Rào cản nhận thức
Dù kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được đánh giá căng thẳng hơn thi đại học với sự cạnh tranh gay gắt, nhưng nhiều học sinh vẫn chọn con đường thi vào lớp 10 công lập thay vì hướng sang giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên lại gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Năm 2025, Hà Nội dự kiến có khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng, có khoảng 80.000 em đỗ vào các trường THPT công lập, còn lại theo học các loại hình, trong đó các trường nghề có hơn 16.000 chỉ tiêu.
Dù có học lực trung bình nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Liên (quận Đống Đa) vẫn muốn con thử sức tại một trường công lập, dù biết cơ hội đỗ không cao. Gia đình đã dự phòng bằng cách chọn một trường tư thục chứ không muốn chọn trường nghề. Lý do là khi học xong trường nghề, con mới 18 tuổi, quá nhỏ để có thể tham gia thị trường lao động.
Ông Lê Anh Tuấn - cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh, thiếu niên Hà Nội cho rằng, nhiều gia đình vẫn mặc định học xong lớp 9 là theo lên lớp 10, dẫn đến tình trạng thi vào lớp 10 khó hơn thi đại học. Trong khi, các trường nghề khó tuyển sinh ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà máy, và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vì không có đủ lao động đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Hiện Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh học nghề, như miễn 100% học phí cho học sinh THCS theo học trung cấp nghề, tạo điều kiện để các em có thể liên thông lên cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, dù có ưu đãi nhưng giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự thu hút đông đảo học sinh. Việc này lại khó hơn khi năm học tới, học sinh các trường THPT công lập được áp dụng miễn học phí.
Ông Trương Văn Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, dù thuận lợi trong việc tiếp cận hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh, nhưng trở ngại lại liên quan đến tiếp cận hướng đi của người học. Tâm lý coi trọng bằng cấp, coi nhẹ học nghề của nhiều phụ huynh vô tình tạo ra những áp lực không nhỏ cho con em họ.
Với suy nghĩ học đại học ra trường sẽ làm công việc nhẹ nhàng, học nghề phải làm công nhân và kiếm việc làm, lương thấp nên công tác tuyển sinh rất khó khăn, nhiều trường chỉ đạt 30 - 40% chỉ tiêu đặt ra trong việc tuyển sinh. Nhiều trường số lượng đầu vào thấp, có trường phải mở khóa ngắn hạn để đào tạo cầm chừng.

Đổi mới để thu hút
Để góp phần thay đổi nhận thức phụ huynh, học sinh và xã hội về giáo dục nghề nghiệp, tăng sức hấp dẫn cho các trường nghề, đầu tháng 5, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động, thu hút hơn 10.000 học sinh, phụ huynh học sinh, các thầy, cô giáo cùng nhà tuyển dụng, doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của thị trường lao động.
Tại Hà Nội, với quy mô dân số lớn, nền kinh tế năng động, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là chiến lược lâu dài để nâng cao năng suất lao động, chỉ số năng lực cạnh tranh, tỷ lệ lao động qua đào tạo… phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.
“Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 được tổ chức với mục tiêu cao nhất tạo cầu nối hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh về định hướng nghề nghiệp, tiếp cận cơ hội học tập và việc làm phù hợp”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh và cho rằng:
Bên cạnh nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh và xã hội về giáo dục nghề nghiệp, điều quan trọng là các trường nghề phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh. Với khoảng 130.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp mỗi năm tại Hà Nội, tiềm năng của các trường nghề rất lớn.
Bà Trần Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở sản xuất, đòi hỏi lực lượng lao động được đào tạo nghề nhưng nhiều phụ huynh vẫn muốn con phải học hết THPT chứ không muốn học nghề. Nhiều phụ huynh chưa thể vượt qua định kiến học nghề chỉ dành cho những học sinh yếu, kém.
Để giáo dục nghề nghiệp trở thành lựa chọn hấp dẫn, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính sách đến truyền thông, nhà trường đến gia đình. Quan trọng hơn, xã hội phải thay đổi tư duy về học nghề - không phải lối đi phụ, mà là con đường thiết thực, hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động hiện đại.
Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp của người học, ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội cho hay: Học sinh tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đã học chiếm 80%, thậm chí có nghề đạt 100%. Năm nay, công tác tuyển sinh có nhiều khó khăn nhưng nhà trường sẽ nỗ lực để đảm bảo số lượng chỉ tiêu và hướng tới tuyển sinh bền vững bằng cách tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh.
Không chỉ dẫn đầu trong đào tạo các ngành kỹ thuật trọng điểm như: Công nghệ ô tô, điện - điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin…, những năm gần đây, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội còn liên tục đổi mới chương trình đào tạo, mở thêm ngành nghề mới đón đầu xu thế lao động hiện đại: Chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, kinh tế và du lịch.
Đổi mới phương thức đào tạo, thu hút học sinh cũng là yếu tố quyết định cho sự phát triển của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Chia sẻ của bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, đa dạng ngành nghề không chỉ mở ra cơ hội lựa chọn phong phú cho học sinh, mà còn giúp các em vừa vững nghề, tự tin bước vào thị trường lao động với kỹ năng thực tế, bằng cấp chính quy.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT), trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh, hệ thống học tập suốt đời ngày càng mở, linh hoạt cho người dân nên cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền từ sớm trong trường học và xã hội, giúp học sinh trải nghiệm thực tế nghề nghiệp và nhận thức rõ cơ hội việc làm. Tiếp đó, xây dựng hệ thống kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động để các em được trải nghiệm thực tế ngay trên trường phổ thông. Đồng thời, các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo để tạo niềm tin và thu hút học sinh.