Nuôi ước mơ giảng đường cho con

Nuôi ước mơ giảng đường cho con

(GD&TĐ) - Sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng lại xuất hiện rất nhiều tấm gương thủ khoa vượt khó. Nhưng câu chuyện của em Nguyễn Hữu Tiến và hơn thế là nghị lực của bố em - ông Nguyễn Hữu Định khiến ai biết cũng đều thán phục. Họ đã cùng viết lên một kỳ tích tuyệt diệu, bằng chính những giọt mồ hôi, nước mắt...

Củng cố đời con

Ông Định trong ngôi nhà đặc biệt
Ông Định trong ngôi nhà đặc biệt
 

Dù đã nghe chuyện gia đình em, nhưng khi về tận nơi ở thôn Động Phí, xã Phương Tú (Ứng Hòa - Hà Nội) và chứng kiến hoàn cảnh, tôi không khỏi mủi lòng. Căn nhà chỉ rộng chừng hơn 10 mét vuông giữa một vùng quê nghèo, tường nứt, nền gồ ghề, đồ đạc chẳng có gì đáng giá. Trái ngược với điều kiện đó là sự quyết tâm của mỗi thành viên. Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Định phải vất vả đến 10 năm ngoài phố xá mưu sinh để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Nhưng thế vẫn chưa đủ để nói nên sự đặc biệt của ông Định. Ông được nhiều người biết và nể, là đằng đẵng 10 năm đó, ông chưa bao giờ được “ngửi mùi” nhà trọ. Sống bằng nghề bơm vá, sửa chữa xe đạp, xe máy, làm xe ôm, ông luôn sống “dặt dẹo” (nguyên văn lời ông Định) ngoài vỉa hè, gầm cầu, và ngủ nhờ trong nhà vệ sinh công cộng.

Thời gian gần đây, ông ở tạm trong một đoạn cống bỏ hoang cạnh đường Lê Văn Lương kéo dài, thuộc phường Yên Nghĩa (Hà Nội). Còn vợ ông, bà Hoàng Thị Thanh - một người cũng hy sinh tất cả cho các con phải cáng đáng 8 sào ruộng cấy và lúc thì đi phụ hồ, lúc vặt lông vịt thuê. Thành quả mà các con ông bà Định - Thanh đạt được, sau rất nhiều năm cố gắng, là cô con gái cả Nguyễn Thị Huyền hiện đang học năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn; em Nguyễn Thị Huy học năm thứ 3 Trường Cao đẳng Xây dựng. Kỳ thi đại học năm 2013, em Nguyễn Hữu Tiền thi đỗ Trường ĐH Bách khoa với số điểm 26, người anh sinh đôi của Tiền, em Nguyễn Hữu Tiến đỗ thủ khoa Trường ĐH Y với số điểm 29,5.

Nói về thành tích của các con, ông Nguyễn Hữu Định chia sẻ: “Thật ra, mấy chục năm vợ chồng tôi vất vả chứ không phải chục năm nay đâu. Nhưng may mắn là các con tôi đứa nào cũng chăm học, học tốt và ngoan ngoãn, không biết chơi bời là gì. Tôi đi làm xa, về quê, bà con trong làng bảo thằng Tiến, thằng Tiền đi chăn trâu cũng mang sách theo tranh thủ học. Biết các con như thế, tôi cũng an lòng. Ngày Tiến và Tiền biết đỗ, tôi cũng rất vui. Ngay cả lúc biết Tiến đỗ thủ khoa, tôi vui lắm nhưng không về được vì phải làm. Đúng là bỏ bao nhiêu công sức cuối cùng tôi đã được đền đáp”.

Qua tìm hiểu, trước đây ở quê vợ chồng ông Định sống bằng 8 sào lúa, lúc nông nhàn đi phụ hồ. Các con càng học lên cao, chi phí lớn hơn thì một ngày đầu năm 2003, ông Định quyết định ra Hà Nội mưu sinh, mơ thoát nghèo bằng cách đầu tư cho con học. Ông không lường trước được mọi khó khăn, nhưng trong đầu lúc nào cũng một ý nghĩ: “Củng cố đời con”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan quan tâm thăm hỏi gia đình em Nguyễn Hữu Tiến
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan quan tâm thăm hỏi gia đình em Nguyễn Hữu Tiến
 

Biết ơn bố mẹ

Sáng ngày 22/8/2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến thăm gia đình thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến. Qua báo chí, Phó Chủ tịch nước biết thông tin về gia đình em Tiến gặp nhiều khó khăn nhưng các con vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Trong buổi gặp gỡ tại gia đình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã động viên bố mẹ em Tiến cố gắng vượt khó khăn để nuôi dạy các con. Đồng thời, giao lãnh đạo địa phương xem xét, xác minh nếu đủ điều kiện thì cấp chứng nhận hộ nghèo cho gia đình ông bà Định - Thanh.

Đông đảo bà con, hàng xóm láng giềng cũng đến động viên, chúc mừng. Đây được coi là một sự kiện trọng đại của đại gia đình, bà con thôn Động Phí, xã Phương Tú cũng thơm lây. Xúc động trước tình cảm của Phó Chủ tịch nước, các ban ngành đoàn thể, các nhà hảo tâm, bà Thanh - “hậu phương” của ông Định đã không cầm được nước mắt. Các em Tiến, Tiền cũng cảm thấy vô cùng vinh dự, và “ghi công” này cho bố mẹ. Em Tiến nói, giọng gần như khóc: “Em vô cùng biết ơn bố mẹ, nếu không có bố mẹ hy sinh và quyết tâm thì chúng em không bao giờ được như ngày hôm nay.” Còn em Nguyễn Thị Huy, con gái thứ hai của ông Định chia sẻ: “Chúng em lúc còn bé chỉ biết bố ra Hà Nội làm thuê, chứ không biết là khổ thế đâu. Chỉ có mẹ em thì biết, nên mẹ thường giấu mấy chị em mà khóc thầm vì thương bố. Khi em và chị Huyền lớn, ra Hà Nội học mới biết bố sống vô cùng khổ. Nhưng không ai nói với hai em sinh đôi Tiền và Tiến, để các em ấy còn an tâm học. Em cũng khuyên bố nên thuê phòng ở cho đỡ khổ, nhưng bố bảo như thế thì mất một khoản để chi cho mấy chị em”.

Công việc mưu sinh của ông Định
Công việc mưu sinh của ông Định
 

Ngôi nhà độc nhất vô nhị

Theo lời ông Định thì suốt 10 năm qua, ông không nhớ mình đã “ngủ trộm” ở bao nhiêu địa điểm. Nhiều khi trời mưa, không có chỗ trú phải khoác áo mưa đứng co ro góc đường. Khi “dạt” về đường Lê Văn Lương kéo dài, cũng do một cơ duyên, là một người quen rủ ông Định đến ở cùng trong một ngôi nhà xây dở bỏ không. Chẳng bao lâu người ta làm công trình này, ông Định không biết đi đâu, đành dùng một khúc cống bê tông bỏ không làm nơi trú ngụ. Một đầu cống, ông dùng đất trộn nước để “xây tường”. Đầu còn lại dùng những miếng gỗ ghép lại, gọi là “cửa”. Còn “giường” ông nhặt những tấm bê-tông mỏng ghép lại, rồi trải lên đó một manh chiếu. Chỉ vào “ngôi nhà” của mình, ông Định nói: “Tôi từng rất cơ cực, từng khóc than nhưng không thể buông xuôi. Nghĩ đến các con, tôi đã quyết tâm, quyết tâm từ khi ra đi cơ. Và từ đó, làm ở đâu, tôi cũng đều nín nhịn, chịu nhục chỉ để các con được học hành đến nơi đến chốn. Có thời gian quá khó khăn, gia đình định cho con bé Huy nghỉ, nhưng sợ nó tủi thân thế là vay mượn cho cả nó đi học”.

Nhìn vào “ngôi nhà”, với điều kiện như thế thì không ai nghĩ mình có thể ngủ được. Không điện, không đèn, không quạt… Tất cả chỉ nhờ vào khí trời và ánh đèn phố xá từ xa rọi lại. Ngày nắng ráo còn đỡ, ngày mưa, ông Định co cụm ngồi dựa vào thành cống vì nước hắt vào. “Khổ quen rồi, tôi thấy bình thường, chỉ ngại nhất là đời bố vất vả, mà đời con không được trò trống gì thôi. Con Huyền, con Huy đều ở ký túc xá cả, tiết kiệm được khối tiền đấy. Thời gian gần đây các em nó đi bán hàng để kiếm thêm, chắc chúng nó nghĩ phải kiếm tiền giúp cho bố mẹ đỡ vất vả”, ông Định chia sẻ.

Đưa hai con Tiến và Tiền, những tân sinh viên thăm “nhà” của bố, ông Định hiểu rằng, các con sẽ học được bài học xương máu và luôn luôn ý thức rằng, để các em được bước vào giảng đường, thì bố mẹ đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Các con cần phải trân trọng sức lao động và đồng tiền hơn nữa, để sống, vươn lên, làm người có ích. Khi mấy bố con ngồi tâm sự với nhau, ông Định cũng tiết lộ, chắc chắn sau đây, các con sẽ không để bố sống trong cống nữa. Ông cũng nghĩ kỹ và thấu đáo, chắc chắn sẽ đi thuê một căn phòng, để cùng ở với các con, là chỗ dựa và bảo ban các con.
Phía sau nụ cười và ước mơ của bốn đứa con đã được thắp lên bởi sự cố gắng của một ông bố dám hy sinh và người mẹ tảo tần. Mong rằng, niềm vui và niềm hạnh phúc của gia đình sẽ trọn vẹn, những ước mơ sẽ trở thành hiện thực. Dẫu biết rằng, phía trước, cuộc sống còn nhiều gian nan.

Ngô Thục Miên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.