Chân dung nhà khoa học trẻ
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế, anh Nguyễn Trung Thành cùng bạn bè thuộc thế hệ 8X có điều kiện tiếp cận tinh hoa của nhân loại, có thể tự khẳng định mình qua việc lĩnh hội tri thức, phát triển đam mê và khát khao sáng tạo, khởi nghiệp.
Ngay từ nhỏ, Trung Thành đã nhen nhóm ước mơ cải tạo nguồn nước nhiễm phèn. Trong đầu anh lúc nào cũng hiển hiện câu hỏi phải làm thế nào để giúp cho bà con xứ mình có nguồn nước sạch để dùng.
Trong suốt những năm trên ghế nhà trường và những năm giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học An Giang, anh đã cống hiến hết mình cho khoa học để tìm ra đáp án cho câu hỏi ngày ấy.
Hơn 10 năm công tác tại Trường Đại học An Giang, anh đã đóng góp nhiều cho công tác giảng dạy và nghiên cứu của Trường. Nhiều đề tài nghiên cứu của anh có tính ứng dụng thực tế cao. Tiêu biểu là đề tài cấp Trường “Nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp phụ asen từ tro trấu nghiệm thu 2015” - (được Hội đồng nghiệm thu Trường xếp loại Giỏi ).
Song song đó, anh còn tham gia Dự án trong nước về “Lắp đặt hệ thống lọc nước đơn giản cho khu vực nhiễm phèn tỉnh An Giang” và tham gia 3 Dự án quốc tế, trong đó có Dự án mang ý nghĩa cấp thiết, “Quản lý nước của đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”...
Hiện TS Nguyễn Trung Thành là thành viên chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang và chương trình Năng lượng sinh khối trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa An Giang và Thụy Điển.
Đồng thời, anh còn là thành viên Ban biên tập và ủy viên phản biện Tạp chí khoa học - Trường Đại học An Giang; thành viên xét duyệt Đánh giá Tác động Môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường - Tỉnh An Giang….
Mạnh dạn tìm lối đi riêng
Sau nhiều lần nghiên cứu, phải đối mặt với không ít thất bại, nhưng anh không chán nản, buông bỏ giữa chừng. Ý chí không chùn bước đã khiến cho may mắn phải mỉm cười với anh.
TS Thành đã tìm ra hướng đi mới cho mình, bao gồm 3 lĩnh vực: Thứ nhất là năng lượng xanh (Ứng dụng kỹ thuật xúc tác nano để cải tiến công suất và độ bền cho Pin nhiên liệu; Nâng cao công suất và thời gian sống của pin năng lượng mặt trời); thứ hai là công nghệ hóa học và xử lý ô nhiễm môi trường (đề xuất các phương án về tổng hợp và thành phần đối với các vật liệu micro và nano để nâng cao hiệu quả và độ bền xúc tác trong các phản ứng hóa học và xử lý môi trường.
Tổng hợp các vật liệu hấp phụ với khả năng hấp phụ cao cho các ứng dụng khác nhau trong công nghệ hóa học và xử lý ô nhiễm môi trường); thứ ba là hướng Biosensor (tổng hợp vật liệu nano và ứng dụng trong biosensor, tổng hợp vật liệu hỗ trợ chẩn đoán và điều trị một số bệnh trên người, chẳng hạn như bệnh ung thư).
Từ những hạt nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, TS Thành tận dụng chúng để xử lý môi trường - chẳng hạn như lọc khí thải, chất thải trong nước. Theo anh, tỉnh An Giang có hai nguồn tài nguyên lớn, đó là tro trấu và nước phèn. Ban đầu tro trấu chỉ được dùng làm chất trộn trồng cây và than hoạt tính, hoặc có khi người dân đổ xuống sông, làm ảnh hưởng chất lượng nguồn nước.
Qua quá trình tìm tòi, phát hiện và nghiên cứu xử lý tro trấu, anh đã mạnh dạn chuyển giao công nghệ này cho tỉnh xử lý các vấn đề về môi trường. Trong nước phèn có sắt và nhôm, những tưởng đây là các chất phế thải nhưng nhờ bàn tay và khối óc của nhà khoa học trẻ, hai thành phần chính này đã tạo ra thành phần mới giúp cải thiện chất lượng nguồn nước.
Theo nhà khoa học trẻ, không khí và nước là hai thứ quan trọng thiết yếu. Tạp chất trong không khí và nước thì nhiều vô số kể, đó là nguồn lợi mà thiên nhiên ban tặng cho quê hương.
Theo anh, điều tiên quyết là mỗi nhà khoa học cần phải xác định hướng đi cho mình - đó cũng chính là động lực nghiên cứu và cũng là cơ hội phát triển – cái duyên trời cho mà bản thân người nghiên cứu phải tranh thủ nắm bắt và biến khó khăn thành thuận lợi.
Đối với TS Thành, không mong muốn nào hơn ngoài việc nhân rộng những mô hình nghiên cứu để phục vụ cuộc sống con người an toàn, tiện lợi và hạnh phúc, cũng giống như con ong luôn “góp mật cho đời”. Mỗi người trong xã hội đều có sự phân công rõ ràng, riêng nhà khoa học thì phải biết dùng chính khả năng, năng lực để làm ra sản phẩm.