Ninh Thuận: Hệ thống bơm thủy lực của chàng sinh viên… hụt

GD&TĐ - Vừa thi đại học thì bố qua đời vì bệnh hiểm nghèo, chàng trai Mai Xuân Thạch phải từ bỏ ước mơ sinh viên về quê phụ gia đình. Nhưng cũng từ bước ngoặt này, Thạch đã làm ra hệ thống bơm thủy lực không cần nhiên liệu để phục vụ sản xuất trên vùng đất “khó” Bác Ái.

Hệ thống bơm nước thủy lực của anh Mai Xuân Thạch. Ảnh: Duy Quan.
Hệ thống bơm nước thủy lực của anh Mai Xuân Thạch. Ảnh: Duy Quan.

Từ bỏ ước mơ giảng đường

Theo bà con xã Phước Thành, huyện Bác Ái, trước đây người dân sản xuất nông nghiệp chỉ dựa vào nước mưa nên sản lượng thấp, thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ hệ thống bơm thủy lực mà nhiều hộ từ nghèo khó giờ trở thành khá giả của địa phương.

Người dân Phước Thành cho biết, anh Mai Xuân Thạch, thôn Ma Rớ, xã Phước Thành là người sáng chế ra mô hình. Tại khu đất rẫy khoảng 5 héc-ta đang trồng cây ăn quả các loại, anh Thạch chia sẻ: “Tôi vừa thi Đại học Luật tại TPHCM xong thì bố qua đời vì bệnh. Lúc này gia đình gặp khó khăn, không có tiền đi học. Tôi quyết định từ bỏ ước mơ giảng đường của mình và lên thôn Ma Rớ lập nghiệp”.

Những ngày đầu lên vùng đất mới, gia đình chỉ trồng ngô, đậu… Nguồn nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào mưa. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt nên thường xuyên thiếu nước, nhiều vụ mất trắng.

Không đầu hàng trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, anh Thạch đã nảy sinh ý tưởng chế tạo hệ thống bơm thủy lực. Nghĩ là làm, năm 2013 anh Thạch mạnh dạn đầu tư 60 triệu đồng mua ống về dẫn nước từ trên đồi xuống để tưới cho vườn cây ăn quả của mình.

Sau vài lần thất bại và sự kiên trì của bản thân, hệ thống bơm thủy lực cũng hoàn thành và phát huy hiệu quả. Hệ thống trên đã tưới được cho 5 héc-ta cây ăn quả của gia đình. Từ đó đến nay, anh không còn phải lo chuyện thiếu nước.

Không cần nhiên liệu, hiệu quả kinh tế cao

Anh Thạch chia sẻ: “Nét độc đáo của hệ thống bơm thủy lực là không sử dụng nhiên liệu, chỉ lợi dụng độ cao và dựa vào lực đẩy của nước để vận hành. Hệ thống tiết kiệm công lao động, chi phí và tăng thu nhập cho gia đình”.

Anh cho biết thêm, phía trên đầu nguồn thiết kế ống to và càng về sau thiết kế ống càng nhỏ dần chính vì đó mà nước được dẫn xuống tận vườn. Độ cao chênh lệch dao động từ 27 - 30m tính từ vườn cây ăn quả đến nơi dẫn nước.

Với 5 héc-ta cây trồng các loại anh tưới chia thành 3 giai đoạn, mỗi đợt tưới liên tục từ 7 - 10 ngày. Nhờ hệ thống bơm nước thủy lực mà tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng/đợt, với 5 héc-ta mỗi tháng tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng tiền nước tưới. Hệ thống còn phục vụ chăn nuôi và nước sinh hoạt gia đình…

Theo anh Thạch, nếu không có hệ thống bơm thủy lực thì gia đình chắc không trụ được tại vùng “đất khó” này. Hệ thống thủy lực, chỉ phục vụ từ tháng 11 âm lịch năm trước đến khoảng tháng 6 - 7 năm sau. Thời gian còn lại mưa nên không sử dụng.

Năm 2019, vườn chuối của gia đình của anh Thạch cho thu nhập cao. Với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, mỗi tháng bán 2 đợt thu nhập 10 triệu đồng/tháng và khoảng 120 triệu đồng/năm. Dự kiến trong thời gian tới anh tiếp tục mở rộng trồng cây ăn quả và kết hợp thêm chăn nuôi.

Tương tự, trước đây gia đình anh Lê Thiên Hòa (thôn Ma Rớ, xã Phước Thành, huyện Bác Ái) cũng cùng chung cảnh ngộ khó khăn về nguồn nước, nhất là vào mùa hạn. Qua tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu, anh đã cho ra đời một hệ thống bơm thủy lực khác để lấy nước tưới cho cây trồng mà không cần sử dụng điện năng, nhiên liệu.

Hệ thống của gia đình anh Hòa gồm: Bể chứa, ống dẫn, ống xả. Hệ thống bơm thủy lực của gia đình anh đang phát huy hiệu quả, có thể bơm nước ở độ cao 15m, tưới cho trên 1,2 héc-ta vườn cây ăn quả các loại.

Anh Hòa cho hay, hệ thống bơm thủy lực này rất phù hợp mô hình canh tác vùng đồi. Ưu điểm của hệ thống là có thể bơm nước lên độ cao hàng chục mét nhờ vào áp lực dòng nước.

Ông Katơr Ương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thành cho biết: “Trước kia người dân cũng sử dụng ống tre, lồ ô để dẫn nước nhưng hiệu quả không cao. Bởi những vật liệu này dễ hư hỏng, nước dẫn về ít và áp dụng tưới diện tích nhỏ.

Đến nay, đã có trên 6 hộ áp dụng hệ thống bơm thủy lực bằng ống nhựa và hệ thống này có nhiều ưu điểm, có thể dẫn qua nhiều đồi núi mà không hề lãng phí nước. Nhờ có hệ thống này mà nhiều hộ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả có giá trị nhờ đó mà nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ vận động bà con nông dân mạnh dạn học tập kinh nghiệm”.

Xã Phước Thành là một trong những địa phương của huyện Bác Ái chịu nhiều tác động của hạn hán. Phần lớn diện tích canh tác của xã Phước Thành là dựa vào nước mưa. Để duy trì nguồn nước sản xuất, người dân không ngừng tìm kiếm giải pháp, áp dụng các mô hình tiết kiệm nước. Đặc biệt, việc chế tạo hệ thống bơm nước thủy lực đã giúp phát triển, cho thu hoạch khá trong điều kiện tình hình hạn hán trước đó diễn ra gay gắt trên địa bàn.

Bác Ái là huyện miền núi có lượng mưa thấp nên thường xuyên thiếu nước. Toàn huyện có 9 xã, 5.423 hộ với 25.140 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Đây là một trong 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ