Ở nội dung thứ nhất, Bộ trưởng cho biết: Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi), sau khi rà soát, Bộ đã báo cáo chính phủ, trình Ủy ban thường vụ quốc hội xem xét. Xét thấy Luật này có liên quan đến mọi người, mọi nhà, do vậy cần phải lấy ý kiến rộng rãi.
Trong quy trình lấy ý kiến, trước đó Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Sở GD&ĐT xin ý kiến của đông đảo các thầy, cô giáo; học sinh, sinh viên và cha mẹ các em vì trong dự thảo luật sửa đổi có cả một chương về người học. Sau đó Bộ cũng đề nghị lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức và các tầng lớp nhân dân có liên quan.
Đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh THCS, THPT là những đối tượng rất cần được lấy ý kiến. Các em không trực tiếp quyết định những vấn đề lớn nhưng qua đó thể hiện được nguyện vọng của các em.
Vừa qua, Bộ cũng có lấy ý kiến qua tổ chức UNICEF, chỉ đạo các Sở lấy ý kiến rộng rãi và phối hợp với trung ương Đoàn để làm sao chuyển tải ý kiến và mong muốn của các em. Trên cơ sở đó, người có trách nhiệm sẽ lựa chọn các ý được sát hơn.
Vấn đề chất vấn thứ 2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản về thông tư đối với ngành giáo dục là rất nhiều và chúng tôi đã rà soát các văn bản, trong đó có thông tư từ nhiều năm gần đây, trong đó có Thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên.
Nội dung về vi phạm của học sinh, sinh viên liên quan đến hoạt động mại dâm được quy định từ năm 2007, sau đó đầu năm 2016 lại có thông tư (quy chế công tác học sinh, sinh viên, trong đó có quy định xử lý HSSV bán dâm đã được ban hành tại Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13/8/2007 về quy chế HSSV các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và được sửa đổi tại Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05/4/2016 (cho các trường đại học).
Như vậy thực tế quy định này đã có. Khi rà soát chúng tôi đề nghị tất cả các nội dung không còn phù hợp thì bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung này.
Bộ trưởng cho biết, khi nhận được thông tin, đã yêu cầu báo cáo và xử lý ngay. Quan điểm của Bộ trưởng là không cần phải đưa vào thông tư.