Đừng để học ngoại ngữ trở thành 'gánh nặng'

GD&TĐ - Thành thạo ngoại ngữ được coi là một lợi thế quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhận thức được điều đó, nhiều phụ huynh đã đầu tư cho con học ngoại ngữ từ khi còn nhỏ.

Gia đình anh Nguyễn Hải Đăng nuôi dạy cả 2 con theo phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ”. Ảnh: NVCC.
Gia đình anh Nguyễn Hải Đăng nuôi dạy cả 2 con theo phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ”. Ảnh: NVCC.

Song, phụ huynh cần tìm những chương trình phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Cho trẻ tiếp xúc ngoại ngữ sớm

Những năm gần đây, số lượng học sinh thi xét tuyển đại học thông qua hình thức kết hợp điểm thi Trung học phổ thông hoặc xét học bạ kèm chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng tăng. Điều này là minh chứng cho thấy sự đầu tư rất lớn vào việc học ngoại ngữ cho con của phụ huynh.

Có thể nói, trẻ em ngày nay được tạo điều kiện tiếp xúc sớm với các ngoại ngữ. Ngày càng xuất hiện nhiều trường học và tổ chức giáo dục mở lớp học ngoại ngữ cho trẻ em ngay từ lứa tuổi mẫu giáo.

Chị Mai Ngọc Ánh (39 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, qua các bài hát, phim ảnh. Đến năm con 4 tuổi, tôi bắt đầu cho con đi học thêm ở trung tâm ngoại ngữ. Quan điểm của tôi là học ngôn ngữ càng sớm thì trẻ nhỏ càng dễ tiếp thu. Một số nghiên cứu cho thấy, bộ não của trẻ nhỏ có thể học đến ba ngôn ngữ một cách dễ dàng. Nhưng khi chúng lớn lên, khoảng từ 6 tuổi, não bộ sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc hiểu và phát âm cho đúng âm thanh mới. Hiện, bạn nhà tôi học lớp 5, được thầy cô nhận xét là học rất tốt môn Tiếng Anh. Con đã có thể trò chuyện với người nước ngoài rất tự tin”.

Nhiều phụ huynh có xu hướng cho các con đi học lớp ngoại ngữ từ bé, thậm chí có cha mẹ hoàn toàn giao tiếp với con bằng ngoại ngữ.

Anh Nguyễn Hải Đăng (32 tuổi), chủ kênh YouTube “AlexD Music Insight” với gần 1 triệu người theo dõi là một trong những người đầu tiên tạo ra trào lưu nuôi dạy con song ngữ tại Việt Nam. Con gái của anh là bé Annie được cộng đồng mạng biết đến với biệt danh “cô bé song ngữ”. Cô bé 7 tuổi này có khả năng chuyển ngữ khiến nhiều người bất ngờ. Bé có thể tự tin trò chuyện cùng bố bằng tiếng Anh. Và chỉ sau đó vài giây là có thể nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt và ngược lại. Hiện nay, nuôi dạy con song ngữ là một xu thế khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Anh Hải Đăng chia sẻ: “Bạn bè của tôi cho con đi học tại các trung tâm rất nhiều song rất tốn kém. Với tâm lí muốn học ở trung tâm tốt, giáo viên dày dặn kinh nghiệm nên học phí cho các bé có thể lên tới 200 - 300 triệu đồng. Tuy nhiên khi học xong, nhiều bạn nhỏ vẫn ngơ ngác không biết giao tiếp thế nào. Khi gặp người nước ngoài, họ hỏi vài câu đơn giản nhưng các bé cũng chưa trả lời được”.

Điều này khiến anh vô cùng băn khoăn và đi tới quyết định tự mình dạy con bằng phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ” (one person, one language/OPOL).

Hiện nay, “mỗi người một ngôn ngữ” được biết đến là một trong những phương pháp phổ biến nhất được áp dụng để dạy một em bé biết nói song ngữ. Với phương pháp này, người cha sẽ luôn dùng một ngôn ngữ với trẻ và người mẹ dùng một ngôn ngữ khác. Ví dụ, muốn trẻ nói được song ngữ Anh - Việt. Cha mẹ sẽ phân chia, ai tốt tiếng Anh sẽ luôn nói tiếng Anh, người còn lại sẽ luôn dùng tiếng Việt với con.

Chia sẻ về hành trình dạy con song ngữ, anh Đăng cho biết, anh tập trung hình thành ngôn ngữ cho bé qua hình ảnh và âm thanh. Ngay khi Annie còn vài tháng tuổi, anh đã thường xuyên đàn và hát bằng tiếng Anh cho con nghe.

dung-de-hoc-ngoai-ngu-tro-thanh-ganh-nang-1-7242.jpg
Việc cho trẻ học và thi IELTS sớm hiện nay đang rất phổ biến ở Việt Nam. Ảnh minh họa: INT.

“Có thể ban đầu khi nghe, não của bé chưa thể hiểu hết được ngôn ngữ mới. Nhưng việc làm này sẽ giúp não bộ của trẻ dần tiếp thu và đón nhận ngôn ngữ này.

Từ 9 tháng tuổi, Annie biết nhại theo bố qua những âm điệu cảm thán cơ bản nhất. 12 tháng tuổi, em bé đã biết bật ra nói từng chữ cái đơn. Chẳng hạn như có thể nói theo bố bài hát bảng chữ cái A, B, C. 14 tháng tuổi, tôi đã rèn cho con khả năng phản xạ đơn giản. Dần dần, bé Annie đã có thể làm theo những chỉ dẫn của bố bằng tiếng Anh.

Khi bé bắt đầu có ý thức vào quá trình tập nói, tôi tập trung hơn bằng các bài hát, câu thơ, câu chuyện với độ khó tăng dần. Nhờ vậy, mới 2 tuổi, Annie cùng với bố có thể hát hoàn chỉnh một bài hát bằng tiếng Anh. Lúc này, bé đã có khả năng phản xạ nhanh với nhiều chủ đề khác nhau”, anh Hải Đăng chia sẻ.

Cũng tương tự gia đình anh Hải Đăng, em Nguyễn Minh Hy (5 tuổi, Hà Nội) cũng được bố mẹ nuôi dạy theo phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ”. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, Minh Hy đã được tiếp xúc với tiếng Anh. Thời điểm mang bầu bé, chị Nguyễn Quỳnh Anh (30 tuổi) nói chuyện hàng ngày với con bằng tiếng Anh.

“Khi con ra đời, tôi và chồng đã phân công nhau rõ ràng. Cùng một sự vật, sự việc, ngữ cảnh… tôi sẽ nói với bé bằng tiếng Anh, còn bố sẽ nói bằng tiếng Việt. Khi đó bé hiểu sự vật, sự việc, ngữ cảnh đó bằng cả 2 cách truyền đạt của 2 ngôn ngữ”, chị Quỳnh Anh giải thích.

Chia sẻ về những khó khăn khi áp dụng phương pháp này, chị Quỳnh Anh cho biết, khó khăn nhất là phải tạo sự cân bằng, hài hòa để bé không lẫn lộn hai thứ tiếng với nhau. Khó có thể tránh được việc bé nhầm giữa tiếng Việt và tiếng Anh, những lúc như vậy, bố mẹ Minh Hy lập tức chỉnh sửa ngay cho con. Sau vài lần, bé đã tự nhận thức và phân biệt được cách dùng từ của các ngôn ngữ mà không bị lẫn với nhau.

Trước 2 tuổi, phần lớn bé Hy ở nhà với mẹ, nên tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn hẳn tiếng Việt. Mặc dù chồng chị đã cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể để giao tiếp tiếng Việt với con mỗi tối sau khi đi làm về, nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh của bé vẫn tốt hơn tiếng Việt. Cho đến khi Minh Hy đi học mẫu giáo, được tiếp xúc và giao tiếp với nhiều người nên tiếng Việt của bé đã tiến bộ hơn hẳn. Đến nay, bé Minh Hy đã có thể nói thành thạo cả 2 ngôn ngữ, không còn bị nhầm lẫn.

Cả anh Nguyễn Hải Đăng và chị Quỳnh Anh đều có chung quan điểm, việc dạy con song ngữ cần rất nhiều sự kiên trì từ phụ huynh. Ngoài ra, việc dạy ngoại ngữ cho trẻ nên được bắt đầu càng sớm càng tốt và bố mẹ cần tìm hiểu thật kỹ phương pháp phù hợp. Mỗi phương pháp dạy và học được áp dụng riêng với mỗi bé tùy vào độ tuổi, tính cách, môi trường và điều kiện mỗi gia đình. Bố mẹ cần tuân thủ phương pháp, kiên trì thực hiện nhất quán, xuyên suốt, đồng thời quan sát và đồng hành cùng con.

dung-de-hoc-ngoai-ngu-tro-thanh-ganh-nang-3.jpg
Phụ huynh không nên tạo áp lực, bắt trẻ học và thi chứng chỉ quá sớm. Ảnh minh họa: INT.

Không nên tạo áp lực

Từ thực tế trên, không khó để thấy các bài viết với tiêu đề “Học sinh lớp 3 đạt 7.0 IELTS”, “Nữ sinh 12 tuổi đạt 8.5 IELTS”,... trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là những bạn trẻ đáng được tuyên dương vì thành tích học tập xuất sắc. Tuy nhiên, điều này vô hình trung đã tạo nên áp lực vô hình cho nhiều bạn trẻ, không những cần học giỏi ngoại ngữ mà còn phải giỏi từ sớm. Nhiều em tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng đã được bố mẹ đầu tư cho học và thi các loại chứng chỉ.

Tuy mới học lớp 5 nhưng em Nguyễn Đức M. bị cuốn vào “đường đua” IELTS (chứng chỉ tiếng Anh - PV). Mẹ em M là chị Trần Mai Lan (40 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, vì thấy con của bạn bè cùng lứa đều đã đi học IELTS, nên chị cũng muốn tìm lớp cho con học sớm để không bị tụt lại so với bạn bè. Chị Mai Lan cũng kỳ vọng rằng, việc cho con học IELTS từ sớm sẽ giúp con có lợi thế khi xét tuyển vào lớp 10, trường chuyên hoặc vào đại học sau này.

Trường hợp của chị Mai Lan và em Đức M. không phải cá biệt, việc cho con học và thi IELTS sớm hiện nay đang rất phổ biến ở Việt Nam. Ở góc độ của một giáo viên, chị Cung Minh Phương (28 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - giáo viên tại một trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội cho biết, thực tế, một kỳ thi chuẩn hóa quốc tế như IELTS còn khá xa vời với lứa tuổi của các em. Nhiều em không hiểu về quá trình học và thi như thế nào, thi để làm gì. Hầu hết các em chỉ đi học bởi “bố mẹ em muốn thế”.

“Có nhiều phụ huynh hỏi tôi rằng có nên cho con học IELTS sớm hay không, tôi đã khuyên là không nên. Bài thi IELTS rất khó, nhiều từ ngữ và chủ đề mang tính học thuật. Vì vậy, bài thi đòi hỏi người học cần có sự phát triển về mặt tư duy và vốn kiến thức xã hội.

Lấy ví dụ, những vấn đề về kinh tế, hay khoa học là quá xa vời với các bạn nhỏ ở lứa tuổi này. Tôi thường khuyên phụ huynh nên tìm hiểu kỹ, tìm những chương trình tiếng Anh phù hợp hơn với lứa tuổi của trẻ. Việc đầu tư cho con học ngoại ngữ sớm là rất tốt song không nên nóng vội chỉ vì thấy người khác học, con mình cũng phải học. Điều này vô hình trung sẽ tạo ra cuộc đua không cần thiết và gây áp lực lên trẻ nhỏ”, chị Phương cho biết.

Chị Minh Phương còn chia sẻ thêm, IELTS, TOEIC hay bất cứ chứng chỉ tiếng Anh nào cũng chỉ là một công cụ giúp thể hiện năng lực ngôn ngữ cho người tuyển sinh hoặc tuyển dụng. Đây không phải là “tấm vé thần thánh” giúp người sở hữu có một tương lai rộng mở hơn. Không những thế, việc “chạy đua” chứng chỉ còn khiến các em nhỏ quá tập trung vào thành tích và điểm số mà quên đi việc nâng cao kỹ năng tiếng Anh phục vụ cho cuộc sống hay công việc sau này. Thậm chí, nhiều em nhỏ vì bị ép học IELTS mà hình thành tâm lý chán nản, sợ hãi môn ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ukraine lo sợ sức mạnh tên lửa Fath-360

Ukraine lo sợ sức mạnh tên lửa Fath-360

GD&TĐ -Giới chuyên gia Ukraine đã bày tỏ sự lo ngại về tầm bắn xa và đầu đạn nặng của tên lửa Fath-360 Iran, hiện đang phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Nga.