Đại biểu Quốc hội tâm đắc về những đổi mới của giáo dục

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và sẽ thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Liên quan đến 2 dự luật này, bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ tâm đắc về những điểm mới của 2 dự thảo luật nêu trên.  

Những chính sách nhân văn mà ngành GD xây dựng trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được các đại biểu đánh giá cao
Những chính sách nhân văn mà ngành GD xây dựng trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được các đại biểu đánh giá cao

Rất cần được luật hóa chính sách miễn học phí

Khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nếu chúng ta chăm lo tốt cho giáo dục thì sẽ có một thế hệ tương lai của đất nước tốt. Giáo dục luôn song hành cùng sự phát triển của đất nước.

“Chính vì thế chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS được đề xuất trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tới đây là một chính sách tốt, có tính nhân văn và rất cần được luật hóa” - đại biểu Trần Kim Yến trao đổi.

Phân tích về những ưu điểm của chính sách này, đại biểu Trần Kim Yến chia sẻ: Như chúng ta đã biết, những cấp học đầu đời mầm non, tiểu học, THCS là giáo dục căn bản cho một con người. Vì thế việc miễn học phí để chúng ta có một thế hệ công dân tốt, để trình độ của công dân Việt Nam ngày càng được nâng lên là điều hoàn toàn xứng đáng.

 

Chính sách miễn học phí được đề cập trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là chính sách tốt, cần được Quốc hội thông qua. Qua đó, không chỉ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, nhất là những hộ nghèo mà còn đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.


Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn TP Hồ Chí Minh

“Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách miễn học phí như trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi đã đề cập). Đây không chỉ là tin vui cho các em học sinh và gia đình các em mà giáo viên cũng thấy phấn khởi, nhất là với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi không phải đóng học phí đồng nghĩa với việc gia đình các em không phải lo toan tiền học, các em sẽ chăm chỉ đến trường hơn. Mà với giáo viên vùng khó, học sinh đến trường đầy đủ đã là một niềm vui lớn. Khi đó các thầy cô sẽ yên tâm truyền đạt tri thức cho các em học sinh mà không phải bận lòng chuyện vận động các em đến trường” - đại biểu Trần Kim Yến chia sẻ.

Trước những băn khoăn lo lắng, chúng ta không đủ nguồn kinh phí để thực hiện miễn học phí, đại biểu Trần Kim Yến trao đổi: Nhiều quốc gia họ còn khó khăn về kinh tế nhưng họ vẫn thực hiện được việc miễn học phí cho học sinh.

“Tôi biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta hãy thử cân nhắc, so sánh khoản kinh phí đầu tư cho giáo dục thông qua chính sách miễn học phí cho học sinh với các khoản đầu tư, chi phí khác? Rõ ràng, kinh phí miễn học phí cho học sinh có ích hơn rất nhiều và có lợi ích lâu dài. Bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của đất nước. Hơn nữa khi chúng ta đã luật hóa vấn đề này thì đó là nhiệm vụ Chính phủ và các cấp chính quyền phải làm” - đại biểu Trần Kim Yến nhấn mạnh.

Đối với chính sách nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, đại biểu Trần Kim Yến trao đổi: Quy định này là hợp lý. Trước đây, chuẩn giáo viên mầm non là trung cấp sư phạm, song quy định đã không còn phù hợp trong ở thời điểm này và trong tương lai. Xã hội vận động không ngừng, do đó giáo dục cũng phải vận động và phát triển. Việc nâng chuẩn để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non là cần thiết. Giáo viên càng chuẩn, càng có trình độ cao càng tốt.

Sửa đổi luật nằm trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Sửa đổi luật nằm trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT 

Giáo dục có nhiều nỗ lực, cố gắng

Cũng đến từ Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nếu có chính sách miễn giảm học phí là mừng. Tuy nhiên, chưa nên làm đại trà, mà làm thí điểm từng bước và ưu tiên số 1 cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và học sinh nghèo. Với những học sinh này, nếu được miễn tất cả các khoản không riêng gì học phí thì càng tốt.

Cho rằng, giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến mọi nhà, mọi người; tuy nhiên đại biểu Lê Công Nhường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định ghi: Thời gian qua, giáo dục đạt được nhiều thành tích. Cụ thể, theo đánh giá của các tổ chức thế giới thì giáo dục nước ta xếp thứ hạng cao, học sinh đoạt nhiều giải quốc tế. Đây là điểm sáng của giáo dục nước nhà, cần được phát huy.

Cũng theo đại biểu Lê Công Nhường, một trong những điểm nổi bật của ngành Giáo dục trong thời qua đó là, Bộ GD&ĐT đã rất nỗ lực, chủ động, tích cực trong việc soạn thảo 2 dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. “Riêng đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, tôi cho rằng đã đủ cơ sở để thông qua tại kỳ họp lần này” - đại biểu Lê Công Nhường nêu quan điểm, đồng thời trao đổi thêm:

“Trong dự thảo luật có đề cập đến tăng cường tự chủ cho các trường. Đây là chủ trương đúng và rất tốt. Qua đó thúc đẩy các trường đại học phát triển và tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các trường. Khi đó, những trường có chất lượng đào tạo tốt sẽ thu hút được sinh viên tốt và đào tạo được nhân tài. Khi đó, sinh viên ra trường sẽ có việc làm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ