Là một trong 8 lĩnh vực trọng điểm của chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ giúp nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực, mà còn góp phần đổi mới cách thức giảng dạy truyền thống hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời, nâng cao chất lượng dạy học. Thời gian qua, ngành Giáo dục tích cực trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử. Toàn ngành đã đạt được thành quả đáng khích lệ, như việc học, thi, tuyển sinh trực tuyến, xây dựng kho tài nguyên số và hệ thống dữ liệu ngành…
Tuy vậy hành trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục vẫn đối diện nhiều rào cản, từ chi phí đầu tư, nguồn lực công nghệ, nhân lực triển khai, cho đến đổi mới phương pháp… Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là vấn đề liên quan đến nhân lực: Văn hóa và con người. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc từng nhấn mạnh: “Vấn đề khó nhất để thực hiện việc chuyển đổi số thành công trong toàn ngành không phải ở công nghệ, mà nằm ở yếu tố con người”.
Trong quá trình chuyển đổi số, con người đóng vai trò dẫn dắt và tham gia trực tiếp, từ xây dựng kế hoạch, lộ trình đến triển khai thực hiện. Thế nhưng, thực tế cho thấy đến nay, tại nhiều cơ sở giáo dục, tư duy của đội ngũ quản lý và thầy cô giáo, nhân viên chưa sẵn sàng đồng bộ cho việc này.
Cán bộ, nhân viên quản lý và trong các bộ phận hỗ trợ thiếu hoặc không đủ khả năng triển khai sử dụng các nền tảng số. Đội ngũ giáo viên, đặc biệt trung niên, có nhiều kinh nghiệm nhưng tiếp xúc hạn chế với công nghệ, có trình độ kỹ thuật số thấp. Do chưa được chia sẻ, nắm bắt thông tin đầy đủ, chưa hiểu đúng về chiến lược và mục tiêu của đơn vị trong công cuộc chuyển đổi số nên ở không ít nơi tập thể sư phạm thiếu sự cam kết và đồng hành, tinh thần quyết tâm chưa cao. Không ít cán bộ, giáo viên bày tỏ lo lắng về sự cạnh tranh của công nghệ.
Nhiều thói quen trong văn hóa nhà trường đã và đang trở thành lực cản cho chuyển đổi số như tâm lý ngại thay đổi, tình trạng thiếu dân chủ, thói quen không phản hồi của lãnh đạo… Chuyển đổi số đòi hỏi việc xử lý thông tin nhanh chóng, ngay tức thì nhưng có nơi lãnh đạo khi nhận thông tin hoặc email của nhân viên lại không phản hồi khiến thông tin bị trôi đi, cấp dưới thì e ngại nhắc nhở. Chuyển đổi số đòi hỏi tính liên tục, dữ liệu đầu vào có ngay khi phát sinh và không thể truy hồi, trong lúc ở nhiều cơ sở nhân viên, giáo viên vẫn dồn việc, để “nước đến chân mới nhảy”. Chuyển đổi số đòi hỏi sự rành mạch và bằng chứng cụ thể trong lúc ở nhiều đơn vị vẫn tồn tại phổ biến những báo cáo kiểu chung chung…
Chuyển đổi số là vấn đề mới, chưa có mô hình thành công tương tự trong nước để học tập, đòi hỏi ngành Giáo dục phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những rào cản về văn hóa, con người phát sinh trong quá trình này là điều dễ hiểu. Vấn đề quan trọng là phải nhận diện được rào cản và có cơ chế để vượt qua. Để chuyển đổi số thành công rất cần sự đồng thuận, quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn của mỗi giáo viên, nhà trường. Vì thế, song song với việc trang bị, cập nhật thiết bị công nghệ, nâng cao nhận thức, tầm nhìn, tăng cường huấn luyện về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cần là việc làm đầu tiên và thường xuyên. Bởi con người và văn hóa phù hợp chính là nền tảng vững chắc quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số.