Nữ Phó Giáo sư trẻ nhất năm 2020: Ở trọ, đi rừng, làm khoa học

GD&TĐ - Lê Thị Hương (giảng viên Viện Sư phạm Tự nhiên, Trường ĐH Vinh) là một trong hai phó giáo sư trẻ nhất vừa được Hội đồng GS Nhà nước công nhận.

PGS trẻ trong một chuyến đi rừng tìm mẫu nghiên cứu khoa học.
PGS trẻ trong một chuyến đi rừng tìm mẫu nghiên cứu khoa học.

Ở tuổi 34, cô còn là tác giả của hơn 100 bài báo, đề tài khoa học quốc tế, quốc gia. Phía sau hành trình ấy, không chỉ có giảng đường dạy học, phòng thí nghiệm... mà là năm tháng tuổi trẻ lặn lội đi rừng, miệt mài với các hệ thực vật. 

Vợ chồng cô đều là giảng viên đại học, nhưng nơi “nuôi lớn” một nữ PGS suốt nhiều năm, chỉ là căn phòng trọ vẻn vẹn 25m2.

Bộ hồ sơ nộp vào phút chót

Nhìn lại quá trình bảo vệ thành công hàm Phó Giáo sư, nữ giảng viên Lê Thị Hương vẫn “đầy cảm xúc, bởi có quá nhiều quyết định được đưa ra vào phút cuối”. Cô nhớ lại: “Có lẽ tôi là người nộp hồ sơ muộn nhất trong đợt xét công nhận giáo sư, phó giáo sư vừa rồi, trước khi hết hạn chỉ gần 1 tiếng đồng hồ. Thông thường, đến hết tháng 4 hàng năm sẽ chốt danh sách đăng ký, nhưng năm 2019, do dịch Covid nên thời hạn lùi đến ngày 4/5. Thời điểm đó tôi còn một đề tài nghiên cứu đang chuẩn bị nghiệm thu – để hoàn thành đủ các tiêu chí. Tuổi đời đang trẻ, tôi nghĩ hay là mình lùi lại chờ đợt sau. Nhưng được sự động viên của lãnh đạo nhà trường, của chồng, tôi quyết định đăng ký dù biết sẽ phải chạy nước rút nhiều việc”. 

Để hồ sơ đạt yêu cầu, cô phải hoàn thiện nhiều tài liệu, nghiệm thu đề tài, trong khi vừa bắt đầu nhiệm vụ giảng dạy cao học. Cách đó không lâu, tháng 3/2019, cô bị đột quỵ,nhưng chỉ dám nằm viện 1 tuần do không ai thay mình chăm sóc con cái, làm việc. Quá trình bảo vệ chức danh phó giáo sư từ Hội đồng cấp trường, ngành Sinh học và Hội đồng Giáo sư Nhà nước, sức khỏe của cô cũng không đảm bảo. Nhất là khi bị thoát vị đĩa đệm, cô phải nằm 1 chỗ, đi lại cần người dìu. Công tác giảng dạy cũng chỉ có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Bởi vậy, kết quả được công nhận hàm phó giáo sư, đối với nữ giảng viên là vô cùng quý giá, hơn cả một chức danh học hàm. Và nó cũng không hề đến sớm, so với những nỗ lực, phấn đấu mà cô đã bỏ ra đầy nghiêm túc, say mê. 

Thành quả của nữ PGS 34 tuổi là sự nỗ lực, đam mê và cả đánh đổi.
Thành quả của nữ PGS 34 tuổi là sự nỗ lực, đam mê và cả đánh đổi.

Ở trọ thành phố, dành hết thời gian đi rừng 

Lê Thị Hương thi vào ngành Sư phạm Sinh học (Trường ĐH Vinh) với suy nghĩ sau này sẽ trở thành giáo viên phổ thông. Năm thứ 2, cô bắt đầu ấn tượng với bộ môn Thực vật khi được TS Phạm Hồng Bang giảng dạy. “Càng vào học chuyên ngành, tôi càng thấy thế giới thực vật phong phú, đa dạng và có rất nhiều giá trị sự dụng. Thời gian thực hành, tôi được gặp 1 anh khóa trên, đang theo học thạc sĩ. Anh ấy đã hướng dẫn tôi rất nhiều trong quá trình làm thí nghiệm. Sang học kỳ 2 của năm thứ 2 đại học, tôi xin tham gia làm đề tài nghiên cứu cùng. Lúc ấy cũng không nghĩ rằng, sau này chúng tôi sẽ trở thành vợ chồng”, nữ giảng viên kể.

Tốt nghiệp đại học, Lê Thị Hương học tiếp thạc sĩ rồi được giữ lại Trường ĐH Vinh làm giảng viên. Còn người anh khóa trên – đã trở thành chồng cô – anh Đỗ Ngọc Đài sau khi hoàn thành cao học cùng ngành đã quyết định chưa đi làm việc ở một cơ quan nào, mà dành toàn bộ thời gian đi rừng. Suốt hơn 10 năm, 2 vợ chồng vừa là đồng môn, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn đi rừng cùng nghiên cứu khoa học.

Cuối tuần, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn ở trường, cô lại đi miền núi với chồng. Các đề tài nghiên cứu của hai vợ chồng chủ yếu gắn liền với rừng ở Bắc Trung Bộ. Một “lợi thế” là Nghệ An có khu dự trữ sinh quyển rộng lớn ở phía Tây, gồm rừng quốc gia Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống. “Rừng ở Nghệ An cũng có vị trí đặc biệt, giáp Tây Thanh Hóa, giáp Lào và giáp biển Đông, chịu ảnh hưởng của nhiều loại khí hậu. Vì vậy, tính đa dạng của thực vật rất cao. Tôi đặc biệt dành nhiều thời gian cho rừng quốc gia Pù Hoạt. Do khu bảo tồn thiên nhiên ở đây mới thành lập từ năm 2013, việc nghiên cứu trước đó về hệ thực vật chưa nhiều”, cô Hương nói.

Nữ giảng viên kể, có đề tài nghiên cứu nằm trong dự án được tài trợ, cấp kinh phí, nhưng không phải tất cả. Nhiều đề tài 2 vợ chồng phải tự bỏ tiền túi ra để thực hiện, nhất là giai đoạn đầu tiên. Cô tâm sự: “Giai đoạn ấy vô cùng khó khăn, ít ai nghĩ rằng, 2 vợ chồng giảng viên, mà hàng chục năm chỉ ở trọ trong căn phòng 25m2 để dành tiền nghiên cứu. Hai đứa con lần lượt ra đời, cùng với nhiều khoản tiền cần phải trang trải trong sinh hoạt. Lúc nào tôi cũng phải làm việc gấp 2, gấp 3 người khác, sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không phải cả 2 vợ chồng cùng đam mê, thì có lẽ chúng tôi đã đi theo con đường khác”.

PGS Lê Thị Hương có niềm đam mê với thực vật
PGS Lê Thị Hương có niềm đam mê với thực vật

Nghiên cứu khoa học để quay về thực tiễn

Mới 34 tuổi, nhưng trong tay nữ giảng viên Lê Thị Hương đã có hơn 100 đề tài, bài báo được công bố. Trong đó có 70 bài báo quốc tế và 30 bài báo được đăng trên tạp chí quốc gia. Theo nữ PGS trẻ, để được đăng một bài báo thì phải có một quá trình phản biện khó khăn dù đăng ở tạp chí trong nước hay quốc tế. Trong những bài báo đã được công bố, thành quả nghiên cứu cũng không phải của 1 cá nhân mà là cả nhóm nghiên cứu. “Chúng tôi thường chọn hướng nghiên cứu các loại tinh dầu vì Việt Nam chưa có nhiều. Khi đưa ra xét duyệt, đề tài của chúng tôi nổi bật, có tính khả thi và dễ được đăng hơn. Nhưng có những bài báo phải đợi suốt 2 năm mới được hồi âm”, cô kể.

Trong quá trình nghiên cứu, cô cũng nhận ra ở những khu vực rừng miền Trung có rất nhiều vấn đề cần phải khám phá và bắt đầu xin đề tài để được cấp kinh phí triển khai. Ví dụ, như đề tài về thảm thực vật ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nghiên cứu về thực vật một lá mầm, nghiên cứu về dương xỉ…

PGS Lê Thị Hương cũng hào hứng chia sẻ 2 vợ chồng phát hiện được 3 loại trà hoa vàng là trà hoa vàng Nghệ An, trà hoa vàng Pù Khoạt và trà hoa vàng Pù Khạc có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, việc khai thác mới xuất phát từ người dân, trong chế biến còn lẫn lộn chưa phân biệt được từng loại, dẫn đến giá thành không cao như các tỉnh khác. Vì vậy, cô và nhóm nghiên cứu mong muốn không chỉ là phát hiện mà còn phân tích, đánh giá chất lượng từng loại chè hoa vàng để phát triển thành thương hiệu.

“Xu hướng của nghiên cứu khoa học của chúng tôi là phải ứng dụng được vào trong thực tế thay vì chỉ nghiên cứu cơ bản và về bảo tồn. Trong đó chúng tôi chú ý đến việc tạo ra sản phẩm có giá trị thương hiệu để kêu gọi đầu tư, hoặc chuyển giao công nghệ, đưa ra sản xuất. Tuy nhiên, để thành công ngoài công tác nghiên cứu thì cần sự phối hợp của nhiều đơn vị và nhiều yếu tố hỗ trợ khác”, PGS Lê Thị Hương nói về định hướng nghiên cứu của mình.

Mới đây, gia đình cô Lê Thị Hương đã có nhà riêng. Chồng cô, TS Đỗ Ngọc Đài cũng đã trở thành giảng viên công tác tại Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Nhìn lại quá trình miệt mài nghiên cứu khoa học, đánh đổi không chỉ thời gian, sức khỏe, nhưng “mình đã có được sự đền đáp xứng đáng”. Quan trọng nhất là sự lạc quan, để dù trong hoàn cảnh nào, mình vẫn kiên trì theo đuổi đam mê. Cô cũng cho rằng: “Được phong hàm PGS chỉ là một chức danh trong quá trình nghiên cứu. Quan trọng là sau khi được phong tặng chức mình tiếp tục làm được gì. Hướng nghiên cứu của mình có giúp được gì cho xã hội mới là cái đích cuối cùng của một người làm khoa học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.