Chiều 16/6, TP.HCM công bố điểm thi tốt nghiệp. Thủ khoa tốt nghiệp của thành phố là em Nguyễn Thị Ái Trâm và Phùng Duy An. Cả hai đều học trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến và được 39 điểm.
Khi hỏi về cảm xúc, cả Trâm, An đều hết sức bất ngờ vì không ai làm tốt môn Văn, chỉ hy vọng được 7 điểm. “Vậy mà em được những 9 điểm, không thể tin được. Trước giờ chưa khi nào em được điểm Văn cao vậy”, Duy An chia sẻ.
Nhiều nam sinh làm quen khi đậu thủ khoa
Cô gái xứ dừa Nguyễn Thị Ái Trâm từng là thủ khoa đầu vào của trường THPT Phan Văn Trị (huyện Giồng Trôm, Bến Tre). Đến năm lớp 12, vì muốn người con gái cả trong nhà học tốt hơn nữa nên Trâm được gia đình cho chuyển lên TP.HCM học.
Môn học sở trường của Ái Trâm là Hóa Học. |
Thầy Phạm Quang Cảnh, giám thị trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến chia sẻ: “Nhà trường rất vui mừng khi hai năm liền đều có thủ khoa tốt nghiệp. Hai học sinh An, Trâm đều rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học bài, không phải để nhắc nhở bao giờ. Đặc biệt cả hai có những cách học bài riêng so với bạn cùng lớp”.
Lên thành phố, tự nhận thức gia đình mình cũng không khá giả, nên cô bé luôn chăm học. Dù 10h tối về đến phòng, mệt mỏi sau cả ngày học tập nhưng Trâm vẫn mở vở ra ôn bài tiếp.
“Ở đây, sau 10h là phải tắt đèn đi ngủ. Nhưng em sợ không ôn bài thêm sẽ thua bạn cùng lớp nên phải lén học bằng cách trùm chăn, rọi đèn pin để không ảnh hưởng tới bạn khác. Ở trong chăn thì rất nóng, mồ hôi đầm đìa nhưng em lại tập trung được. Nhiều lần, em bị cô phát hiện và tịch thu luôn đèn pin”, Trâm nhớ lại. Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong tuổi học trò của Trâm.
Cũng có những câu chuyện buồn, như nhiều lần cô gái bật khóc vì bị điểm kém. Trâm chia sẻ: “Có mấy lần bị điểm trung bình môn Lý, nhớ đến cha mẹ ở quê gắng sức kiếm tiền cho em ăn học nên em khóc”. Khi biết tin thủ khoa, Trâm liền mượn điện thoại thầy, cô để chia sẻ tin vui về nhà.
Nét mặt xinh xắn cùng nụ cười tươi tắn nên từ khi đậu thủ khoa, Trâm được nhiều nam sinh trong trường làm quen. Trâm kể: “Từ khi biết tin, em được nhiều bạn hỏi thăm, làm quen. Sáng nay, khi đang trong lớp thì có rất nhiều bạn nam ở hai lớp C4, C5 qua lớp nhìn em, khiến em rất ngại ngùng”.
Trâm và An có nhiều kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh. |
Chia sẻ về ước mơ, cô gái xứ dừa mong muốn trở thành bác sĩ. Vì vậy, nên Trâm dự thi vào trường ĐH Y Dược TP.HCM, ngành Bác sĩ đa khoa. Ngoài ra, với sở trường là môn Hóa, nên cô thủ khoa đăng ký ngành Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách Khoa TP.HCM.
Là con gái, nhưng Trâm cũng rất mê xem bóng đá và hay xem vào dịp cuối tuần. Thời gian rảnh, cô bé thường xem báo và đọc truyện tranh.
Thủ khoa làm chân chạy cho lớp
Khi còn ở quê (huyện Thạnh Hóa, Long An), Duy An dù lực học tốt nhưng lại khá ham chơi. Cậu thường hay rong chơi với bạn, mê game, đá bóng… nên được gia đình cho lên TP.HCM học nội trú từ khi vào lớp 10
“Lúc đầu em thấy phấn khích khi được xa nhà, sống tự do. Nhưng lúc ở nội trú thì em lại rất nhớ nhà, phải một thời gian mới thích với trường lớp, bạn bè”, Duy An nói. Khi thích nghi với cuộc sống mới, An bỗng dưng trở thành osin của lớp. Sau giờ học, chàng thủ khoa đều lãnh nhiệm vụ đi mua bánh mì, trà sữa, sinh tố… cho 44 thành viên lớp 12C2.
Duy An hóm hỉnh kể: “Emm cũng hay ăn quà vặt và biết chỗ bán ngon, lại được người bán cho nhiều hơn. Vì thế em đành tự nguyện làm ôsin cho lớp. Tuy nhiên, về phòng thì em lại đi sai vặt lại bạn khác”.
Duy An được nhiều thầy cô, bạn bè chia sẻ niềm vui đậu thủ khoa. |
Tự nhận trong lớp không nổi bật nhưng An lại rất tự hào về môn Vật lý khi được bạn bè nể phục. An cho biết, mình không có bí quyết nhiều trong học tập vì việc học ở trường đã là quá nhiều. Sáng học từ 6h30, 13h giờ học tiếp, tối lại học đến 21h30 giờ là thời gian biểu của học sinh nội trú tại đây.
“Tuy nhiên, để học tốt hơn nữa thì em và bạn tự hùn tiền mua bàn xếp, mang ra hành lang cùng học học, có khi đến 12h đêm”, An cho biết.
Quãng thời gian 3 năm học nội trú, kỷ niệm vui nhất của An là những lần đến mùa cây xoài trong trường ra quả. Khi ấy, cậu và đám bạn lại chia nhau canh giữ ở gốc cây chờ trái rụng, đem chấm muối ăn. An cũng vui khi mỗi lần được đọc báo, là dịp để cậu thể hiện khả năng “bình luận” các vấn đề thời sự nóng bỏng. “Vì vậy, nhiều bạn nhận xét em như một ông cụ non”, An nói.
Mơ ước của chàng thủ khoa là trở thành một kiến trúc sư để nối nghiệp ba. “Em cũng biết vẽ, đồ họa nên đăng ký thi đại học vào trường ĐH Kiến trúc TP.HCM để được làm nghề như ba”, cậu chia sẻ.