Thầy thuốc trở thành nạn nhân

GD&TĐ - Xảy ra hàng loạt những sự việc gây náo loạn bệnh viện do người thân của bệnh nhân bức xúc, không kiểm soát được hành vi dẫn đến sự cố đáng tiếc.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hôm 4/5, tại Phòng Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã xảy ra cảnh náo loạn khi một nam thanh niên đánh túi bụi vào mặt một nam nhân viên y tế được phân công trực theo dõi bệnh nhân đang cấp cứu tại đây.

Nam thanh niên cho rằng, người trực cấp cứu đã chậm trễ trong việc can thiệp y tế khi tình trạng cha mình chuyển biến xấu. Bệnh nhân này đã qua đời sau đó vì bệnh tình diễn biến xấu chứ nguyên nhân không phải do nhân viên y tế “lơ là”.

Cuối tháng 4 vừa qua, một bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) cũng bị tấn công vì người nhà cho rằng, vị bác sĩ đã không công bằng trong việc cứu chữa nạn nhân khi “cấp cứu người này mà bỏ mặc người kia”.

Cả 3 nạn nhân được cấp cứu do uống rượu say bị té ngã, bác sĩ thăm khám và xét thấy một trong 3 người bị nặng hơn nên cần ưu tiên cứu chữa trước. Người nhà của hai nạn nhân còn lại tưởng bác sĩ bỏ rơi người thân của mình nên tấn công bác sĩ.

Mới đây, tại Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ), cha của một nạn nhân 12 tuổi bị tai nạn giao thông đang cấp cứu tại cơ sở y tế này đã đánh bác sĩ đang cấp cứu cho con mình vì nghĩ rằng vị bác sĩ nọ không “nhiệt tình” cứu chữa. Sự thật là, cháu bé này đã được chính vị bác sĩ bị đánh ấy cứu chữa thành công!

Lại có trường hợp cho rằng, người thân của họ “còn cựa quậy” mà sao không chịu cấp cứu lại đem bỏ nhà xác. Sự thật là, bệnh nhân đã ngưng thở hoàn toàn và đã chết trước khi mang vào nhà xác.

Lãnh đạo bệnh viện và ca trực đã chứng minh cho người nhà bệnh nhân biết là người thân của họ không còn “cựa quậy” như họ phản ánh. Chuyện này xảy ra tại một bệnh viện ở miền Trung cách đây chưa lâu.

Có thể dẫn ra hàng loạt những sự việc gây náo loạn bệnh viện do người thân của bệnh nhân bức xúc và không kiểm soát được hành vi dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Trong khi đó, hàng ngày, bác sĩ ca trực phải cấp cứu hàng chục trường hợp với đủ các dạng bệnh khác nhau.

Nhiều bác sĩ do quá căng thẳng sau mỗi ca bệnh phải cứu chữa nên khuôn mặt họ không thể “vui vẻ suốt ngày” được nên người nhà bệnh nhân cũng cần chia sẻ với các thầy thuốc.

Khi đưa người thân đến bệnh viện, có nghĩa là mình giao sinh mệnh người bệnh cho bác sĩ. Thầy thuốc biết cách phải điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất để cứu người bệnh. Không hà cớ gì mình lại yêu cầu bác sĩ phải chữa bệnh theo ý mình trong khi mình không có chuyên môn.

Có nhiều giải pháp đưa ra để ngăn chặn tình trạng tấn công thầy thuốc ở các bệnh viện nhưng giải pháp tốt nhất là không nên cho người nhà đi theo người thân trong lúc bác sĩ đang cấp cứu. Các bệnh viện cũng nên có một quỹ dành cho các bệnh nhân không đủ tiền để đóng viện phí. Quỹ này, ngoài tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân thì cũng cần phải được hỗ trợ từ ngân sách nữa…

Đó là những giải pháp có thể chấm dứt tình trạng “thiếu kiểm soát hành vi” của người nhà bệnh nhân ở các bệnh viện trong lúc chờ toàn dân được miễn viện phí vào năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ