Những kết quả đáng chú ý của nhiệm vụ nghiên cứu được PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại.
Bổ sung các quy định nhằm xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, hướng nghiệp - phân luồng và xây dựng xã hội học tập; quy định về phổ cập giáo dục (PCGD), PCGD tiểu học là bắt buộc cùng với đó là trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện PCGD; luật hóa chủ trương đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông (GDPT); quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên (GV) mầm non từ trung cấp lên CĐSP... là những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Hệ thống GD phải được vận hành theo hướng mở
Bổ sung các quy định nhằm xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, hướng nghiệp - phân luồng và xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã quy định rõ khái niệm “hệ thống giáo dục mở” tại Khoản 1 Điều 4; quy định rõ về khái niệm “hướng nghiệp trong giáo dục” và “phân luồng trong giáo dục” tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 4. Quy định cụ thể về sự liên thông linh hoạt giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục, sự linh hoạt chuyển ngành học và hình thức đào tạo (Điều 8).
Dự thảo Luật cũng quy định GDPT được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THCS, học sinh (HS) có thể học tiếp lên THPT hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Quy định chính sách phát triển giáo dục thường xuyên để thúc đẩy việc học tập của người lớn, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người (Điều 43).
Quy định mới khẳng định hệ thống giáo dục phải được vận hành theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT; đồng thời phải bảo đảm tính hệ thống khi quy định chuẩn đầu ra của cấp học phải đáp phù hợp với Khung trình độ quốc gia. Quy định mới sẽ giúp tạo cở sở pháp lý cho việc thiết kế hệ thống giáo dục quốc dân linh hoạt đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội, hội nhập quốc tế. Bổ sung nội dung dẫn chiếu tới Luật Giáo dục nghề nghiệp liên quan đến các vấn đề về cấp học, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp.
Nâng chuẩn trình độ GV mầm non
Theo Nghị quyết số 29/NQ-TW, giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người; đội ngũ GV mầm non là nhân tố quyết định để thực hiện thành công mục tiêu giáo dục mầm non. Do đó, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (Khoản 1 Điều 72) quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo GV mầm non từ trung cấp lên CĐ sư phạm (nhưng có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016).
Quy định này hoàn toàn có tính khả thi về thời gian, nhân lực và ngân sách. Việc này sẽ tác động đến khoảng 107.000 GV mầm non chưa đạt chuẩn, nhưng ngành Giáo dục đã tính toán kỹ về lộ trình đảm bảo thực hiện chính sách này trong 7 năm tới với 94 trường ĐH, CĐ sư phạm và CĐ đa ngành tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn GV mầm non.
PCGD và PCGD tiểu học là bắt buộc
Dự thảo Luật đã phân biệt PCGD và PCGD bắt buộc. Điều 13 quy định PCGD tiểu học là bắt buộc; việc quy định PCGD bắt buộc cũng được pháp luật các nước quy định. Dự thảo Luật đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện PCGD, PCGD bắt buộc trong cả nước (Khoản 2 Điều 13). Bổ sung quy định trách nhiệm của nhà trường (Khoản 1 Điều 87), của gia đình (Khoản 1 điều 88) trong việc đảm bảo PCGD. Bổ sung quy định trách nhiệm của xã hội trong tạo điều kiện để mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập (Khoản 1 Điều 91).
Ngoài ra, Dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản, toàn diện quy định về Chương trình GDPT, SGK (Điều 30), căn cứ vào Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Nghị quyết số 29 của Đảng, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế đang được các nước phát triển áp dụng. Quy định rõ về khung pháp lý của các loại hình nhà trường như công lập, tư thục, dân lập và bổ sung loại hình trường tư thục không vì lợi nhuận. Quy định đề cao vai trò của Hội đồng trường trong quản trị cơ sở giáo dục. Sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục (Chương 7). Bổ sung 1 điều mới vào Chương 1 (Điều 14) về giáo dục hòa nhập cho đối tượng yếu thế. Thay đổi căn bản về chính sách tín dụng sư phạm (Điều 83)…
Về việc Nhà nước bảo đảm các điều kiện về CSVC và kinh phí hoạt động để thực hiện PCGD, Điều 97 của dự thảo Luật quy định: Trẻ em mầm non năm tuổi, HS tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Trẻ em mầm non năm tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; HS tiểu học, THCS trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một HS của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.
Tuy nhiên, để phù hợp điều kiện thực tiễn, Dự thảo để cho Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với HS THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với HS THCS trường tư thục trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Việc sửa đổi này nhằm cụ thể hóa Điều 61 của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa nội dung Nghị quyết 29; phù hợp nguyên lý phổ quát trên thế giới là không thu học phí với giáo dục phổ cập; giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn khi cho con thuộc diện phổ cập đến trường.
Quy định về PCGD và PCGD tiểu học là bắt buộc nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Điều 61 quy định “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc” và từng bước PCGD trung học; thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 29/NQ-TW. Các nước trên thế giới đều có quy định về PCGD, phổ cập bắt buộc và xác định trách nhiệm của nhà nước trong PCGD.
Quy định rõ về học phí và cơ chế thu học phí
Những quy định thay đổi căn bản về học phí trong dự thảo Luật như định nghĩa rõ về học phí (Khoản 1, Khoản 3 điều 97): Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ GD-ĐT. Chi phí của dịch vụ đào tạo bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động GD-ĐT theo chương trình GD-ĐT.
Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ GD-ĐT do Chính phủ quy định. Quy định cho Chính phủ quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở GDPT công lập. HĐND cấp tỉnh quy định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể và các khoản thu dịch vụ khác ngoài học phí (nếu có) đối với các cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền.
Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Thực hiện công khai chi phí đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, từng năm học theo quy định (Khoản 4 Điều 97).
Lý do của những đổi mới này là Luật Giáo dục 2005 chưa có quy định rõ ràng về học phí. Cách quy định và hiểu về học phí hiện nay còn chưa thống nhất, chưa đúng theo nguyên lý của nền kinh tế thị trường; chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, gây cản trở sự phát triển của GD&ĐT.
Bài 2: Căn cứ khoa học nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non