Ngã rẽ sau trung học cơ sở

GD&TĐ - Nhiều năm trở lại đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trở thành “cuộc đua” căng thẳng và vô cùng áp lực.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nguyên nhân bởi đa số học sinh, phụ huynh nhắm đích đến là trường THPT công lập; trong khi chỉ tiêu vào các trường này luôn thấp hơn nhiều so với tổng số thí sinh có nguyện vọng. Đơn cử năm 2024, Hà Nội có khoảng 133 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ hơn 77 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Điều này có nghĩa, khoảng 60% học sinh giành được tấm vé vào THPT trường công. Tại TPHCM, việc Sở GD&ĐT tăng thêm 5.535 chỉ tiêu có giúp kỳ thi giảm nhiệt; nhưng tính ra số học sinh được vào THPT công lập cũng chỉ ở mức 78,3%.

Theo định hướng phân luồng, vào THPT công lập chỉ là một trong nhiều ngã rẽ của học sinh THCS. Người học có thể lựa chọn vào THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Trong thời gian qua, hệ thống cơ sở giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề được đầu tư phát triển; các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để nâng cao chất lượng, thu hút người học. Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề tăng từ 8% giai đoạn 2011 - 2015 lên 15% giai đoạn 2016 - 2020; đặc biệt, số học sinh sau THCS vào học nghề giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Tuy nhiên, tư duy học xong THCS phải vào THPT vẫn ăn sâu. Điều này có thể thấy qua con số phần lớn tỉnh/thành đều có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, thậm chí có địa phương hơn 80%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học sơ cấp và trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp thấp. Còn tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia thị trường lao động mà không qua đào tạo làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, như tâm lý trọng bằng cấp; hạn chế trong công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông; các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, trường nghề chưa khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo; những hạn chế về chính sách lao động, việc làm, tiền lương với người tốt nghiệp trình độ sơ, trung cấp; trường ngoài công lập uy tín thì học phí cao…

Bên cạnh đó, một số thành tố trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân còn thiếu tính liên thông và chưa hỗ trợ tốt cho phân luồng giáo dục sau THCS… Rõ ràng, dù bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, nhưng những hạn chế còn hiện hữu này khiến những ngã rẽ khác ngoài học lên THPT trở thành con đường không hề bằng phẳng đối với học sinh lứa tuổi thiếu niên.

Cho đến nay, phân luồng học sinh sau THCS, THPT vẫn là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn. Để thực hiện thành công, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội, đặc biệt của học sinh và gia đình. Đồng thời, cần kết hợp giữa các chính sách, can thiệp và điều tiết của Nhà nước cùng giải pháp trực tiếp của các cơ sở giáo dục… Đặc biệt, việc này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của ngành Giáo dục, ngành LĐ-TB&XH mà tất cả cấp, ngành, địa phương và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.