Nghĩ về thầy cô biển đảo - Ý nghĩa nhân văn sâu sắc

GD&TĐ -Sau hơn một tháng triển khai, cuộc thi "Nghĩ về thầy cô biển đảo" đã nhận được hơn 150 bài dự thi, trong đó, gần 100 bài viết được đã được chọn đăng trên Fanpage "Chia sẻ cùng thầy cô".

Nghĩ về thầy cô biển đảo - Ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Nằm trong khuôn khổ chương trình "chia sẻ cùng thầy cô năm 2016, Tập đoàn Thiên Long phối hợp cùng Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức cuộc thi viết Nghĩ về thầy cô biển đảo từ ngày 1/8/2016.

Cuộc thi khuyến khích người dự thi viết những chia sẻ, suy nghĩ, câu chuyện về các thầy cô đang công tác ở biển đảo. Cuộc thi được triển khai tại trang Fanpage: facebook.com/chiasecungthayco/. Cuộc thi không giới hạn đối tượng người dự thi, ai cũng có thể tham gia cuộc thi không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.

Theo thông tin của Ban tổ chức, tính đến thời điểm này, cuộc thi đã nhận được hơn 150 bài viết với sự tham gia của nhiều đối tượng: thầy cô giáo đất liền, học sinh đất liền, học sinh vùng biển đảo, những người trẻ với khát khao đến vùng biển đảo…

Đáng chú ý, dù đa số các tác giả chưa một lần đặt chân đến các đảo nhưng những bài viết của họ đều rất chân thành và giàu tình cảm hướng đến chia sẻ khó khăn và động viên các thầy cô biển đảo.

Cũng theo đánh giá của Ban tổ chức, Nghĩ Về Thầy Cô Biển Đảonhận được nhiều phản hồi tích cực của cộng đồng mạng. Nhiều bài dự thi nhận được hàng trăm lượt “Like” (Thích) và “Share” (Chia sẻ) của cộng đồng mạng. Các tác giả cho rằng đây là một cuộc thi ý nghĩa vì nhờ cuộc thi, nhiều tác giả đã có động lực để tìm hiểu về cuộc sống của thầy cô biển đảo.

Đại diện Ban tổ chức chương trình cho biết ngoài giải thưởng cho những bài dự thi có lượt bình chọn cao nhất trên mạng hàng tuần, Ban giám khảo cuộc thi Nghĩ Về Thầy Cô Biển Đảo sẽ chọn ra 03 bài viết xuất sắc nhất để trao giải thưởng trị giá 2.000.000 đồng/giải.

Trích đoạn một số bài dự thi Nghĩ về thầy cô biển đảo:

“Như những gì tôi nghĩ, trường học ngoài đảo đúng lạ thật. Tôi đã đọc được một mẫu thông tin thế này: "Do học sinh ít nên các lớp từ lớp Một đến lớp Năm đều học một giáo viên. Các em học sinh ngồi quay lưng vào với nhau, hướng lên bảng.

Trong khi giáo viên giảng bài cho học sinh lớp Năm thì học sinh lớp Ba ôn bài, học sinh lớp Hai làm bài tập. Tuy khó nhưng vì ít học sinh nên không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em." Những người bạn của tôi biết điều đó. Họ bảo vì thế nên mới cần chúng ta đi” – Trích đoạn bài dự thi của tác giả Phan Thị Kim Nhi ( TP.HCM).

“Em cũng từng hỏi thầy “Sao thầy bỏ nơi thành phố nơi phồn hoa đô thị để về đây dạy học chúng em?, thầy luôn cười hiền từ và nói do thầy thương chúng em, thương cái biển đảo nơi những đứa trẻ không biết tới con chữ, không có kiến thức để lo cho cuộc sống và hơn hết thầy yêu đức tính thật thà, chịu thương, chịu khó của con người Miền Trung, đó là động lực để thầy tiếp tục mang những kiến thức mà mình có, đến với chúng em” - Trích đoạn bài dự thi của tác giả Huỳnh Vũ Hoàng Khiết (Hà Nam).

“…

Chuyện kể về sự hi sinh thầm lặng

Của những người nơi đầu sóng ngọn gió

Ngày qua ngày như cánh chim không mỏi

Cứ mải miết gieo con chữ miệt mài...

Là những thầy cô nơi biển đảo thân thương

Bằng cả tình yêu và trái tim nóng hổi

Kiên trì bám trụ nơi đảo chìm, đảo nổi

Những nơi khô cằn, vùng đất thật xa xôi!

Niềm lạc quan luôn tỏa rạng trên môi

Dù cuộc sống còn đủ bề thiếu thốn

Đem tuổi xuân nguyện hiến dâng trọn vẹn

Cho quê hương, cho biển đảo thương yêu

…”- Trích đoạn bài dự thi của tác giả Nguyễn Quang Nhật (Hà Nội)

“Nhìn mồ hôi học trò rơi, chị lại thương chúng vô bờ. Những ngày mưa trên đảo cô trò chỉ biết ngồi nhìn nhau cười chứ trời mưa to chị giảng bài cũng không học sinh nào nghe được. Nghe kể đến đây tôi muốn kéo chị về với đất liền ngay nhưng nghĩ lại ai cũng như tôi thì đất nước đâu cần thanh niên nữa nên tôi cứ động viên mình Tết chị sẽ về.

Mấy lần gọi video để được nói chuyện lâu với chị nhưng cũng không có quá nhiều thời gian. 5 phút chỉ để tôi kịp ngắm khuôn mặt hốc hác của chị, cũng chỉ đủ nhìn đôi mắt thâm quầng vì hằng đêm sọan giáo án, chấm bài cho lũ trẻ” – trích đoạn bài dự thi của tác giả Ngô Thị Đông ( Quảng Bình)

“Các thầy cô tình nguyện ra đảo là một điều đáng quý nhưng theo con nghe các anh chị ở các trường ĐHSP chia sẻ thì con lại thấy khá bất ngờ. Các anh chị ấy nói cứ 10 người đăng kí tình nguyện ra đảo thì có 1 người ra đảo vì những mục tiêu khác ngoài việc yêu thương các em nhỏ lòng yêu nước và mong muốn phụng sự đất nước.

Có thể kể đến đầu tiên đó là mức lương ở ngoài đó khá cao và được vào biên chế nhà nước chắc chắn nên các điều đó đã thu hút các anh chị là những giáo viên trẻ vừa mới ra tường. Các anh chị ra đảo ấy ra đảo với suy nghĩa là đi vài năm rồi trở về lại đât liền nhưng các thầy cô ra đảo với tâm thế như vậy, sau một hai năm các thầy cô lại không muốn về.

Tất cả đều nói rằng họ đều cảm thấy thiêng liêng với nhiệm vụ của mình. Cái tình người xứ đảo đã thay đổi họ. Các thầy cô ấy đã xóa bỏ những dòng suy nghĩ ban đầu và tích cực truyền thụ cho các em những kiến thức mà mình có được. Con cảm thấy rất khâm phục vì điều đó” - Trích đoạn bài dự thi của tác giả Võ Thành Nguyên (Quảng Ngãi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.