Quy mô, chất lượng
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong 5 năm qua đã từng bước phát triển và ngày càng đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tính đến năm 2018, toàn quốc có 1.248.180 giáo viên, giảng viên. Trong đó, cấp mầm non: 316.616 giáo viên; tiểu học: 397.098 giáo viên; THCS: 310.953 giáo viên; THPT: 150.721 giáo viên; đại học: 72.792 giảng viên.
Nhìn chung, đội ngũ giáo viên phổ thông có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có ý chí vươn lên và tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên trẻ có vốn ngoại ngữ và tin học khá, đã bước đầu áp dụng công nghệ hiện đại trong đổi mới phương pháp dạy học của mình.
Sự bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông đã được khắc phục bước đầu. Đội ngũ giáo viên dạy các môn đặc thù (âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, công nghệ, tin học, ngoại ngữ...) đang ngày càng được tăng cường nhờ mở rộng quy mô đào tạo và sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên hiện có.
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, các điều kiện đảm bảo chất lượng. Bộ GD&ĐT có chính sách điểm sản riêng đối với ngành sư phạm để tuyển sinh được những người khá, giỏi. Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện giao chỉ tiêu cho các trường dựa trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương đưa ra.
Bộ GD&ĐT đang triển khai tích cực Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) để phát triển các trường sư phạm, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thông qua công tác bồi dưỡng phát triển chuyên môn thường xuyên, liên tục, ngay tại nhà trường với sự hỗ trợ của đội ngũ GV cốt cán, CBQLCSGDPT cốt cán, các giảng viên sư phạm chủ chốt và một hệ thống bồi dưỡng hiện đại nhằm cung cấp các nguồn học liệu mở (tài liệu, giáo trình, video, website… ), các khóa học tập tương tác (online, offline, blended-learning…), các cơ hội kết nối trao đổi, làm việc nhóm trên nền tảng ứng dụng CNTT.
Bộ GD&ĐT đang thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Bộ GD&ĐT tích cực hoàn thiện hệ thống văn bản, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, công tác truyền thông về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Thực hiện Luật Viên chức, Bộ GD&ĐT đã ban hành gần 60 văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng
Bộ đã yêu cầu các trường sư phạm thực hiện đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở phân tích, đánh giá các chương trình, giáo trình đã có và các yêu cầu mới của giáo dục phổ thông về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông các cấp; tham khảo chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các nước trên thế giới để xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng mới; xây dựng ngân hàng đề thi phục vụ đổi mới kiểm tra, đánh giá trong các cơ sở đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; xây dựng chuẩn đầu ra đối với mỗi loại hình đào tạo và mã ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu mới về phẩm chất và năng lực của người giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp…Tính đến năm 2018, các trường sư phạm đã ban hành 50 chương trình đào tạo mới đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Về thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, tính đến năm 2018, về cơ bản đội ngũ nhà giáo & cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99,0%, THPT 99,6%, ĐH 82,7%), tạo tiền đề để Bộ GD&ĐT đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện nghiêm túc và dần đi vào ổn định, góp phần củng cố, nâng cao trình độ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Việc đào tạo giáo viên đã từng bước được thực hiện theo nhu cầu, vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, vừa hạn chế tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên đã kéo dài nhiều năm nay. Phương thức đào tạo cũng được nghiên cứu, đổi mới nhằm đa dạng hóa đầu vào cũng như đầu ra. Công tác bồi dưỡng giáo viên trong những năm qua được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức và nội dung phù hợp với từng đối tượng và mục tiêu bồi dưỡng.
Công tác tuyển dụng giáo viên đã được thực hiện theo hướng coi trọng hơn đến chất lượng đội ngũ và đề cao vai trò, trách nhiệm của địa phương và các cơ sở giáo dục, góp phần giúp các cơ sở giáo dục tuyển chọn giáo viên sát với yêu cầu của thực tiễn. Một số địa phương đã có sự chú ý điều phối và phân cấp trong công tác tuyển dụng để giảm tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên cục bộ; tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có, nguồn sinh viên sư phạm mới ra trường và số học sinh trong độ tuổi trên địa bàn để xây dựng dự báo nhu cầu giáo viên, từ đó xác định chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên hằng năm.
Công tác quản lý và sử dụng giáo viên đã được quan tâm một bước. Các địa phương cũng đã tổ chức xây dựng biên chế giáo viên và cơ bản bảo đảm định mức giáo viên theo quy định. Một số nơi đã tiến hành khảo sát, dự báo nhu cầu giáo viên để có sự bố trí định mức hợp lý, ổn định trong thời gian dài.
Hệ thống ngạch chức danh giáo viên từng bước được chỉnh sửa, bổ sung góp phần khuyến khích đội ngũ giáo viên học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và đổi mới phương thức quản lý giáo viên. Một số địa phương bước đầu đã tổ chức xét nâng ngạch và chuyển xếp lương theo ngạch cho giáo viên.
Việc đánh giá, phân loại giáo viên đã từng bước đổi mới, bước đầu phát huy tính tích cực, khuyến khích nhà giáo phấn đấu vươn lên.
Chế độ tiền lương và phụ cấp theo lương của giáo viên đã được cải thiện một bước, góp phần thu hút và tạo điều kiện để giáo viên gắn bó với nghề. Nhìn chung, tiền lương và phụ cấp theo lương đối với giáo viên được hầu hết địa phương, cơ sở chi trả kịp thời, đầy đủ.
Công tác thi đua, khen thưởng, vinh danh nhà giáo được tiến hành thường xuyên, một mặt khuyến khích, động viên tinh thần trách nhiệm, sáng tạo để đội ngũ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, mặt khác, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với những nhà giáo tiêu biểu.
Bài 2: Đề xuất giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý