Suboi
Sau cuộc phát biểu với cựu tổng thống Mỹ Obama khi ông có dịp ghé thăm Việt Nam, hình ảnh về Suboi xuất hiện ở Quảng trường Thời đại Mỹ và trên các trang thông tấn quốc tế như CNN, Time, The Guardian, National Post, Teen Vogue... Người ta ấn tượng với cô gái dám phát biểu những trăn trở của một người trẻ đang sống cùng đam mê, tự tin, không sợ hãi, không im lặng.
Là một trong những nữ rapper thành công nhất của Việt Nam, Suboi tiếp xúc với nền nghệ thuật thế giới ở khoảng cách gần, và là một trong những gương mặt đại diện cho bộ sưu tập Kenzo x H&M. Cô chính là nhân chứng sống cho câu nói nổi tiếng của mình: "Đừng bao giờ nghĩ mình là người Việt Nam thì không bằng người nước ngoài". Ở ngoài đời, Suboi cũng chỉ là một người trẻ bình thường, nhưng lại dám làm những điều phi thường. Cô là một trong những tấm gương sáng, nhắc nhở thế hệ trẻ làm sao để không sống hoài, sống phí tuổi trẻ của mình.
Thầy giáo Trần Bình Phục
Trên Hòn Chuối xa xôi, có người lính kiêm giáo viên mang tên Trần Bình Phục. Không đầu hàng căn bệnh ung thư máu, người thầy ấy còn luôn tận tụy với học trò trong những lớp học 0 đồng - những cô cậu học trò ngây ngô nhưng luôn ý thức phải học để vươn lên thoát nghèo. Không chỉ chạm đến trái tim mỗi người, câu chuyện về thầy Phục và các em nhỏ trên Hòn chuối còn là minh chứng cho những điều phi thường đến từ những con người bình thường nhưng tràn đầy khát khao, nghị lực sống và ý chí thoát nghèo.
Phan Anh
Sẵn sàng đứng lên ủng hộ 500 triệu đồng cho đồng bào miền Trung đang khổ sở chống chọi với những gì lũ lụt gây ra, từ 500 triệu đồng, Phan Anh đã kêu gọi được đến hơn 24 tỷ. Không còn chỉ là MC hào nhoáng, anh và những người bạn với những chuyến đi thiện nguyện về miền Trung đã khơi dậy niềm cảm hứng đầy tính nhân văn cho bao người trẻ Việt.
Từ dự định ban đầu chỉ là tặng những phần quà nho nhỏ cho người dân, nhưng rồi nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng, nó đã biến thành dự án dài hơi, hướng đến cải thiện cuộc sống cho bà con. Trong cuộc sống bộn bề lo toan, con người dễ quên mất lòng sẻ chia, quên rằng nên dừng lại để làm những việc tốt cho cộng đồng. Vậy nên, thật cần có những Phan Anh như thế, để đánh thức sự tử tế trong mỗi người.
Hoàng Xuân Vinh
Không phải là một vị thần, anh là Hoàng Xuân Vinh. Trải qua rất nhiều thất bại trong những cuộc thi, và cả thế vận hội Olympic đáng nhớ năm nào, anh còn bị cận và tập luyện với đạn giả, bia giấy. Để rèn luyện sự tập trung, anh đã đứng hàng nghìn giờ bất động. Ngay trước lượt bắn cuối cùng, Hoàng Xuân Vinh còn bị đối thủ dẫn trước, chiếc huy chương vàng tưởng như đã nằm chắc trong tay Felippe Almeida – vận động viên nước chủ nhà. Nhưng kỳ tích đã xảy ra, cúp vàng danh giá Olympic Rio cuối cùng đã thuộc về anh sau loạt bắn cuối cùng. Không chỉ Hoàng Xuân Vinh, mà mỗi người Việt sẽ không thể nào quên giây phút vinh quang đó – sự vinh quang đổi bằng mồ hôi và nước mắt.
Khuất Minh Thu Giang
Ngoài việc học rất giỏi và nắm trong tay cả đống học bổng từ các trường đại học trên thế giới, cũng như một bảng thành tích dài dằng dặc những hoạt động ngoại khoá – thì Thu Giang còn là nữ sáng lập trẻ tuổi của mô hình Mô phỏng LHQ dành cho các bạn trẻ tại Việt Nam. Bằng một sự quan tâm và chuyên nghiệp đáng ngạc nhiên, Thu Giang đã một mình tạo nên chương trình tuyệt vời cho các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến xã hội và ưa thích hùng biện được tham gia.
Điều hay ho hơn cả, đó là từ trước đến nay, mô hình Mô phỏng LHQ chỉ thường được tổ chức ở các trường quốc tế, lại còn vô cùng đắt đỏ. Thế nhưng với Thu Giang, việc đứng lên tự tổ chức một hội thảo Mô phỏng LHQ của riêng mình đồng nghĩa với việc phổ biến mô hình ấy ra rộng khắp, và giúp nhiều bạn trẻ ở tất cả các trường đại học, cũng như bất cứ ai có thể tham gia hay đến nghe bằng một chi phí rất thấp.
Trần Lập
Căn bệnh ung thư đã mang đi người nghệ sĩ tài hoa. Trần Lập cùng ban nhạc Bức tường đã đồng hành với tuổi thanh xuân của biết bao thế hệ 8x, 9x đời đầu. Và trong những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời mình, anh vẫn mạnh mẽ lạc quan dùng 4 tháng còn lại để thực hiện những điều còn dở dang. Âm nhạc của anh, cuộc chiến với căn bệnh ung thư quái ác đến phút giây cuối cùng chính là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai đang gặp những khó khăn trong cuộc sống. Anh để lại tinh thần bất khuất không đầu hàng số phận.
Bùi Thu Thủy
Chúng ta đã có những niềm cảm hứng tuyệt vời về việc theo đuổi ước mơ, về sự kiên trì, về lòng dũng cảm. Ở câu chuyện của Thu Thuỷ, cảm hứng đến từ những điều đơn giản hơn, đó là tình mẹ con ngọt ngào và cách hai mẹ con cùng nhau dắt tay bước qua những thử thách mà nhiều người chọn vấp ngã.
Sẽ không có nhiều lựa chọn cho một người khi phát hiện mình bị ung thư vú. Đó sẽ luôn là những ngày dài chìm trong nước mắt, rồi những cuộc phẫu thuật, xạ trị và hoá trị vắt cùng kiệt tình yêu cuộc sống và sự tự tin của một con người. Nhưng với Thu Thủy, đó lại là một câu chuyện rất khác.
Là một bà mẹ đơn thân, cô không cho phép mình được yếu đuối, bởi cô nhận ra rằng sự mạnh mẽ của mình trong giờ phút ấy sẽ không chỉ giúp cô bước qua bệnh tật, mà còn truyền đi sự dũng cảm cho con trai của cô khi thấy mẹ mình chiến đấu với căn bệnh quái ác. Cô leo lên Phan Xi Păng, lên kế hoạch cho hai mẹ con cùng leo núi. Dạy con trai mình cách sống tự lập, tạo nên những kỷ niệm mới, những ước mơ và niềm đam mê mới. Đó là một cuộc chuẩn bị cho con trai cô, để cậu bé có thể sống một cuộc sống mạnh mẽ nếu chẳng may cô có thất bại trong cuộc chiến này. Nhưng đó cũng là cách mà cô dạy con trai của mình, là cách cô vun vén trong trái tim của cậu nhóc ấy sự can đảm và mạnh mẽ, để trong suốt cả cuộc sống sau này, con trai cô sẽ trở thành một thanh niên dũng cảm và tử tế.