Ngành hot
Thời gian qua, những cuộc tấn công mạng đã khiến cho các tổ chức, cơ quan điêu đứng, nhất là các ngân hàng. Theo “Báo cáo mối đe dọa DNS toàn cầu 2018” của EfficientIP, trong số 1.000 doanh nghiệp được khảo sát, có tới 38% từng bị sập ứng dụng, 34% có trang web bị xâm phạm, 29% thất bại kinh doanh, 46% đã từng bị sập dịch vụ điện toán đám mây do các cuộc tấn công DNS.
Trao đổi về vấn đề an ninh mạng, PGS.TS Lê Kỳ Nam, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự chia sẻ: “Trong thế giới kết nối, các cuộc tấn công mạng xuất hiện ngày càng nhiều, gia tăng cả về số lượng và độ nguy hiểm. Khi thế giới thực ngày càng gắn kết với thế giới ảo, các cuộc tấn công mạng ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống của con người. Trên không gian mạng, không có biên giới, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng rất cần sự hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức và đóng góp các cá nhân”.
Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình như Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, cải cách hành chính nhưng Internet vốn không an toàn. Bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng cần đến kỹ sư công nghệ để bảo mật hệ thống mạng, bảo vệ dữ liệu thông tin, kể cả các nhà mạng cần bảo vệ dữ liệu cá nhân, vấn đề an ninh quốc gia, an ninh quốc phòng. Đây chính là nguyên nhân tại sao công nghệ thông tin là ngành hot, thu hút đông sinh viên theo học, đặc biệt là chuyên ngành an toàn thông tin.
TS Trương Cao Dũng, giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết: “Hiện nay có rất nhiều trường đại học có khoa Công nghệ thông tin. Mỗi năm, riêng trường tôi tuyển sinh 800 sinh viên công nghệ, chiếm 30% tổng số sinh viên đầu vào toàn trường và cũng có điểm đầu vào cao nhất là 23 điểm, trong đó sinh viên chuyên ngành an toàn thông tin có 250 em. Do hạn chế về cơ sở vật chất và cơ hữu giảng viên nên nhà trường chỉ đáp ứng được một phần hồ sơ tuyển sinh”.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Tập đoàn Bkav cho biết: “Những vụ tấn công an ninh mạng thời gian qua nhằm vào website, cơ sở dữ liệu, trong đó, nhiều nhất tấn công vào hệ thống thiết bị IoT. Bởi hệ thống này hiện được ứng dụng rất nhiều trong mọi lĩnh vực. Đảm bảo cho hệ thống an toàn IoT đó chính là trách nhiệm thuộc về sinh viên công nghệ sau khi ra trường”.
Phát triển nguồn lực
Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thành viên Ban Điều hành triển khai Đề án 99 cho biết: “Nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng đóng vai trò hết sức quan trọng. Ý thức được điều này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 99, năm 2014 phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam đến năm 2020, hay còn gọi là Đề án 99. Cục An toàn thông tin ngoài chức năng tham mưu, còn có trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ cùng các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng”.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chương trình đào tạo sinh viên công nghệ thông tin 4+1,5, có nghĩa sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ thạc sĩ, còn lại đa số các trường chỉ đào tạo 4 năm. Tại đây, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản, đầy đủ như: Bảo vệ mạng lưới, bảo vệ phần tử của mạng thông tin, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, các thủ thuật tránh đột nhập, từ chối dịch vụ (DDOS).
“Học viện Kỹ thuật Quân sự ngoài việc trang bị kiến thức cho sinh viên ngành an toàn thông tin, rất chú trọng tổ chức các cuộc hội thảo. Đầu tháng 11 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức tọa đàm Khoa học công nghệ Việt Nam - Nhật Bản, hy vọng đây là sân chơi bổ ích, giúp thúc đẩy phong trào học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin. Học viện sẵn sàng là nơi kết nối các cơ sở đào tạo về an toàn thông tin với các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực an toàn thông tin trên thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng, từ đó hình thành mạng lưới quốc tế, nhằm trao đổi chương trình đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng an toàn thông tin” - PGS Lê Kỳ Nam cho biết thêm.
“Các bạn sinh viên công nghệ sinh ra trong hoà bình, lớn lên trong kỷ nguyên Internet, trưởng thành là một kỹ sư, cử nhân trong cuộc cách mạng 4.0, phải thay đổi những nhược điểm của người Việt như thiếu tính chuyên nghiệp, hay sai hẹn, đi muộn, không tôn trọng giờ giấc, duy tình, không muốn đi đường dài. Nhưng trước tiên là phải thay đổi trong suy nghĩ của chính các bạn. Thời đại 4.0 là gì? Thời đại 4.0 là thời đại của những điều mới mẻ. Con đường 4.0 ở đâu? Con đường chính ở ngay dưới chân mỗi sinh viên công nghệ”, ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Công nghệ thông tin là ngành hot nhưng hiện nay, do hạn chế về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên nên các trường đại học trong nước chưa đáp ứng hết nhu cầu người học. Tuy nhiên, theo ông Trương Cao Dũng: “Cơ bản sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức song vẫn nặng lý thuyết, thiếu thực hành, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu mô phỏng hơi ít. Việt Nam còn thiếu môi trường giả lập cho sinh viên công nghệ thực hành. Bên cạnh đó, quy trình tái đầu tư cơ sở vật chất nghiên cứu, giảng dạy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn”.
Con người đang sống trong một xã hội mà công nghệ thông tin chi phối ở bất kỳ lĩnh vực nào. Khoa học công nghệ 4.0, mạng xã hội và các thiết bị di động cũng đang ở thời kỳ đỉnh cao, nên cần có một nền tảng công nghệ thông tin. Do đó, để vận hành, phát triển các hệ thống và các ứng dụng khoa học công nghệ, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cần có một nguồn nhân lực công nghệ thông tin rất lớn. Vì thế đầu ra cho sinh viên công nghệ đang rộng mở.