Những người thầy tâm huyết duy trì bữa ăn bán trú cho trò nghèo

GD&TĐ - Để giúp học trò nghèo vùng khó, các thầy cô giáo đã quyết tâm đi 'xin cơm' và chắt chiu từng hạt gạo, khôi phục bếp ăn, nơi ngủ bán trú cho các em.

Học sinh và các thầy, cô giáo ở điểm trường Tân Sơn - Trường Tiểu học Thanh Xuân, (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: TL.
Học sinh và các thầy, cô giáo ở điểm trường Tân Sơn - Trường Tiểu học Thanh Xuân, (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Từ khi điều chỉnh theo QĐ 861/TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng trăm học sinh (HS) Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) không còn hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, Ban giám hiệu cùng tập thể giáo viên (GV) nhà trường đã đồng lòng, quyết tâm "đi xin cơm" từ các nhà hảo tâm, để khôi phục bếp ăn bán trú cho học trò nghèo của mình.

Coi học trò như con

Điểm trường Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) nằm ở độ cao trung bình khoảng 800m so với mực nước biển, nên mùa đông lạnh hơn so với các bản khác trong cùng địa bàn khoảng 2-30C. Điểm trường này cách điểm trường trung tâm khoảng 4,4km và có 52 học sinh (HS), 5 thầy, cô giáo.

Bản Tân Sơn có 147 hộ với 632 khẩu, là người dân tộc Thái, Mường sinh sống rải rác trên nương rẫy, dọc theo các con suối, bên các triền đồi trong phạm vi bán kính khoảng 5km. Đời sống của bà con nơi đây đang rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và hộ đặc biệt khó khăn chiếm hơn 87%. Người dân trong bản phụ thuộc chủ yếu vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng luồng, làm nương, rẫy...

Thầy Lê Văn Sức, điểm trưởng khu lẻ Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân cho biết: Học sinh của điểm trường Tân Sơn đa số thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong số 51 HS, thì có đến 40 em thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, chỉ có 2 em thuộc gia đình có mức sống trung bình, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học của các em.

Để các em vượt qua cái khó, cái nghèo, đi học chuyên cần, chăm chỉ, vươn lên học tốt, thì các GV không chỉ như một người cha, người mẹ thứ hai của HS, mà còn là người bạn chân thành, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của các em.

Cô giáo ở điểm trường Tân Sơn đang nắn nót chỉ cho học trò của mình từng nét chữ. Ảnh:TL.

Cô giáo ở điểm trường Tân Sơn đang nắn nót chỉ cho học trò của mình từng nét chữ. Ảnh:TL.

Cũng theo thầy Sức, HS ở đây chủ yếu là con em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, bố mẹ các em đi làm ăn xa, có những em cả năm chỉ gặp được bố mẹ 1-2 lần vào dịp tết hoặc gia đình có việc lớn...

Các em ở nhà với ông, bà ở trong các chòi ao hoặc trên nương rẫy, nên rất khó khăn trong việc liên lạc trao đổi, trợ giúp kịp thời giữa GV chủ nhiệm và phụ huynh. “Để duy trì sĩ số học sinh đạt hiệu quả, chúng tôi phải tìm hiểu hoàn cảnh từng em để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho HS học tập, yêu mến thầy cô, bạn bè.

Các thầy, cô nắm bắt hoàn cảnh, đặc điểm gia đình từng HS. Khi đã biết hoàn cảnh và đặc điểm gia đình từng em, thầy, cô sẵn sàng giúp đỡ các em một cách phù hợp. Thầy cô giáo về tận nhà dân tuyên truyền, vận động, kịp thời hỗ trợ, động viên để các em tới lớp.

Sau ngày tập trung HS, chúng tôi đã có danh sách trích ngang ghi rõ họ tên, nghề nghiệp của cha mẹ các em, hoàn cảnh sinh sống của gia đình... Đồng thời, nắm vững thông tin bao nhiêu em có hoàn cảnh đủ ăn, bao nhiêu em thuộc diện hộ khó khăn, bao nhiêu em có sổ hộ nghèo, công việc thường ngày của HS ở nhà và là đứa con thứ mấy...

Thầy Lê Văn Sức và học trò của mình ở điểm trường Tân Sơn. Ảnh: TL.

Thầy Lê Văn Sức và học trò của mình ở điểm trường Tân Sơn. Ảnh: TL.

Ngoài ra, chúng tôi còn trao đổi với cán bộ bản để nắm rõ hơn về hoàn cảnh gia đình của từng HS. Sau đó, chúng tôi tập hợp thành một quyển sổ theo dõi, phân loại HS, những em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học...để báo cáo nhà trường và tập trung hỗ trợ tối đa mức có thể cho các em”, thầy Sức tâm sự.

Học sinh lẫn GV chịu thiệt thòi

Giáo dục ở vùng khó luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm bằng nhiều chế độ, chính sách đặc thù. Nhờ đó, không có HS nào vì khó khăn mà không được đi học.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều xã, thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới, ra khỏi khu vực 3 - vùng đặc biệt khó khăn. Việc các địa phương “thoát nghèo” kéo theo nhiều chính sách, chế độ trợ cấp cho HS, GV, trường học cũng bị cắt giảm.

Từ khi quyết định 861/TTg của CP và QĐ 612 của UB Dân tộc có hiệu lực (năm 2021), thì cả GV và HS Trường Tiểu học Thanh Xuân gặp rất nhiều khó khăn, vì bị cắt giảm các khoản tiền phụ cấp.

Thầy Lê Văn Sức tâm sự: “Do không còn diện trong vùng đặc biệt khó khăn, nên GV cũng bị cắt giảm các khoản tiền phụ cấp. Trong khi đó, đa số GV đang cầm cố sổ lương, vay tiền ngân hàng để mua sắm xe máy, sửa sang nhà cửa. Bây giờ, mỗi tháng lương và phụ cấp còn khoảng vài triệu đồng, sau khi trừ tiền nợ ngân hàng, các khoản đóng góp khác, nhiều GV nhận về số lương ít ỏi không đủ để sinh hoạt hàng ngày, quan hệ xã hội…

Đối với HS, do không còn chế độ bán trú, nên nhiều gia đình nghèo, cận nghèo gặp nhiều khó khăn vì phải đóng tiền bán trú cho con ăn ở trường. Trong khi đó, quãng đường đến trường không những khó khăn mà còn khá xa...”.

Học sinh ở điểm trường Tân Sơn trong giờ đọc sách tại Thư viện xanh của điểm trường. Ảnh: TL.

Học sinh ở điểm trường Tân Sơn trong giờ đọc sách tại Thư viện xanh của điểm trường. Ảnh: TL.

Trao đổi với báo GD&TĐ, thầy Đặng Xuân Viên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân cho hay, trước kia (giai đoạn 2016-2021), khi xã Phú Xuân chưa bị điều chỉnh ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì HS và người dân ở đây được Nhà nước hỗ trợ chế độ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, từ ngày 4/6/2021, khi bản Tân Sơn không thuộc vùng III nữa, thì HS không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Vì thế, nhà trường không có giải pháp gì để hỗ trợ các em.

“Đối với sách vở đầu năm học cũng như tạo sân chơi bổ ích cho HS, ngoài việc Nhà nước cấp trang thiết bị, đồ dùng học tập theo Chương trình GDPT mới, thì nhà trường và GV vận động, quyên góp từ các nguồn xã hội hóa, để xây dựng thư viện xanh.

Hiện nay, trường Tiểu học Thanh Xuân có 4 điểm trường (trong đó có 3 điểm lẻ, 1 điểm chính), đều đã có thư viện xanh, giúp học trò có nơi vui chơi, đọc sách vào những giờ ra chơi, giờ ngoại khóa”, thầy Viên chia sẻ.

Những món quà từ thiện (gạo và quần áo) được Báo GD&TĐ kêu gọi trao tặng điểm trường Tân Sơn. Ảnh: TL.

Những món quà từ thiện (gạo và quần áo) được Báo GD&TĐ kêu gọi trao tặng điểm trường Tân Sơn. Ảnh: TL.

Cũng theo thầy Viên, giảm nghèo bền vững là mục tiêu của Đảng, Nhà nước đang hướng tới. Tuy nhiên, hiện tại ở huyện vùng cao Quan Hóa nói chung và xã Phú Xuân cũng như bản Tân Sơn nói riêng vẫn đang còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, người dân ở đây đang có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo rất cao, chưa thể ngày một, ngày hai mà thoát nghèo được. Do đó, HS ở đây cũng đang phải chịu cảnh nghèo khó do điều kiện kinh tế của gia đình.

Đi xin cơm, gạo cho học trò

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, HS được học 2 buổi/ngày, điểm trường Tân Sơn thực hiện dạy học 7 - 8 buổi/tuần. Nhiều HS thường ở lại buổi trưa để học tiếp buổi chiều.

Do quãng đường đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, mùa Đông giá lạnh và những ngày hè nắng nóng gay gắt, phụ huynh thường cho con mang theo cơm cùng thức ăn đến trường, hoặc trực tiếp hay gián tiếp đưa cơm cho học sinh ăn buổi trưa tại điểm trường Tân Sơn. Thầy, cô giáo cũng mua thêm thức ăn cho các em và cùng mọi người ăn trưa tại trường để tiếp tục dạy học buổi chiều.

Bà đưa cơm cho cháu ăn trưa tại lớp ở điểm trường Tân Sơn. Ảnh: TL.

Bà đưa cơm cho cháu ăn trưa tại lớp ở điểm trường Tân Sơn. Ảnh: TL.

Với mục đích giúp học trò vợi bớt khó khăn, vất vả, Ban giám hiệu và tập thể GV nhà trường đã đồng lòng, quyết tâm “đi xin cơm, áo” cho học trò. Để làm được điều này, nhà trường đã làm Tờ trình đề nghị Phòng GD&ĐT Quan Hóa, UBND huyện phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ, xã hội hóa nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị trường học, thiết bị bán trú của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

“Khi Tờ trình của nhà trường được cấp trên phê duyệt, chúng tôi đã kêu gọi các tổ chức thiện nguyện, như: Dự án nuôi em Thanh Hoá, bạn bè, cán bộ, giáo viên và đặc biệt là Báo GD&TĐ đã đưa tin, viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xây dựng bán trú, hỗ trợ suất ăn, hỗ trợ gạo cho các em”, thầy Lê Văn Sức chia sẻ.

Trước khi khôi phục bếp ăn và ngủ bán trú, nhà trường tổ chức họp phụ huynh để thống nhất suất ăn và việc đóng góp hằng ngày. Phụ huynh phải làm đơn tự nguyện cho con tham gia ăn bán trú. Nhà trường hướng dẫn cho phụ huynh tự thuê chọn người nấu ăn. Nhà trường chịu trách nhiệm đến chất lượng thức ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc tổ chức bán trú cho HS thực ra hoàn toàn không khó. Bởi, các em rất hào hứng, phụ huynh sẵn sàng tham gia hỗ trợ nấu ăn, chăm sóc cho con, em tại trường. Với quan điểm HS nơi đây chỉ cần ăn no, ngủ ngon, nên bữa cơm của các em chỉ với 15.000 đ/suất (bao gồm: Cơm trắng, thức ăn mặn, canh rau…).

Thông qua các tiết học trải nghiệm, thầy cô hướng dẫn HS biết tự nhặt rau, rửa bát, tự nhận khẩu phần ăn, tự ăn, tự dọn vệ sinh trước và sau bữa ăn. Đôi khi, nhà trường cũng cho học sinh trải nghiệm nấu các món ăn thông thường như cơm, canh, chế biến thịt, cá…

Thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường là người đã dành hết tâm huyết để "đi xin cơm" cho học trò của mình. Ảnh: TL.

Thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường là người đã dành hết tâm huyết để "đi xin cơm" cho học trò của mình. Ảnh: TL.

"Từ khi bán trú hoạt động trở lại đến nay, HS đi học rất chuyên cần, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, đó là điều mà tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cảm thấy rất hạnh phúc”, thầy Viên bộc bạch.

Cũng theo thầy Viên, về nguồn kinh phí vận động chắc chắn là sẽ rất khó khăn, nhưng trước mắt vẫn là điều kiện có đến đâu thực hiện đến đó. Thời gian qua, cũng có những cá nhân, gia đình hảo tâm tặng gạo, tặng tiền hỗ trợ mua thức ăn thêm cho các em.

Với cách làm như vậy, đến nay tại khu trường chính và 2 điểm ở bản Giá, bản Vui- Trường Tiểu học Thanh Xuân đã xây dựng được nhà bán trú, bếp ăn cho học trò. Hiện, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trường chúng tôi đang tiếp tục phát huy cách làm nêu trên, để sớm có bếp ăn bán trú cho học sinh tại điểm trường Tân Sơn, để không còn cảnh “nắm cơm treo cửa lớp” như từ trước đến nay vẫn diễn ra.

“Giải pháp để tạo sinh kế cho người dân nơi đây giảm nghèo bền vững, thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước cho bà con đồng bào về phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng, để phát triển được kinh tế hộ gia đình, thì phải được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, được hỗ trợ đào tạo nghề, tức là tạo cho họ “cần câu”, chứ không phải giúp cho họ “con cá”.

Và, khi họ có “cần câu” rồi thì phải có nơi để “câu cá”, tức là địa phương sở tại phải có nhà máy, khu công nghiệp, ngành nghề chế biến....phù hợp để giúp họ vào làm việc, có thu nhập ổn định hàng tháng. Bởi lẽ, dù bà con ở rừng, nhưng lại thiếu đất sản xuất, không có nghề phụ và đặc biệt không có đất rừng (tư liệu sản xuất) để có thể tạo ra giá trị kinh tế..., giúp họ tự vươn lên thoát nghèo”, thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

đặt tiệc tại nhà ở đâu ngon