Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên thứ 2 sau y tế. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Chuyển đổi số không chỉ hữu ích đối với ngành, mà còn tác động rất lớn đối với đất nước.
Từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giảng dạy và quản trị. Thực tế này đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Nếu như trước đây, với các cơ sở giáo dục vùng khó, việc tổ chức dạy học trực tuyến, hay số hóa tài liệu để phục vụ trong quản trị vẫn còn là xa lạ, thì giờ đây, nó trở nên thông dụng hơn và trở thành người bạn đồng hành của các cơ sở giáo dục, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo đó, nhiều trường đã triển khai hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice), chữ ký số. Nhiều hạng mục như: Cơ sở vật chất, cây xanh, tổ chuyên môn… cũng được đầu tư hệ thống quét mã QR nhằm bảo đảm thông tin đầy đủ. Song điểm nhấn rõ nét nhất là, các mô hình dạy học trực tuyến đã hình thành và được áp dụng linh hoạt, thích ứng với tình hình mới.
Đáng chú ý, nhiều cơ sở giáo dục, trong đó có vùng khó đã thành lập được kho bài giảng trực tuyến. Từ ngày 5/10 đến ngày 5/11/2021, Kho học liệu số đặt tại địa chỉ igiaoduc.vn đã tiếp nhận gần 42 nghìn bài giảng, trong đó có trên 26.300 bài giảng E-learning và 15 nghìn video. Số bài giảng thuộc chương trình sách giáo khoa mới chiếm tỷ lệ 37% tổng số bài dự thi, mở ra cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng tới tất cả người học, tạo sự công bằng hơn trong giáo dục.
Nói như một lãnh đạo của Bộ GD&ĐT, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, mà phạm vi vô cùng rộng lớn. Ở đó, tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành. Chuyển đổi số cũng không phải để thay cho yếu tố thực tại, trực tiếp, sinh động mà các yếu tố thực tại được đặt vào chuyển đổi số. Qua đó, vận hành tốt, kết nối, rộng mở, tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn, làm cho công cuộc vận hành giáo dục trong thực tại hiệu quả và chất lượng hơn.
Nói là vậy, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn từ vấn đề cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kết nối, chia sẻ dữ liệu cho đến nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số và hệ thống văn bản quản lý điều hành… Chính vì vậy, muốn chuyển đổi số là khâu đột phá, các cơ sở giáo dục nói riêng và ngành Giáo dục nói chung phải làm từng bước, từng nội dung để bảo đảm tính khả thi. Song, hơn bao giờ hết, chúng ta phải quyết tâm thực hiện và quyết liệt trong hành động từ người đứng đầu đến giáo viên và bộ phận liên quan. Có như vậy mới tạo được cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục và hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành Giáo dục.