Người đàn bà bị phụ bạc và 'bản hợp đồng' oan nghiệt

GD&TĐ -Từ khi có “của ăn của để”, ông Đường - chồng bà Hiển có thêm “vợ bé”. Ông công khai thuê một căn nhà để tiện đi lại với người tình. Khi “bà hai” mang thai, ông về đòi đất, chặt cây cối và tuyên bố xây nhà ở riêng... Trước sự phụ bạc của ông Đường, trong lúc nóng giận sôi sục, bà Hiển đã “ký kết” một “bản hợp đồng” với nhóm sát thủ để dằn mặt chồng.

Lê Thị Hiển tại cơ quan điều tra.
Lê Thị Hiển tại cơ quan điều tra.

Án mạng nơi xóm trọ

Tối 26/5/2011, ông Phạm Văn Đường (SN 1955) đang ở trong phòng trọ tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) thì bất ngờ bị hai thanh niên lạ mặt đội mũ bảo hiểm, bịt mặt xông vào chém thẳng vào vai, gục tại chỗ. Gây án xong, chúng lập tức lẩn vào bóng đêm tẩu thoát…

Lúc ấy, chị Vân, bạn gái ông Đường, vẫn nằm trên chiếc giường sát bên, chứng kiến mọi chuyện trong sự kinh hãi tột độ. Ông Đường được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng do vết thương nặng nên đã tử vong. Tiếp nhận thông tin, Công an huyện Thanh Trì và Công an TP Hà Nội đã có mặt để điều tra, làm rõ sự việc.

Do vụ án xảy ra vào buổi tối, các đối tượng đều bịt mặt nên không nhân chứng nào nhận diện được. Kết quả khám nghiệm cho thấy nạn nhân tử vong do mất máu quá nhiều từ vết thương vào khu vực nguy hiểm gần cổ…

Tại hiện trường, với những chứng cứ thu thập được cùng kết quả khám nghiệm tử thi, bước đầu Công an TP Hà Nội nhận định đây là vụ án xuất phát từ mâu thuẫn, tư thù cá nhân. Các đối tượng đến rất bất ngờ, ra tay nhanh gọn và tẩu thoát. Các trinh sát đã rà soát một loạt mối quan hệ làm ăn, buôn bán, quan hệ xã hội của ông Đường, tuy nhiên không phát hiện dấu hiệu khả nghi.

Ông Đường là người ở huyện Thường Tín, tại đây ông chung sống mấy chục năm với người vợ là Lê Thị Hiển (SN 1955). Hai người có với nhau bốn mặt con, tất cả đều đã trưởng thành và yên bề gia thất.

Hàng xóm, láng giềng đều nhận xét, cả hai vợ chồng hiền lành, chăm chỉ làm ăn và không mâu thuẫn với ai. Thế nhưng, cách đây một thời gian, gia đình này bắt đầu xảy ra chuyện… Ông Đường làm nghề gạch, vì thế có thuê nhân viên bốc xếp. Trong số những người làm thuê có người đàn bà kém ông Đường tới hai mươi tuổi tên Vân.

Người phụ nữ này đã có chồng, hai con nhưng không được gia đình nhìn nhận vì tính lăng nhăng, lang chạ. Biết tính chồng gia trưởng, bà Hiển và các con không dám can ngăn vì sợ, chỉ nói bóng gió là có làm chuyện bậy bạ ở đâu thì làm chứ không nên đưa về nhà vì như thế là “nhục với xóm làng”.

Gần một năm nay, ông Đường không về nhà nữa mà vào nội thành thuê nhà trọ sống với “vợ bé”. Ông công khai với bạn bè, người dân trong xóm trọ đây là vợ hai của mình. Hàng ngày ông chạy xe chở khách, còn cô bồ trẻ ở nhà cơm nước.

Một lần Vân đi chợ, tình cờ gặp bà Hiển thồ hàng lên chợ Tam Hiệp, huyện Thanh Trì bán. Nổi cơn ghen, bà Hiển cầm dép đánh khiến cô “vợ bé” chảy máu mồm. Chả biết tối về, “bà hai” tỉ tê thế nào mà sáng hôm sau ông Đường phóng về quê, đùng đùng lôi vợ ra đánh, đập phá một số đồ đạc rồi tuyên bố sẽ xây nhà cho bồ nhí về quê ở. Tưởng nói chơi, không ngờ ông làm thật. Ông Đường chặt cây cối trong vườn, đòi lấy ba chục mét vuông đất xây nhà cho vợ hai vì chị Vân đã có thai…

Hiện trường xảy ra vụ án.

Hiện trường xảy ra vụ án.

Hé lộ “hợp đồng chết”

Câu chuyện về những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình ông Đường được các điều tra viên Công an TP Hà Nội đặc biệt chú ý. Sau khi thi thể ông được bàn giao cho gia đình, bà Hiển lập tức tổ chức chôn cất ngay mà không làm đám ma theo phong tục địa phương.

Khi đưa chồng ra nơi an nghỉ, bà Hiển trùm mặt kín mít, dường như cố tình che giấu biểu cảm của mình. Tất cả những chi tiết “lạ” ấy đã lọt vào “tầm ngắm” của điều tra viên. Sau đám tang, bà Hiển được mời lên cơ quan điều tra để làm việc. Trước những chứng cứ, sự thuyết phục, động viên của điều tra viên bà Hiển đã khai nhận mình chính là chủ mưu gây nên cái chết của chồng.

Bà Hiển khai, bà rất uất ức việc chồng công khai cặp bồ, chung sống với người phụ nữ khác. Không những thế, ông Đường còn vì sự xúi giục của tình nhân mà hay về đánh đập bà và đòi chia đất của gia đình để xây nhà cho “vợ bé”. Lúc này, người đàn bà bốn con không còn đủ tỉnh táo để nhẫn nhịn nữa.

Bà nung nấu ý định phải tìm người đánh dằn mặt chồng. Bà Hiển nhờ em trai là Lê Quang Phục (SN 1970), tìm người giúp. Phục đã nhờ anh vợ là Đỗ Văn Khánh (SN 1959), ở Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đứng ra lo chuyện.

Thông qua mối quan hệ, Khánh đã nhờ Phạm Văn Khôi (SN 1971), ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình và được anh này giới thiệu tới gặp Phạm Hùng Lâm (SN 1968), ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Lâm nhận lời và ra giá, nếu gây thương tích ở chân là 70 triệu đồng, ở tay 30 triệu, còn “xử đẹp” là 100 triệu đồng.

Sáng 26/5/2011, bà Hiển cùng với em trai tới quán cà phê gặp Lâm cùng Lê Thọ Nam (SN 1970), Trần Minh Hiếu (SN 1973) và Nguyễn Đức Trí (SN 1986), đều trú ở quận Hoàng Mai. Với ý định để chồng bị thương ở tay, không thể lái xe kiếm tiền nuôi bồ nhí được nữa sẽ trở về với mình, bà Hiển thỏa thuận với nhóm của Lâm là dằn mặt chồng bằng cách gây thương tích.

Bà đưa trước cho Lâm 10 triệu đồng, số còn lại sẽ thanh toán khi xong việc. Thỏa thuận xong, bà Hiển dẫn nhóm Lâm tới chỗ trọ của ông Đường và chị Vân ở. Tuy nhiên, lúc đó ông Đường đang đi lấy tiền cho khách nên không có nhà. Chiều cùng ngày, Nam chở Hiếu tới chợ Trương Định mua một con dao bản rộng, bọc trong giấy báo, chờ đến tối để gây án.

Khoảng 19 giờ cùng ngày, Lâm, Hiếu, Nam, Trí chở nhau bằng hai xe máy tới chỗ trọ của ông Đường. Cả bọn thấy cửa phòng trọ sáng, đoán ông Đường có nhà, Lâm và Trí đứng ngoài ngõ cảnh giới, còn Hiếu chở Nam vào tận nơi. Hiếu dựng xe ngay sau chiếc ô tô của ông Đường, còn Nam rút dao tiến vào phòng trọ.

Lúc ấy, chị Vân đang nằm trên giường, còn ông Đường ngồi trên ghế. Nam tay cầm dao, đầu đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang xông thẳng tới, vung dao chém một nhát vào cổ phải. Gây án xong, cả bọn bỏ chạy về Linh Đàm. Trên đường đi, Nam vứt con dao xuống ao ở thôn Yên Ngưu.

Trong khi đó, dù được mọi người đưa đi cấp cứu ngay lập tức tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng với nhát chém dài từ vai đến cổ, ông Đường đã tử vong do mất máu cấp. Chị Vân sau khi đưa người tình đi cấp cứu, nghe tin ông Đường chết đã lao mình vào đoàn tàu tự vẫn…

Nỗi ân hận muộn màng

Bị cáo Hiển cùng nhóm “sát thủ” trước vành móng ngựa.

Bị cáo Hiển cùng nhóm “sát thủ” trước vành móng ngựa.

Khi bị bắt giam về tội giết người, bà Hiển vẫn không thể ngờ rằng chỉ vì ghen tuông mà mình trở thành hung thủ gây nên cái chết cho người chồng đã 40 năm chung sống.

Dáng khắc khổ của người đàn bà quê mùa khiến bà Hiển như già nua hơn sau biến cố trọng đại này. Bà bảo, mục đích của bà thuê côn đồ “xử” chồng là chỉ chém gãy tay chồng để ông hết đường kiếm tiền nuôi “bồ nhí” chứ không muốn lấy mạng ông vì dù sao đấy cũng là cha của bốn người con mà bà dứt ruột sinh ra.

Một năm sau, ngày 13/6/2012, bà Hiển cùng nhóm đồng phạm được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội với cáo buộc giết người. Đến dự phiên tòa, phía sau bị cáo Hiển là rất nhiều con, cháu và có cả những người họ hàng, làng xóm.

Phiên xét xử “ngập” trong nước mắt ăn năn, đau khổ của nữ bị cáo duy nhất cũng như những người con, người cháu của bà Hiển. Trước Hội đồng xét xử, bà Hiển đã nói nhiều về những ấm ức, đắng cay mình phải chịu trong quãng thời gian ông Đường có “vợ bé”.

Khi nhắc đến cái chết của ông Đường, bà Hiển bày tỏ sự ân hận. Trước tòa, người đàn bà này nhắc lại rằng ý định của mình là chỉ muốn thuê người đánh gây thương tích cho chồng, từ đó khiến chồng “hồi tâm, chuyển ý” quay về với gia đình. Việc ông Đường tử vong là ngoài ý muốn.

Khi tòa hỏi tại sao không dùng cách giải quyết khác, bà Hiển nói trong nước mắt: Mỗi lần ông Đường về nhà là đánh đập, chửi bới bà và đập phá đồ đạc, thế nên bà không có cơ hội để nói chuyện. Cái chết của ông Đường quả thật là nỗi đau đớn mà bà phải gánh chịu trong lòng.

Nói lời sau cùng, bị cáo Hiển khẩn khoản: “Bị cáo thật hồ đồ, thật ngu dốt! Bị cáo đã mắc phải sai lầm khó mà gột rửa. Nhưng quả là bị cáo chỉ nhờ người đánh cảnh cáo ông ấy thôi. Mong tòa thương xót mà giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

Theo dõi phiên tòa, không ít người tỏ rõ sự thương cảm, xót xa đối với gia đình của bị cáo. Bởi ở vào cái tuổi đã lên ông, lên bà như Hiển và nạn nhân thì nhẽ ra sẽ chẳng bao giờ cho phép những chuyện suy đồi về mặt đạo đức như thế này xảy ra.

Sau khi thẩm vấn công khai, Hội đồng xét xử đã quyết định thay đổi tội danh cho bốn bị cáo từ “giết người” sang “cố ý gây thương tích” đối với bà Hiển, Phục, Khanh và Khôi. Hội đồng xét xử xác định những bị cáo này không trực tiếp tham gia vào việc sát hại ông Đường.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Lê Thọ Nam án tử hình, Phạm Hùng Lâm chung thân. Các bị cáo Trí, Hiếu lần lượt nhận bản án 14 và 10 năm tù. Riêng bị cáo Hiển, sau khi được thay đổi tội danh, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt mức án 14 năm tù.

Người khôn ngoan thì có cả “trăm phương, nghìn kế” để níu kéo, gìn giữ hạnh phúc gia đình, nhưng cái cách thuê người chém dằn mặt chồng như bà Hiển thì từ xưa đến nay hiếm thấy. Chồng chết, bản thân ngồi tù và để lại điều tiếng cho con cháu là cái giá quá đắt cho việc làm hồ đồ của Lê Thị Hiển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ