Những ông bố đơn thân tuổi 20

Hôn nhân tan vỡ, nhiều nam thanh niên phải sắm cả hai vai bố - mẹ để chăm sóc, nuôi dạy con.

Những ông bố đơn thân tuổi 20

Yêu nhau 8 năm, ly hôn sau 14 tháng

Thỉnh thoảng, tôi lại nhận được tin nhắn hay cuộc gọi của Trung, ông bố đơn thân sinh năm 1986 kiểu: “Chị, hôm nay em điên chuyện vợ chồng con Trang (vợ cũ của Trung) quá. Nó đối xử với thằng bé rất tệ, em phải làm thế nào?” hay “Hôm nay mẹ nó đòi đón thằng bé về ngoại chơi nhưng thằng chồng nó ngăn cấm, em thương thằng bé và tức chúng nó quá, phải làm sao hả chị?”.

Ngày vợ Trung bỏ nhà “theo tiếng gọi của tình yêu” khiến Trung chết sững, con trai mới 6 tháng tuổi đói sữa mẹ khóc ngặt đến mệt lả. Trung bị trầm cảm và tự kỷ, cậu bỏ việc, giam mình trong nhà tới mấy tháng không tiếp xúc với bất cứ ai.

Nào phải chuyện tình của Trung vội vàng gì, họ là hàng xóm, chơi với nhau từ nhỏ, sau học chung trường phổ thông. Kể từ lúc Trang, vợ Trung nhận lời yêu khi học lớp 11 đến khi kết hôn, họ có 8 năm gắn bó mặn nồng.

Tình yêu của Trung và vợ được cả hai gia đình ủng hộ, đi qua mọi sóng gió suốt quãng đời sinh viên, ra trường đi làm 2 năm mới quyết định cưới. Nhưng sự đời không ai lường được chữ ngờ.

Trang vẫn ham chơi. Khi đi làm trở lại, Trang thường lấy cớ công việc trốn đi chơi với bạn bè. Rồi cô phải lòng người đàn ông hơn 2 tuổi, là bạn học cùng trường đại học và ly hôn với Trung mặc hai bên gia đình can ngăn.

Họ kết hôn sau đó 2 tháng bỏ mặc cậu con trai cô đứt ruột đẻ ra ngay ngày khát sữa mẹ. Trớ trêu thay, gia đình mới của Trang ở cách nhà Trung chưa đầy 3 km nên giữa họ luôn xảy ra những va chạm, cãi vã xung quanh việc qua lại, thăm nom cậu con chung suốt 2 năm nay.

Vì con nhỏ, lại không muốn con chịu thiệt thòi, đã thiếu sự chăm sóc của mẹ lại phải xa bố, nên Trung từ chối tất cả những công việc nếu phải đi công tác xa. Vì thế, Trung thường xuyên phải xin việc mới với điều kiện chỉ làm quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận để mỗi tối được về nhà với con.

Mặc dù được bố chăm sóc chu đáo, không bao giờ để con phải thiếu thốn nhưng cậu bé Kem bị mắc bệnh tự kỷ, chậm nói, kém giao tiếp và tăng động.

“Sự nghiệp, công việc riêng của em ngưng lại hết để dành thời gian chăm sóc con. Em sẵn sàng hy sinh tất cả vì con. Em sẽ đồng hành cùng con đến khi con phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác”, Trung tâm sự.

Từ ngày vợ bỏ đi, Trung sợ phụ nữ và không kết bạn với bất cứ bạn gái nào.

“Gà trống” một nách 2 con nhỏ

Một người bạn của Hoàng Minh từng tuyên bố, nếu có danh hiệu “ông bố anh hùng thời kỳ mới”, đảm bảo Minh xứng đáng đứng đầu danh sách trao giải. Vợ Minh từng du học ở Anh nên khi về nước, kết hôn và có 2 mặt con nhưng lúc nào cô cũng mong được sống ở nước ngoài.

Cô vợ công tác cho một tập đoàn truyền thông toàn cầu có chi nhánh ở Việt Nam. Vợ Minh gặp được một sếp độc thân người Anh nên vội vã từ bỏ 2 con thơ, ly dị chồng để thực hiện khát khao sống ở trời Tây.

Hoàng Minh ngậm đắng nuốt cay, một nách 2 con thơ khi con trai lên 5 và con gái mới 2 tuổi. “Mình là người sống thực tế nên khi hôn nhân tan vỡ, mình chọn cách đối diện với thái độ tích cực nhất” - Minh chia sẻ.

Tại cuộc gặp mặt “Những vành trăng khuyết” (chương trình dành cho những gia đình tan vỡ sau ly hôn) tổ chức ở TP HCM, Hoàng Minh kể: “Lúc đầu thật khó khăn để bố trí vừa làm bố vừa làm mẹ. Khó khăn lắm nhưng rồi mọi thứ cũng qua nếu mình nỗ lực vì các con.

Mình bỏ hết các thói quen hằng ngày như thể thao, cà phê, xem phim hay đi nhậu, thay vào đó là đưa con đi công viên, vào bếp nấu ăn, đi mua sắm quần áo, dạy con học và tất cả những việc các bà mẹ, vợ hay làm.

Mình lao vào những công việc nhà ấy với tất cả tình yêu dành cho các con mong bù đắp được phần nào thiếu thốn của hai cháu và càng ngày thấy mình trở thành ông bố hạnh phúc”.

Sau một năm, nề nếp gia đình ổn định, các con anh khỏe mạnh, gắn bó thân thiết với bố. “Mọi khó khăn đều có thể vượt qua chỉ cần bạn đừng tuyệt vọng. Hãy đối diện sự đổ vỡ bằng thái độ và hành động tích cực nhất” - anh Minh khẳng định.

Mỗi ngày với ba cha con anh Minh có nhiều chuyện để nói để cười, để thấy yêu thương nhau hơn. Anh nhận được sự khâm phục của đông đảo bố mẹ trẻ trên Facebook cá nhân và mỗi lần gặp mặt của những gia đình khuyết một nửa.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, trong số những cặp vợ chồng trẻ ly hôn, có cặp vì cảm thấy không hòa hợp khi sống cùng nhau, có cặp bước vào rồi mới nhận ra mình chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình vì họ còn quá trẻ hoặc vẫn còn quá ham chơi.

Hầu hết là các bạn trẻ chưa được trang bị kỹ năng lập gia đình, chưa ý thức được trách nhiệm cao cả với con cái khi vào vai cha, mẹ. Điều kiện cuộc sống càng nâng lên thì nhu cầu cá nhân càng tăng theo, cái “tôi” phát triển và đó là một trong những nguyên nhân gây tan vỡ hôn nhân, có những đứa con bất hạnh.

Các bạn trẻ hãy trải nghiệm, rút kinh nghiệm từ những đổ vỡ, hạn chế cái “tôi” để tìm cách nuôi dưỡng, gìn giữ hạnh phúc gia đình và dành tình yêu thương cho con trẻ.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ