Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội

GD&TĐ - Trong tiến trình phát triển của xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực này là một bộ phận cấu thành nên nguồn nhân lực xã hội.

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nằm ở mọi ngành nghề và lĩnh vực
Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nằm ở mọi ngành nghề và lĩnh vực

Họ làm việc ở những vị trí lãnh đạo, chuyên môn kĩ thuật bậc cao và chuyên môn kĩ thuật bậc trung, những vị trí có liên quan mật thiết tới sự ra đời, phát triển, truyền bá và ứng dụng tri thức.

Số lượng lao động có trình độ ngày càng tăng

Đó là nhận định của PGS.TS Trần Thị Thái Hà và các cộng sự của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và là thành viên nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”.

Đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả do PGS.TS Trần Thị Thái Hà làm chủ nhiệm sẽ có những dự báo nhu cầu nhân lực trình độ đại học đến năm 2025 của Việt Nam phân theo ngành kinh tế làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo.

Trên cơ sở đó, đề tài phân tích thực trạng nhân lực và xu thế phát triển thị trường lao động tập trung vào thị trường lao động có trình độ đại học; Nghiên cứu các nhân tố tác động đến nhu cầu nhân lực có trình độ đại học; Nghiên cứu các mô hình dự báo, phân tích thống kê, xử lí chuỗi thời gian, đối với nhu cầu về nhân lực trình độ đại học; Thu thập dữ liệu thống kê đảm bảo cơ bản cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin dữ liệu cần thiết phục vụ các hoạt động phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin ở phạm vi quốc gia. Đồng thời đề xuất mô hình và thực hiện dự báo nhu cầu nhân lực trình độ đại học phân theo ngành kinh tế; Dự báo nhu cầu nhân lực trình độ đại học ngành công nghệ thông tin.

Theo nhóm nghiên cứu, nguồn nhân lực chất lượng cao thường được đào tạo ở trình độ cao đẳng trở lên, có kiến thức và kĩ năng để làm các công việc phức tạp, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ và vận dụng sáng tạo những kiến thức, những kĩ năng đã được đào tạo trong quá trình lao động sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực này chính là một trong những giải pháp tối ưu để phát triển xã hội, phát triển đất nước.

Chính vì vậy, một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (năm 2013) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT (viết tắt là Nghị quyết 29) đặt ra cho ngành GD-ĐT là phải tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đủ đức, đủ tài để phục vụ sự phát triển chung của đất nước. Cụ thể: “Đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học”.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, trong gần 5 năm qua, ngành GD-ĐT đã nỗ lực không ngừng để cung cấp cho đất nước một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao. Và trên thực tế, ngành GD-ĐT đã đạt được những thành tựu không nhỏ như: Phát triển nhanh về mặt số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo chất lượng đầu ra với tỉ lệ người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên có việc làm ngày càng tăng.

Nội dung nghiên cứu chính của đề tài gồm: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về định hướng phát triển nguồn nhân lực và chính sách đào tạo nhân lực, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; Dự báo nhu cầu nhân lực trình độ đại học đến năm 2025 của Việt Nam phân theo ngành kinh tế làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo; Nghiên cứu thực trạng chất lượng nhân lực CNTT được đào tạo và khả năng đáp ứng yêu cầu trên thị trường lao động; Rà soát chính sách định hướng phát triển nhân lực CNTT trình độ đại học và đề xuất các giải pháp đảm bảo điều kiện thực hiện phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học ngành CNTT đến năm 2025; Xây dựng cơ sở dữ liệu thực trạng đào tạo nhân lực trình độ đại học ngành CNTT làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo. 

Nếu như ở thời điểm quý II năm 2014, nước ta mới có gần 5,4 triệu lao động trình độ cao, trong đó người có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên có khoảng 4,01 triệu người (chiếm khoảng 74,3% lao động trình độ cao) thì 4 năm sau đó, vào quý II năm 2018, số lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên đã tăng lên đến 7,2 triệu người, tăng 80% so với cùng kì năm 2014. Trong đó, lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 5,28 triệu người và cao đẳng là 1,92 triệu người.

Cùng với sự gia tăng số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao thì sự kiềm chế, giảm phát số lượng người thất nghiệp có trình độ chuyên môn kĩ thuật từ cao đẳng trở lên cũng là một giải pháp được không chỉ ngành GD-ĐT mà cả hệ thống chính trị đã thực hiện tốt trong thời gian qua.

Ở thời điểm cuối năm 2015, tổng số lao động thất nghiệp có trình độ chuyên môn kĩ thuật từ trình độ cao đẳng trở lên là 276.600 người (trong tổng số 1.090.000 người thất nghiệp của cả nước) thì đến quý II năm 2018, con số này chỉ còn 197.700 người (trong tổng số 1.061.500 người), giảm 78.900 người sau gần 3 năm.

Đây là những thành tựu đáng kể thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của ngành Giáo dục và hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thể hiện trong Nghị quyết 29.

Thách thức từ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành Giáo dục vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: Tỉ lệ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kĩ thuật đạt trình độ cao đẳng trở lên so với tổng số lực lượng lao động chưa cao, chỉ chiếm khoảng 13% tổng số lực lượng lao động (Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II/2018).

Một bộ phận nguồn nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên chưa bắt kịp với nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Tỉ lệ thất nghiệp ở lực lượng lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên còn lớn, chiếm khoảng 18,6% tổng số người thất nghiệp và chiếm 2,74% trong tổng số người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên.

Để giải quyết được những bất cập này, nhóm nghiên cứu đề xuất, ngành GD-ĐT cần phải thực hiện một số các giải pháp đồng bộ như sau: Định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh ngay khi còn học phổ thông. Nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học. Nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng đầu ra sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học.

Và để ngành Giáo dục thực hiện được những giải pháp nêu trên cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị để góp phần thực hiện thành công các nội dung quan trọng của Nghị quyết 29, trong đó có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.

Bảng số liệu minh họa:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ