Cách đây vài năm, khi đặt ra câu hỏi với tình hình ngân sách Nhà nước khó khăn như hiện nay có nên duy trì bao cấp các hội văn học nghệ thuật nữa hay không, đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, do đặc trưng của nước ta, các hội văn học nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị nên nhận hỗ trợ từ ngân sách là đúng và không thể bỏ bao cấp.
Vấn đề là Nhà nước cần tính toán cấp ngân sách bao nhiêu là vừa và các hội phải tự tìm thêm nguồn thu.
Thực tế, các tổ chức hội ở nước ta khá phong phú, đa dạng. Tùy đặc điểm, tính chất tổ chức và hoạt động, các hội được phân thành hội có tính chất chính trị - xã hội và chính trị - xã hội - nghề nghiệp; hội xã hội - nghề nghiệp; hội xã hội, từ thiện, nhân đạo; hội của các tổ chức kinh tế; các hội có tính chất đặc thù...
Như vậy có thể thấy, việc thành lập các tổ chức hội là cần thiết, thế nhưng, vấn đề đặt ra là làm sao “dứt” được “bầu sữa” ngân sách để tự chủ, tự trang trải về tài chính?
Tổ chức hội là hình thức tổ chức tự nguyện có chung mục đích tập hợp, hoạt động theo pháp luật và theo điều lệ, không vì lợi nhuận nhằm đáp ứng lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng vì bản chất của phần lớn các tổ chức hội là hoạt động không vì lợi nhuận nên để có nguồn thu thường xuyên và ổn định là rất khó. Quan điểm của đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam nói trên là ví dụ điển hình.
Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, những năm qua, có nhiều ý kiến đề xuất tiến tới xóa bỏ bao cấp cho các hội, tổ chức nghề nghiệp.
Ông Thiều ủng hộ quan điểm này và mong muốn xã hội hóa càng nhiều càng tốt vì kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động của hội quá hẹp hòi... Ban Chấp hành Hội đang tiến hành nhiều cải tổ, trong đó có đẩy mạnh xã hội hóa kinh phí hoạt động mà mục tiêu đầu tiên là xin kinh phí xã hội hóa để cải tạo trụ sở Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Kinh phí để triển khai việc này rất lớn nhưng nếu được Ban Chấp hành Hội đồng thuận, các hội viên đồng ý thì việc này là nhẹ nhàng hơn tất cả những nhiệm vụ khác ở hội - ông Thiều khẳng định.
Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu, đánh giá nào về tác động, hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội. Cũng chưa có số liệu thống kê chính thức cả nước có bao nhiêu tổ chức hội có thể tự chủ được một phần hoặc 100% kinh phí hoạt động...
Vậy thì có nên “cai sữa” ngân sách Nhà nước để xã hội hóa nguồn kinh phí hoạt động cho các hội hay không? Câu trả lời là có nhưng muốn vậy trước tiên phải có hành lang pháp lý để thực hiện.
Tiếp đó, cần xác định những tổ chức hội nào được xã hội hóa và mức độ xã hội hóa như thế nào và đặc biệt các hội phải hoạt động hiệu quả. Bởi đơn giản rằng nếu không hoạt động hiệu quả, không có những đóng góp nhất định cho xã hội nói chung và bảo vệ được quyền, lợi ích cho hội viên của hội nói riêng thì sẽ rất khó.
Đặc biệt, cần giao quyền, cơ chế cho các tổ chức hội để thực hiện xã hội hóa kinh phí hoạt động nhằm giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước chứ không thể cứ mãi đi xin từ trụ sở, xe cộ cho đến kinh phí hoạt động.