Thấy tấm biển đề tuyển lễ tân treo trước cửa một khách sạn 6 tầng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chúng tôi ghé vào xin nộp hồ sơ.
Ở đó chỉ có người phụ nữ khoảng 40 tuổi. Chị giới thiệu mình tên Thu, là nhân viên dọn dẹp buồng phòng kiêm trông coi, quản lý khách sạn. Chủ khách sạn đi vắng, hẹn sang tuần sẽ phỏng vấn.
Sau màn làm quen, người phụ nữ bắt đầu cởi mở hơn và nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm làm việc của mình. Theo chị Thu, những ngày bình thường chỉ có chị và bảo vệ ở đây, ông chủ ít khi xuất hiện, trừ trường khẩn cấp.
"Lễ tân không chỉ đứng quầy 8 tiếng mà còn kiêm thêm giặt giũ và nhiều việc khác vì vậy chẳng ai trụ ở đây được lâu", chị Thu nói.
Phố nhà nghỉ. |
Giá thuê phòng được tính theo hai cách. Nếu khách nghỉ theo giờ, giá chỉ khoảng 150 nghìn đồng/giờ nhưng qua đêm là 300 nghìn đồng/đêm.
Khách sạn khá đông khách, mỗi tầng có 6 phòng nhưng luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm.
Nhân viên dọn phòng tiết lộ, lý do gần đây khách tìm đến đông là vì ông chủ mới đầu tư một loạt các loại ghế tình yêu mới, giúp cuộc yêu của các cặp đôi thăng hoa hơn.
Người này đồn người kia, họ cứ thế nườm nượp ra vào. Ai cũng đòi thuê phòng có chiếc ghế đó.
Chị Thu hướng dẫn: "Ở đây, mỗi phòng đều có điều hòa, ti vi, bình nóng lạnh, wifi. Hai chiếc điều khiển và bộ vệ sinh (dầu gội, dầu tắm, xà phòng, bàn chải...) mình để vào rổ nhựa, khi nào khách nhận phòng thì đưa cho họ. Còn khăn tắm, lên dọn phòng, mình thay mới, gấp gọn gàng, đặt trên giường".
Nhân viên này bật mí, ga đệm, vỏ gối không cần thay thường xuyên. Khách trước dùng xong, chị phủi vài cái, trải phẳng phiu cho khách sau sử dụng. Sau đó, dùng nước hoa xịt lên cho thơm tho.
Khăn tắm, khăn mặt bẩn được dồn lại, mỗi tuần giặt một lần. Khi ấy, hóa chất tẩy trắng được tận dụng tối đa nên khăn nào cũng trắng tinh như mới nhưng bốc mùi thuốc tẩy đến váng vất mặt mày.
Khi được hỏi về các "thượng đế" thuê phòng, người phụ nữ này cho biết chị ít trò chuyện với khách, đây là nguyên tắc làm việc cũng là quy định của khách sạn. Tuy nhiên cũng có một vài vị khách khiến chị Thu khá ấn tượng vì họ hay hỏi han, "tám" chuyện với lễ tân.
Trong đó phải kể đến bà Tâm (60 tuổi - ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Trong trí nhớ của chị Thu, vị khách nữ đó khá to béo, trắng trẻo, khuôn mặt trang điểm đậm. Đều đặn cứ vào 9 giờ tối thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, bà đi taxi đến thuê phòng một mình.
Vài phút sau, một nam thanh niên cầm hộp nhựa chứa đủ các loại chai lọ mỹ phẩm xuất hiện, nói mình làm nghề tẩm quất, bấm huyệt, được khách gọi đến.
"Theo số phòng thanh niên đọc, tôi biết đó là phòng của bà Tâm. Tôi nhấc máy gọi lên kiểm tra, được sự xác nhận của khách, tôi đồng ý cho cậu ta lên.
Khoảng 2 tiếng, bà Tâm xuống trả phòng. Hôm nào khách vui còn "bo" thêm cho tôi 50 nghìn đồng", nhân viên khách sạn nhớ lại.
Trong lúc chờ taxi đón, người phụ nữ đó không ngần ngại kể cho chị Thu bí mật của mình. Theo đó, bà Tâm dù lớn tuổi nhưng tính cách vẫn thanh niên, dùng điện thoại công nghệ, chơi face, lướt web sành điệu hơn cả lớp trẻ. Từ khi được bạn giới thiệu dịch vụ mát-xa, bà đâm "nghiện". Tuần nào không đi mát-xa là bà bứt rứt không yên.
Bên cạnh đó, chị Thu cũng than vãn, nhiều lần tá hỏa khi gặp đối tượng khách quậy phá. "Tôi làm việc ban ngày dễ chịu hơn ban đêm. Vì buổi đêm chúng tôi phải thức, một số khách say xỉn vào thuê phòng rồi quấy rối cả nhân viên khách sạn", chị Thu thở dài nói.
Lần đó, khoảng 2 giờ sáng, chị ngồi xem ti vi cho đỡ buồn ngủ. Một người đàn ông mặc áo sơ mi, quần tây, trông lịch sự tiến vào quầy lễ tân. Có vẻ ông ta uống nhiều rượu bia nên dù đứng xa nhưng chị Thu vẫn ngửi thấy mùi.
Vị khách này lấy chìa khóa, bấm thang máy lên tầng 4. Được khoảng 30 phút, ông ta xuống kêu cửa bị kẹt.
Chị Thu đành tự mình lên kiểm tra. Khi cánh cửa vừa mở ra, chị quay lưng lại dặn dò khách cách sử dụng, tránh xảy ra sự việc tương tự. Thế nhưng, chị lại bị chính vị khách quấy rối.
Sợ hãi, chị Thu hét lên nhưng gã đàn ông giữ tay, định đẩy chị vào phòng.
Chị Thu vùng vẫy, thoát ra được, vội chạy xuống tầng dưới theo đường cầu thang bộ. Sau lần đó, chị Thu phải xin nghỉ phép mấy ngày để trấn an tinh thần.
“Tôi làm ở khách sạn 5 năm, đó là lần đầu tiên tôi gặp tình cảnh như thế. Rút kinh nghiệm vào những lần sau, khi khách cần phục vụ gì, tôi đều gọi bác bảo vệ lên hỗ trợ hoặc khéo léo, đề nghị khách xuống quầy”, chị Thu cho hay.