Một sản phẩm khoa học mang tính nhân văn

GD&TĐ - Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2016 - 2017 khu vực phía Bắc vừa diễn ra tại tỉnh Phú Thọ. Cuộc thi đã thực sự trở thành ngày hội của HS trung học trong nhiều năm nay, khi chất lượng sản phẩm ngày càng cao, nhiều sản phẩm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được lấy ý tưởng từ cuộc sống thường ngày. 

Một sản phẩm khoa học mang tính nhân văn

Một trong số đó là đề tài “Xe lăn điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ của đầu” dành cho người khuyết tật vận động của HS Bắc Ninh, được đánh giá rất cao từ BGK cũng như những đại biểu tại cuộc thi.

Một ý tưởng khoa học đầy tính nhân văn

“Xe lăn điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ của đầu” của tác giả Thân Hoàng Gia Huy và Vũ Nhật Hào cùng thầy hướng dẫn Ngô Văn Tiến - Trường THPT Hàn Thuyên (Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh) đã đạt giải Nhất lĩnh vực cơ khí.

Với niềm vui khi biết tin sản phẩm của mình nhận được giải Nhất lĩnh vực, bạn Huy chia sẻ: Ý tưởng khoa học của sản phẩm “Xe lăn điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ của đầu” bắt nguồn từ hoàn cảnh nhà hàng xóm của em là một cựu chiến binh có 5 người con khuyết tật do hậu quả của chất độc da cam. Các con của ông bị khuyết tật vận động nên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống, gặp rào cản lớn trong hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, Huy và Hào đã gặp nhau trong ý tưởng khoa học và tìm đến thầy để nhận được sự trợ giúp trong triển khai ý tưởng.

Hào thuyết minh thêm: “Xe lăn điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ của đầu” là một giải pháp tích hợp các thiết bị có sẵn trên thị trường để giúp cho người khuyết tật vận động dễ dàng di chuyển trong cuộc sống thường ngày; Thiết bị dễ chế tạo, vận hành cũng như sửa chữa. Xe gồm một mũ nhận dạng cử chỉ của đầu để chuyển tín hiệu điều khiển mong muốn của người dùng đến bánh xe điều hướng để vận hành chiếc xe. Hào cho biết: trong quá trình nghiên cứu, bọn em gặp nhiều khó khăn trong các giải pháp kỹ thuật vì liên quan đến nhiều lĩnh vực, do vậy chúng em phải nhờ đến vai trò rất lớn của các thầy giáo trong nhà trường.

Kết quả của sự đầu tư đồng bộ cho giáo dục

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bắc Ninh) - cho biết: Cuộc thi KHKT mấy năm gần đây đã có sức lan tỏa, có sức hút rất lớn đối với HS trung học. Tại Bắc Ninh, cuộc thi đã thực sự trở thành ngày hội của HS trong tỉnh mỗi khi tổ chức. Năm nay, trong số 12 giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh, Bắc Ninh đã chọn và mang tới cuộc thi cấp quốc gia 6 sản phẩm thì có 5 sản phẩm đạt giải. Trong đó giải lĩnh vực có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 1 giải Ba và một sản phẩm đạt giải Ba toàn cuộc.

Để có được kết quả này, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã có những bước triển khai thực hiện cụ thể, trên cơ sở những hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ đến các trường trung học trên địa bàn tỉnh (cả THPT và THCS); có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các nhà trường, cử chuyên gia đến giúp đỡ HS, các thầy cô giáo trong quá trình triển khai ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm. Sở đã tổ chức bài bản cuộc thi KHKT các cấp trong tỉnh: Cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Điểm mới năm nay là Bắc Ninh đã chú trọng nhiều hơn việc tăng cường khả năng tiếng Anh cho HS có sản phẩm dự thi.

Ông Thịnh chia sẻ thêm: Hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất, trường, lớp học đã được Bắc Ninh đầu tư mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh. Tại các trường, hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành đã được trang bị đầy đủ. Nhờ đó, HS Bắc Ninh có nhiều điều kiện để sáng tạo, nghiên cứu KHKT.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Bắc Ninh đã có cơ chế phối kết hợp giữa các trường trung học và đội ngũ chuyên gia về KHKT của các trường đại học để giúp HS trong phong trào nghiên cứu khoa học. Trong quá trình triển khai, gặp khó khăn nào thì các thầy hướng dẫn sẽ đóng vai trò kết nối với đội ngũ chuyên gia để giúp cho HS, trong triển khai ý tưởng khoa học; đáp ứng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của HS, làm cho cuộc thi có sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến việc dạy và học của thầy và trò trong các nhà trường phổ thông hiện nay tại tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ