Ngã rẽ sau trung học cơ sở

GD&TĐ - Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh sau THCS phân luồng sang học nghề ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để phân luồng thực chất, cần phải bảo đảm tinh thần tự nguyện, chủ động của học sinh.

Học sinh học nghề may tại Trường Trung cấp DTNT tỉnh Nghệ An.
Học sinh học nghề may tại Trường Trung cấp DTNT tỉnh Nghệ An.

Rời bản đi học nghề

Lê Văn Cu là người Đan Lai, ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An). Ở vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát, việc học hết lớp 9 là nỗ lực lớn của cậu học trò nghèo. Tốt nghiệp THCS, mặc dù thuộc diện được tuyển thẳng vào trường THPT công lập (với học sinh người dân tộc rất ít người) nhưng Lê Văn Cu quyết định học nghề. “Nhà em khó khăn, ở bản giờ không có nương rẫy vì rừng đã cấm, nên bố mẹ vất vả lắm. Nếu học THPT, sau này em cũng đi làm chứ không học tiếp lên ĐH được. Vì thế, em học nghề để sớm đi làm phụ giúp kinh tế cho gia đình”, Lê Văn Cu kể.

Cậu học trò Đan Lai đã đăng ký học lớp Điện tại Trường Trung cấp DTNT Nghệ An (đóng tại huyện Con Cuông, cách nhà hơn 20km). Tốt nghiệp ra trường gần 2 năm, Lê Văn Cu phấn khởi gọi điện báo cho thầy giáo em đã ký hợp đồng với 1 công ty chuyên tủ bếp ở tỉnh Bình Dương với mức lương 11 triệu đồng/tháng. Không chỉ tự nuôi được bản thân, Cu còn gửi tiền về cho bố mẹ nuôi em đi học.

Mới tốt nghiệp 1 năm, nhưng Nguyễn Văn Hào – một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn của lớp Điện K9B – Trường Trung cấp DTNT Nghệ An đã có công việc ổn định ở với mức lương 7,3 triệu đồng/tháng. Ngày ký hợp đồng chính thức, Hào gọi điện ngay cho thầy giáo và báo tin vui bởi đây là số tiền quá lớn với một học sinh mới 17 tuổi, sẽ giúp em đỡ phần nào gánh nặng cho bố mẹ ở Lạng Khê, làm nghề cửu vạn tại khe Thơi, cuộc sống hết sức vất vả.

Thầy Nguyễn Văn Sỹ - GV chủ nhiệm của Lê Văn Cu và Nguyễn Văn Hào cho biết: Trước đây, vận động học sinh đi học nghề gặp rất nhiều khó khăn bởi tâm lý các em đều muốn đi làm sớm và có tiền lương ngay. Sau này, nhờ học nghề các em hiểu rằng, nếu có tay nghề việc tìm kiếm công việc dễ dàng hơn và lương cao hơn. Hơn nữa, nhu cầu lao động có tay nghề của các doanh nghiệp rất nhiều nên hầu hết chưa tốt nghiệp các em đã nhận được lời mời hoặc được doanh nghiệp tuyển dụng.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho hay: Hàng năm, ít nhất 30% học sinh lớp 9 của huyện không học lên THPT. Trong đó chỉ có một phần đi học nghề và một phần không nhỏ nghỉ học, đi làm. Các em không thích học nghề bởi tâm lý, tập quán ở đây là chỉ thích sống và kiếm tiền tự nhiên, ở ngay trên địa bàn. Trong khi đó, nếu học nghề các em sẽ phải đi làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và môi trường kỷ luật. Vì vậy, cần có công tác định hướng, tuyên truyền sớm cho học sinh.

Ông Lê Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp DTNT Nghệ An chia sẻ: Học sinh là người dân tộc thiểu số sống khá bản năng, không ít trường hợp sau khi nhập học thì bỏ về. Do đó, để học sinh gắn bó với nhà trường, chúng tôi phải dành sự quan tâm, hỗ trợ ngay từ đầu để ngăn học sinh bỏ học. Trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn các em tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kỷ luật, trách nhiệm để sớm làm quen với môi trường công nghiệp.

Nhiều học sinh lựa chọn học nghề điện, cơ khí sau THCS do nhu cầu lao động ngành này cao.
Nhiều học sinh lựa chọn học nghề điện, cơ khí sau THCS do nhu cầu lao động ngành này cao.

Tôn trọng sự tự nguyện, năng lực sở thích học sinh

Em Nguyễn Thị Phương Thảo, HS lớp 9A5, Trường THCS Long Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) ước mơ sau này mở một nhà hàng riêng. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, Thảo và gia đình xác định đăng ký học nghề nấu ăn sau tốt nghiệp THCS chứ không thi vào lớp 10.

Trường hợp Trần Hậu Bảo, HS lớp 9A, Trường THCS Đại Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh có hoàn cảnh khá đặc biệt: Bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 2 chị em ăn học. Thu nhập chính của gia đình là nông nghiệp. Biết khó khăn của gia đình, tốt nghiệp THCS, Bảo lựa chọn học nghề cơ khí. “Thời gian học tập sẽ rút ngắn, ra trường cơ hội việc làm cao hơn, chỉ như thế em mới hỗ trợ được phần kinh tế cho gia đình” – Bảo tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – GV chủ nhiệm của Bảo chia sẻ thêm: Bảo học khá, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có lần em tâm sự, một mình mẹ không thể lo cho cả 2 chị em ăn học cùng lúc, mà ước mơ của chị gái là vào đại học. Em ấy nói mình là con trai, nên nhường đường học hành cho chị, để sau khi học xong ĐH, chị gái có thể tìm kiếm công việc ổn định. Do vậy, cô trò cùng tìm  lối rẽ phù hợp với em.

Vừa qua, em Bùi Văn Thành – HS lớp 9A, Trường THCS Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn, Nghệ An) không đăng ký dự thi vào lớp 10 mà quyết định học nghề. Trường THCS Nghĩa Trung năm nay có 11/90 học sinh lớp 9 học sinh phân luồng. Thầy Bùi Quốc Đạt – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh là một trong những nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Tuy nhiên, không áp theo chỉ tiêu mà triển khai theo nguyện vọng của học sinh và các em hoàn toàn tự nguyện. Năm trước, trường có 8 học sinh phân luồng thì 5 em học nghề, 3 em theo học ở trung tâm GDTX.

Để phân luồng thực chất, nhiều giáo viên cho rằng: Cần tôn trọng sự tự nguyện của học sinh, theo năng lực sở thích và điều kiện kinh tế gia đình. Một số trường THCS vì chỉ tiêu phân luồng hoặc thành tích nên đã hướng học sinh học lực trung bình, yếu vào phân luồng, học nghề. Điều đó, vừa không đạt hiệu quả, vừa tạo áp lực tâm lý, mặc cảm cho những em quyết định học nghề.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An – ông Thái Văn Thành cho rằng: Nếu phân luồng không đúng đối tượng sẽ xảy ra tình trạng “chín ép”, vừa không đúng nguyện vọng thực sự của học sinh, công tác đào tạo của trường nghề cũng không chất lượng. Vì thế, từ năm học này, nếu trường nào có xu hướng “không cho học sinh lớp 9 thi tuyển vào THPT” để phân luồng, ngành sẽ kỷ luật hiệu trưởng và đưa phân luồng về thực chất, đúng như mục tiêu đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ