Nhân lực công nghệ thông tin: Vượt qua thách thức

GD&TĐ - Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang bùng nổ và khẳng định sự không thể thiếu vắng trên mọi lĩnh vực, đời sống xã hội.

Các diễn giả Aptecch đối thoại cùng học viên tháng 8/2018
Các diễn giả Aptecch đối thoại cùng học viên tháng 8/2018

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia thích ứng rất nhanh với công nghệ. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, để CMCN 4.0 thực sự tạo đà cho phát triển, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các chỉ số nhân lực, chuyên môn lao động.

Lan tỏa làn sóng CMCN 4.0

Theo phân tích của ông Nguyễn Bá Lâm, Chuyên gia đến từ Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ trong việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào các hoạt động liên quan đến kinh tế - xã hội. Nhưng vẫn còn những chỉ số khiêm tốn cần phải được cải thiện. Để làm được điều đó cần phải cải tổ toàn diện từ hệ thống giáo dục, chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật… Để những điều này thành các hoạt động và triển khai được thì cần phải nỗ lực rất nhiều, nếu không đang từ lợi thế sẽ dẫn đến việc tụt hậu so với các quốc gia khác nhạy bén thời cuộc hơn.

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, một trong những chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin, cho rằng: “Trách nhiệm đang đè nặng lên vai các nhà trường với vai trò đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Trường Đại học Mở Hà Nội là một trường đại học có nhiệm vụ chính về đào tạo mở từ xa, góp phần xây dựng xã hội học tập. Hơn ai hết chúng tôi hiểu lợi thế của việc thích ứng và tận dụng hiệu quả CMCN 4.0. Nhằm giúp bạn trẻ định vị được mình trong CMCN 4.0, các thầy cô đã chủ động cập nhật các kiến thức cần thiết để đầu tiên giúp mình hiểu rõ hơn về những kiến thức và kỹ năng cần có để việc đào tạo hiệu quả và chất lượng hơn, đồng thời cũng có tư vấn giúp sinh viên nắm bắt cơ hội phát triển sự nghiệp, không lỡ nhịp trong CMCN 4.0”.

Có thể nói, làn sóng của cuộc CMCN 4.0 giờ đang lan tỏa ra khắp các giảng đường đại học. Hơn ai hết các nhà trường đều hiểu rằng trong một thế giới phẳng, việc đào tạo ra một sản phẩm có khả năng thích ứng tốt với nhịp sống mà cụ thể ở đây là hơi thở nóng hổi của cuộc cách mạng 4.0 là điều vô cùng quan trọng.

Chỉ mới đây thôi, ngày 30/10/2018, 4 trường đại học hàng đầu về khoa học kỹ thuật là Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thuỷ lợi, đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các trường. Trong nhiều nội dung quan trọng, việc tận dụng lợi thế của từng trường trong thời 4.0 để nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH là một trong những ưu tiên lớn mà trong đó CNTT được đánh giá cao.

CNTT giúp người học xóa khoảng cách không gian và thời gian
  • CNTT giúp người học xóa khoảng cách không gian và thời gian

Thách thức và cơ hội

Ông John Mathew – Giám đốc APTECH khu vực Đông Nam Á – người có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo ngành CNTT, trong một bài thuyết trình về những cơ hội – thách thức mà nhân lực ngành CNTT gặp phải thời đại 4.0, cho rằng: Việt Nam đang tập trung phát triển những nhóm ngành chủ lực, nổi bật nhất là ngành CNTT, cần đến 400.000 lao động/năm.

Năm 2018, dân số Việt Nam vào khoảng 94 triệu người, trong đó lực lượng lao động chiếm 59,5%, GDP tăng trưởng tốc độ 7,08%, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển. Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 70% dân số trong độ tuổi lao động, vì vậy tỷ lệ cạnh tranh để có việc làm là rất cao, buộc nhân lực phải tự nâng cao chất lượng. Riêng nhân lực ngành CNTT cần có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng được công việc tại các doanh nghiệp, có kỹ năng vận dụng kiến thức được học vào thực hành để đáp ứng thời 4.0.

John Matthew: Thách thức lớn nhất của nhân lực CNTT là không tìm được lời giải bài toán và không có giải pháp gì. Tuy nhiên, qua thời gian làm việc và tích luỹ kinh nghiệm, mọi vấn đề đều được giải quyết nhanh chóng. Khi làm việc thực tế, mọi thứ khác xa lý thuyết, nên việc tích luỹ kinh nghiệm là vô cùng quan trọng. Đôi lúc công nghệ 4.0 bị thổi phồng quá nhiều, các công nghệ mới đang trong giai đoạn phát triển. Vì vậy, robot có thể thay thế con người. Tuy nhiên còn phải cần nhiều bước tiến khác. 

Còn ông John Matthew - đại diện của Aptech Ấn Độ - một quốc gia được đánh giá cao về phát triển CNTT, chia sẻ: Từ cuộc cách mạng 1.0 là máy hơi nước, cách mạng 2.0 là điện, cách mạng 3.0 là máy tính và robot, nhiều người nghĩ 4.0 mới là cách mạng CNTT, nhưng thực ra nó đã xuất hiện từ cuộc CM 3.0, đã mở ra nhiều cơ hội, việc làm mới.

Chúng ta đứng trước công nghệ 4.0 chứ nó chưa diễn ra. Nhưng khi nó đã diễn ra là sẽ nổ bom và chạy đi rất nhanh. Thế giới hiện có khoảng 3 tỉ người sử dụng mạng xã hội, 5 tỉ người dùng điện thoại thông minh với những yêu cầu về hỗ trợ các chức năng công nghệ số. Các công nghệ mới đang hứa hẹn làm thay đổi cuộc sống. Điều này thể hiện tiềm năng trong đào tạo nhân lực lĩnh vực CNTT là rất lớn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhân lực CNTT đang đứng trước không ít cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Hiện đã, đang và trong tương lai, sẽ phổ cập xe không người lái giúp giảm thiểu tai nạn, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí về phương tiện di chuyển công cộng giảm; Năng lượng mặt trời, nước… tạo ra điện năng cao và bảo vệ môi trường. Internet với các thành phố thông minh, kết nối mọi vật, mọi người, từ nhà cửa, nơi làm việc, mạng xã hội… thành một hệ thống, có sự tương tác, kết nối lẫn nhau. Điện toán đám mây với dữ liệu khép kín, lưu trữ toàn bộ dữ liệu để truy cập ở mọi nơi, mọi lúc, có dung lượng lớn, có thể dùng để phân tích và dự đoán các nguy cơ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chất lượng và kỹ năng của người lao động có đạt được yêu cầu của tốc độ phát triển này hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ