Chuyển đổi số không xa

GD&TĐ - Giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự tham gia ngày càng sâu rộng của công nghệ vào giáo dục đã và đang làm thay đổi căn bản, toàn diện cách giảng dạy, học tập. Việc học trên lớp đã không khu biệt ở phấn trắng, bảng đen, sách giáo khoa như trước kia. Với sự tham gia của công nghệ, ranh giới lớp học truyền thống bị phá vỡ; GV có thể mang kiến thức vượt qua ngoài lớp học; HS cũng có thể tham gia vào những lớp học xuyên biên giới.

Nhờ công nghệ, một cô giáo trường làng đã có thể đưa những HS nghèo của mình “đi du lịch” khắp năm châu; giao tiếp với những người bạn ngoại quốc và thực hiện được ước mơ “bất cứ HS nào ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất”. Với điện thoại hoặc máy tính được kết nối mạng, cả GV và HS đều có thể tiếp cận với kho tri thức của nhân loại chỉ bằng một cú nhấp chuột. Cơ hội tiếp cận trở nên dễ dàng hơn với mọi người, trong đó có người dạy và người học là điều tuyệt vời mà công nghệ mang lại. Công nghệ cũng mô phỏng được những thí nghiệm phức tạp, đắt đỏ, giúp cả thầy và trò dễ dàng thực hiện “học đi đôi với hành”. Cũng với sự trợ giúp của công nghệ mà trong đại dịch Covid-19, HS dù tạm dừng đến trường nhưng vẫn không ngừng học… Những trải nghiệm trên là một giấc mơ đối với GV, HS Việt Nam ở thập kỷ trước.

Có thể khẳng định, giáo dục đã thay đổi rất nhiều nhờ công nghệ. Những thành tựu tiến bộ của các ngành khoa học kĩ thuật làm cho nhà trường phải thay đổi đồng bộ, hệ thống và toàn diện về mọi mặt: Mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp dạy học (của cả 2 chủ thể quan trọng là người dạy, người học), kiểm tra đánh giá, môi trường, không gian học tập... Tuy nhiên, dù đã có những khởi đầu, nhưng để thực hiện chuyển đổi số, ngành Giáo dục cần nỗ lực rất nhiều, trước hết là nhận thức; nhất là khi chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

“Chuyển đổi số khác với số hóa công việc” - chuyên gia về công nghệ giáo dục, TS Tôn Quang Cường (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - nhấn mạnh điều này khi nói về chuyển đổi số trong giáo dục. Ông cho rằng, công nghệ dạy học trong tương lai được phát triển theo 3 xu hướng, cấp độ chính. Cấp độ 1 là sự chuyển đổi “cơ học” từ định dạng truyền thống sang định dạng số. Cấp độ 2 là số hóa - quá trình chuyển đổi kèm theo việc biến đổi, gia tăng các chức năng mới, được thực hiện trên nền tảng công nghệ số. Chuyển đổi số chính là cấp độ 3; đó là quá trình chuyển đổi số mang tính hệ thống, phức tạp, tạo ra các quy trình, sản phẩm đầu ra mới về chất, các mô hình chuyển đổi, hệ thống cấu trúc mới, thậm chí tái thiết văn hóa tổ chức... (ví dụ: Dạy học điện tử; môi trường, không gian học tập ảo; các app học tập cá nhân…). Thực hiện chuyển đổi số sẽ thay đổi mô hình dạy học, phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý... trên nền tảng số. Từ đó dẫn đến thay đổi tư duy về dạy học, tạo văn hóa học tập mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm học tập suốt đời.

Chúng ta có thể thấy quyết tâm của Chính phủ, ngành Giáo dục trong thực hiện chuyển đổi số. Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng khẳng định Bộ GD&ĐT sẵn sàng đẩy mạnh và tiên phong chuyển đổi số trong GD-ĐT. Quyết tâm này cần được “thấm” xuống 1,4 triệu GV và xấp xỉ 24 triệu HS, SV; để bảo đảm nỗ lực không bị trì hoãn bởi nhận thức, tâm lý ngại thay đổi… Bên cạnh đó, việc cần  làm ngay là xây dựng khung thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, tập hợp các lực lượng; đa dạng hóa mô hình dạy học trong nhà trường. Cùng với đó, tập trung bồi dưỡng nhận thức, kỹ năng cho GV, áp dụng ngay các giải pháp số; xác lập một số mô hình trường học số để có thể làm điểm, tiến tới nhân rộng trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ