 HS lớp 9 thuộc diện phân luồng. Thầy Dương Xuân Hồng – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Quá trình phân luồng căn cứ vào kết quả học tập (học lực trung bình và điểm thi thử cuối năm HS lớp 9). Nhưng cũng có vài tình huống khó xử vì “giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đến xin cho HS được thi vào THPT”.

Cô Võ Thị Vân, GV chủ nhiệm lớp 9A tâm sự: Gần như năm học nào cũng vậy, cứ đến cuối năm học cô lại cảm thấy rất buồn. Năm học vừa qua, lớp cô phụ trách chỉ có 2 thuộc diện phân luồng, nhưng năm học 2016 - 2017 có tới hơn 20 em (chiếm tỷ lệ 50%).

“Theo lý thuyết, việc phân luồng là phù hợp, nhằm hướng những em học lực hạn chế vào học nghề. Nhưng ở lứa tuổi này, thể lực các em chưa phát triển hoàn toàn, tâm lý có nhiều biến đổi. Nếu để các em được rèn giũa ở môi trường THPT thì sẽ tốt hơn. Nhưng việc yêu cầu giáo viên phải cam đoan các HS thi vào THPT phải có kết quả tốt khiến nhiều giáo viên e ngại, không dám vận động các cháu thi 100%”, cô Vân bày tỏ.

Áp lực thành tích

Thầy Ninh Viết Tăng, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh) chia sẻ: Hiện nay, nhiều trường muốn phân luồng HS nhiều vì lo ngại thành tích HS đậu vào lớp 10 thấp. Nhưng việc đưa HS trung bình yếu vào diện phân

luồng, còn những HS học tốt thi tuyển vào 10 và lấy trung bình điểm thi này để xếp loại các trường THCS thì đây cũng chỉ là thành tích “ảo”. Theo thầy Tăng, nên chăng các huyện, thị, thành bỏ cách xếp loại này để việc phân luồng thực chất hơn.

Cùng quan điểm trên, cô Trần Thúy Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thủy (TX Cửa Lò) cho rằng: Mục tiêu phân luồng là tốt, nếu như nó được thực hiện trên cơ sở định hướng và tôn trọng nguyện vọng của HS. Nhưng với cách thức phân luồng theo phân tầng học lực hiện nay ở nhiều địa phương sẽ gây tâm lý không đồng thuận, thậm chí bức xúc trong một số phụ huynh, HS.

Để giải quyết bất cập này, đối với Trường THCS Nghi Thủy, cách làm là bên cạnh đẩy mạnh tổ chức dạy học, ôn tập, cùng với việc tích cực công tác hướng nghiệp cho HS lớp 9. Tuy nhiên, tất cả HS có nguyện vọng học tiếp THPT đều được làm hồ sơ dự thi vào lớp 10. Sau khi thi xong, có kết quả, các em tự quyết định căn cứ vào chính năng lực học tập và hoàn cảnh gia đình mình.

Năm học 2017 - 2018, Nghệ An có hơn 40.700 HS tốt nghiệp THCS. Chỉ tiêu lớp 10 trường công lập và ngoài công lập là 32.000. Như vậy, có gần 9.000 HS lớp 9 phải phân luồng (tỷ lệ gần 21%). Con số phân luồng những năm trước cũng ở mức từ 5.000 – 8.000 em. Tuy nhiên, các trường nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn gặp khó về tuyển sinh và hầu như rơi vào tình trạng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Câu hỏi các em đi đâu sau phân luồng vẫn bỏ ngỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ