Dạo trước trời mưa tầm tã mấy hôm, khiến mọi người ai cũng ngại bước chân ra khỏi cửa. Tôi lội đi cùng bạn ra quán gần trường mua đồ ăn trưa. Trong lúc đợi đồ ăn, tôi thấy một bác đội mưa ghé đến, hỏi chị bán hàng có nhập áo mưa về không.
Chị lắc đầu. Bác bán áo mưa cúi đầu, tiếp tục đội mưa đi bán áo. Tôi tranh thủ hỏi sao chị bán hàng sao không mua, chị ấy nói không ai mua em ạ. Trời mưa đi bán áo mưa không ai mua, tự nhiên thấy rầu lòng...
Cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của tôi từng dạy cho tôi một câu chuyện về lần cô gặp bạn cũ – người bạn lâu lắm mới gặp. Cô và bạn ngồi ở một quá café hỏi thăm nhau, thì có một người ăn xin đi tới quán. Ông bị khiếm khuyết thị lực.
Cô giáo tôi biếu ông chút tiền. Ông lặng lẽ cảm ơn rồi đi. Lúc ấy, người phục vụ bưng đồ uống ra, nói cô tôi đã bị lừa rồi, loại người như thế nhiều lắm. Cô chỉ cười, rồi về kể lại câu chuyện với lớp.
Cô nói, bị lừa như thế cũng không sao, dù sao cũng biết mình còn lòng thương, vẫn còn niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, dù sao cũng biết lương tâm mình thanh thản. Cô hỏi chúng tôi, thế nếu như ông ấy thật sự khiếm khuyết, thực sự cần phải đi ăn xin thì làm sao?
Mẹ tôi từng kể cho tôi nghe câu chuyện về bà ngoại. Mẹ kể, bà con chẳng bao giờ mặc cả với những con người lam lũ bán hàng trên chợ. Bà cũng chẳng bao giờ phân vân vì cây hành hoa còi, bó rau muống lá bé gầy của những người bán hàng ấy.
Bà chỉ mua, rồi hôm sau lại tìm xem còn người ấy không để mua tiếp. Đó câu chuyện mẹ tôi kể khi mẹ đi chợ, thấy một cô gái đi giày cao gót trên chiếc xe tay ga, mặc cả từng nghìn rau một với một bác bán hàng luống tuổi, chiếc dép tổ ong dưới chân đứt gần hết.
Bạn tôi cằn nhằn với tôi vì bị mẹ mắng đi học về quá muộn. Bạn ấy kể khi đi trên đường, tình cờ thấy một bác gái vừa xuống xe khách, loạng choạng thế nào liền ngã, đồ trên tay tung tóe hết cả. Bạn ấy xuống giúp, và cũng đỡ đồ cho bác gái kia đến đầu khu ký túc xấ thăm con.
Xong xuôi thì lại đúng giờ cao điểm, đường tắc, kẹt kẹt xe về muộn. Nghe bạn ý nhăn nhó kể lại, tôi thấy cũng buồn cười, hỏi sao cậu không lơ đi có phải đỡ bị mẹ mắng. Bạn ý tội nghiệp đáp lại: “Thế bác ấy thì phải làm sao?”
Có một lần, trên đường tôi đi học, con “chiến mã” của tôi liên tục bị tuột xích. Trên cả quãng đường đi không có lấy một quán sửa xe nào. Cứ đi một quãng tôi lại lụi hụi sửa xích. Ngồi sụp bên đường cái, tay lấm lem toàn dầu, và đáng nhẽ tôi đến sớm, thì lại thành ra sắp đến muộn.
Ngay trong lúc tôi tuyệt vọng nhất, thì một cô gái mặc chiếc áo đồng phục quen thuộc dắt xe đạp điện ra khỏi cửa. Thấy tôi loay hoay với chiếc xe, cô ấy hỏi có cần giúp gì không. Khi tôi lúng túng nói ra vấn đề về chiếc xe, cô ấy hỏi có muốn để nhờ xe ở nhà cô ấy rồi để cô ấy đèo đến trường không, vì cũng sắp muộn học rồi. Lúc ấy, hình như tôi đã khóc thật.
Những con người ấy, đã truyền cho tôi một lòng cảm thông, biết thương người khác. Được gặp gỡ và quen biết những con người như thế, đã dạy cho tôi một lần ngoái lại giúp bạn sửa xích xe; đã kiềm tôi khi cầm giúp đồ cho người khác, dù quen hay không; đã để cho tôi biết nhìn thế giới xung quanh bằng đôi mắt nhiều thương yêu hơn.
Mỗi ngày, tôi chọn đường mình đi…