Bổ sung mức phạt tiền tối đa một số lĩnh vực

GD&TĐ - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử phạt vi phạm hành chính bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, như: Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Sáng 15/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tờ trình nêu rõ, việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính là đòi hỏi cấp thiết nhằm phù hợp với chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tinh gọn tổ chức bộ máy và thúc đẩy chuyển đổi số.

Việc sửa luật cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ với các đạo luật quan trọng khác cũng có hiệu lực từ 1/7, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự...

Bên cạnh cơ sở pháp lý, thực tiễn thi hành Luật hiện hành cũng bộc lộ hàng loạt bất cập, như: Thẩm quyền xử phạt của một số chức danh chưa tương xứng với thực tế; trình tự xử phạt còn rườm rà; chưa tận dụng được công nghệ; mức xử phạt không lập biên bản còn lạc hậu, gây khó khăn trong quản lý.

Trên cơ sở đó, dự án Luật tập trung vào một số nhóm nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, dự án Luật sửa đổi quy định về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt, trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay

Sửa đổi các quy định về thẩm quyền lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để phù hợp với hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, cơ quan Công an 3 cấp (không có cấp huyện), hệ thống tòa án không tổ chức cấp huyện.

Dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo hướng quy định thời hiệu cụ thể là 6 tháng kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm.

Dự thảo cũng giới hạn tối đa không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Dự thảo Luật bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công nghiệp công nghệ số; dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo).

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật.

hoang-thanh-tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền;

Khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản, mang tính phổ biến trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.

Đối với những nội dung chưa thực sự cấp bách hoặc còn ý kiến khác nhau và những nội dung tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nhưng chưa tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động thì tiếp tục rà soát, tổng kết, tổ chức nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét khi sửa đổi toàn diện Luật này, dự kiến tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10).

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định trong các dự thảo luật có liên quan dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ