Theo Sở GD&ĐT TPHCM, toàn thành phố có trên 107.000 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, trong khi tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập là 72.800. Vậy lối rẽ nào cho các học sinh không trúng truyển vào lớp 10 công lập hoặc không tham gia thi tuyển?
Vẫn còn nhiều chỉ tiêu ngoài công lập
Nếu không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, những học sinh còn lại tại TPHCM có thể học tại hệ thống các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, TCCN… trên địa bàn với chỉ tiêu tuyển sinh đến gần 50.000 thí sinh.
Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, trong số hơn 107.000 HS tốt nghiệp THCS, chỉ gần 94.000 em đăng ký thi tuyển sinh lớp 10. Điều này cho thấy, khoảng 13% HS tự lựa chọn hướng đi sau THCS mà không thi tuyển vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, dù lựa chọn loại hình đào tạo nào thì quan trọng nhất vẫn là xác định năng lực học của mình đến đâu. Chẳng hạn, chương trình của hệ GDTX khá nhẹ nhàng, phù hợp với em nào cảm thấy chương trình văn hóa ở các loại hình học tập khác nặng so với bản thân.
Một điểm đáng lưu ý là ngoài việc công khai chỉ tiêu tuyển sinh, hệ thống các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, TCCN, trường nghề… cũng đồng thời công bố mức học phí để phụ huynh lựa chọn.
Rà soát cho thấy, mức học phí trường tư thục trên địa bàn TPHCM năm học 2022 - 2023 dao động từ dưới 1 triệu đồng đến 53 triệu đồng/tháng. Đơn cử, Trường THCS-THPT Hoa Sen (TP Thủ Đức) có học phí 1,75 triệu đồng/tháng, dự kiến tuyển sinh 900 chỉ tiêu lớp 10. Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận 6) dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu lớp 10 với mức học phí 1,69 triệu đồng/tháng, phí nội trú 6,09 triệu đồng/tháng, phí bán trú 2,89 triệu đồng/tháng… Trong khi đó một số trường theo mô hình quốc tế có mức học phí khá cao. Chẳng hạn, Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (Quận 7) có mức học phí hơn 298 triệu đồng/năm (chương trình song ngữ), hơn 525 triệu đồng/năm (chương trình quốc tế)…
“Đối với các trường tư thục, việc lựa chọn tùy theo nhu cầu, khả năng của cha mẹ các em. Ở góc độ quản lý, đối với các cơ sở giáo dục tư thục, ngoài công lập, trường có vốn đầu tư nước ngoài, để có thể được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng dạy… được sở GD&ĐT thẩm định, cấp phép”, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM thông tin.
Theo quy định, các trường ngoài công lập tại thành phố không được tổ chức thi tuyển vào lớp 10 dưới bất kỳ hình thức nào. Việc tuyển sinh vào lớp 10 phải thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối tượng xét tuyển là HS đang học tại các trường THCS hoặc trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở GDTX tại TPHCM hoặc các tỉnh, thành khác (ưu tiên nhận HS tốt nghiệp THCS tại TPHCM) có hồ sơ hợp lệ và có đủ các điều kiện, như: Tốt nghiệp THCS; tuổi vào học lớp 10 là 15. Sở GD&ĐT TPHCM cũng lưu ý tuyệt đối không nhận HS không đủ điều kiện xét tuyển hoặc hồ sơ không hợp lệ. Các trường phải chịu trách nhiệm về điều kiện xét tuyển và hồ sơ hợp lệ trước Sở GD&ĐT TPHCM và phụ huynh HS.
Cánh cửa này đóng, cánh cửa khác sẽ mở ra
Thầy Nguyễn Long Giao - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) cho rằng: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và chu đáo. Phần lớn học sinh của trường đều phấn khởi vì làm bài tốt. Tuy nhiên cũng sẽ có trường hợp không đậu vào lớp 10 trường công lập như mong muốn. Lúc này, phụ huynh phải ở bên cạnh để động viên các em. Bởi, “cánh cửa này có thể đóng lại, cánh cửa khác lại được mở ra” và phía trước các em vẫn có nhiều hướng đi.
“Nếu phụ huynh muốn cho con học tiếp văn hóa có thể chọn trường dân lập, tư thục hoặc các trung tâm GDTX và dạy nghề trên địa bàn. Điều quan trọng là phải xác định đích đến của mình là gì, còn hướng đi, cách đi nhanh chậm còn tùy theo khả năng của mỗi học sinh. Do vậy, cần động viên các em tiếp tục học tập để có nghề, lo được cho bản thân và có ích cho xã hội…”, thầy Nguyễn Long Giao chia sẻ.
Còn nhiều con đường đi phía trước đối với các học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Trong đó, chọn vào trung cấp nghề được khuyến khích đối với em không nhiều điều kiện về kinh tế để học tại trường THPT tư thục. Chia sẻ điều này, ThS Phan Vũ Nguyên Khương - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng nghề TPHCM cho hay: Học phí các trường nghề tương đối dễ thở, phù hợp với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời khi học trường nghề, các em vừa học nghề vừa có điều kiện học bổ túc văn hóa. Điều này đỡ gây áp lực cho các em.
“Đây là một trong những ngã rẽ phù hợp với các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc muốn chọn cho mình một nghề để sớm lập nghiệp…”, thầy Khương chia sẻ và cho biết thêm, hiện có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM đào tạo bậc trung cấp nghề chất lượng, có liên thông lên CĐ, ĐH.
Chị Ngọc Hương - ngụ tại quận Bình Tân có con tốt nghiệp THCS năm học 2021 - 2022 chia sẻ: Hai vợ chồng làm công nhân nên thu nhập không nhiều. Bên cạnh đó, học lực của con không đủ sức sức để cạnh tranh suất vào trường THPT công lập. Vì thế gia đình và các thầy cô ở trường tư vấn, định hướng cho cháu đi học nghề trong năm học 2022 - 2023.
“Chúng tôi quyết định cho cháu học trung cấp nghề ở Trường Cao đẳng Nghề TPHCM. Trước đây, anh họ của cháu học trường này bậc trung cấp, sau đó học liên thông, nay đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng…”, chị Ngọc Hương nói.