Người trẻ bị đột quỵ vì lối sống hiện đại

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) được mặc định là bệnh của người già. Nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị đột quỵ đang trẻ hóa.

Người trẻ bị đột quỵ vì lối sống hiện đại

Dưới 20 tuổi cũng đột quỵ

Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) từng điều trị cho bệnh nhân 17 tuổi bị đột quỵ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Người nhà cho biết, trước khi nhập viện khoảng một tiếng, bệnh nhân vẫn cười nói bình thường rồi đột nhiên ôm đầu kêu đau dữ dội kèm nôn ói và ho ra đờm nhớt có máu tươi, sau đó nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân lên cơn đột quỵ nên chụp mạch máu não.

Kết quả kiểm tra hệ thống mạch máu não của bệnh nhân bị dị dạng kèm giả phình động mạch. Túi phình bị vỡ gây xuất huyết não thất 4 và các bể quanh thân não, đe dọa trực tiếp sinh mạng. Bác sĩ đã can thiệp kịp thời, thành công bằng thủ thuật bơm keo vá mạch máu não cho bệnh nhân này.

Hiện Trung tâm đang điều trị cho một bệnh nhân 10 tuổi ở Hà Nội phục hồi chức năng vận động sau ca đột quỵ. Bác sĩ Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong lúc vui chơi, bệnh nhân bị ngã bất tỉnh và liệt nửa thân dưới. Kết quả chụp não phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch máu não, chính lớp mạch máu bong ra gây tắc mạch. Bác sĩ khẳng định, bệnh nhi này bị đột quỵ. Mặc dù được cứu sống nhưng di chứng để lại là liệt nửa người, suy giảm nhận thức. Đến nay, sau 6 tháng phục hồi chức năng, bệnh nhi đã đi học trở lại nhưng dáng đi chưa trở về bình thường, khả năng tập trung, trí nhớ chưa tốt.

Người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng do lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ít vận động. Ảnh: Như Ý.

TS Lương Tuấn Khanh cho biết, với những người trẻ khả năng phục hồi tốt hơn người lớn tuổi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi như bình thường tùy thuộc sức lực của từng người, mức độ nặng nhẹ, độ tuổi và thời gian. Khoảng 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động/di chuyển, nhất là chi trên, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân.

Để có hiệu quả cao việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân cần được thực hiện sớm nhất có thể, tốt nhất là bắt đầu sau 3 ngày được cấp cứu đột quỵ. Tuy nhiên, điều này thực hiện không dễ trong điều kiện của các bệnh viện còn quá tải, chẩn đoán không chính xác…

GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư, cho biết, trên thế giới, ước tính cứ 100 người bị đột quỵ thì chỉ có 1/3 có thể phục hồi các chức năng vận động một cách hoàn toàn. Tỷ lệ biến chứng theo thống kê thế giới, cứ 100 người sống sót qua cơn đột quỵ, vẫn có khoảng 1/3 bệnh nhân có thể mang di chứng. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể để lại di chứng vận động như liệt tay, chân, nửa người; rối loạn ngôn ngữ, cảm xúc ảnh hưởng lớn chất lượng cuộc sống.

Lối sống hiện đại gây bệnh

Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. TS Lương Tuấn Khanh, cho biết, đột quỵ thường gặp ở những người tuổi từ 50 trở lên nhưng hiện nay bệnh ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê người trẻ, trẻ em bị đột quỵ, nhưng tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Một thống kê chưa đầy đủ tại TPHCM về tình trạng bệnh đột quỵ nói chung, ước khoảng 415-420/100.000 dân mắc đột quỵ; số ca mắc mới hằng năm vào khoảng 115-120/100.000 dân.

Theo bác sĩ Khanh, nguyên nhân tình trạng này là do người trẻ bị những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại như ít vận động, béo phì, căng thẳng, mất ngủ, ăn thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, tham công tiếc việc làm nhiều, ngủ ít… Những tác nhân này cùng với sự suy giảm chức năng cơ thể đã sản sinh rất nhiều độc chất gốc tự do hủy diệt cơ thể, nhất là não bộ.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra, gốc tự do tấn công làm tổn thương nội mạc mạch máu khiến thành mạch không còn trơn tru, tạo điều kiện thuận lợi xuất hiện các mảng xơ vữa khiến lòng mạch máu bị thu hẹp, dòng máu lưu thông khó khăn, gây ra hiện tượng thiếu máu não. Đồng thời, khi mảng xơ vữa bong ra khỏi thành mạch sẽ gắn kết với các tế bào máu và các yếu tố khác hình thành các cục máu đông có thể kẹt lại tại nhiều vị trí trong mạch máu não, gây tắc mạch, thậm chí vỡ mạch khiến xảy ra tình trạng đột quỵ não.

Ngoài ra, việc sử dụng một số thuốc điều trị hoặc trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh được xác định nguyên nhân do rối loạn đông máu, thiếu Vitamin K, gây xuất huyết não.

Đáng chú ý, triệu chứng đột quỵ ở những người ở độ tuổi 20 có thể khác so với người lớn tuổi nên thường bị chẩn đoán nhầm thành đau nửa đầu, động kinh, đa xơ cứng, hoặc lo âu quá độ… Mặc dù có những biểu hiện của bệnh đột quỵ nhưng rất khó để phát hiện bệnh cũng như có hướng điều trị kịp thời.

Theo khoe360.tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.