Mánh khóe dụ gần 140 người 'sập bẫy' lao động tại Australia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Lại Thị Vân án tù chung thân, Phạm Bá Trạc 18 năm tù.

Bị cáo Vân và Trạc tại tòa. Ảnh: Bi Cao
Bị cáo Vân và Trạc tại tòa. Ảnh: Bi Cao

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Lại Thị Vân (SN 1980, quê huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) án tù chung thân, Phạm Bá Trạc (SN 1959, Hà Đông, Hà Nội) 18 năm tù, cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, từ 19/6/2017 - tháng 4/2020, Công an TP Hà Nội nhận được đơn của nhiều người tố cáo Vân và Trạc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ thông qua việc nhận tiền để làm thủ tục xin cho họ đi xuất khẩu lao động tại Australia.

Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 4/2015 đến năm 2017, Trạc và Vân không có chức năng, khả năng làm thủ tục đưa người khác đi xuất khẩu lao động tại Australia, nhưng đưa ra thông tin gian dối, có khả năng xin được cho nhiều người đi xuất khẩu lao động.

Trạc, Vân cam kết người đi xuất khẩu lao động tại Australia sẽ được lao động từ 2 - 4 năm với mức lương từ 3.000 - 4.000 USD/tháng. Chi phí để được sang Úc từ 5.000 - 30.000 USD tùy theo từng công việc: Lao động mía đường chi phí từ 5.000 - 10.000 USD/người, lao động hái cà chua chi phí từ 20.000 - 30.000 USD/người.

Cặp đôi hứa hẹn sau khi nộp tiền đặt cọc (từ 2.000 -10.000 USD) khoảng 3 tháng thì người lao động được xuất cảnh sang Úc lao động và phải nộp nốt số tiền còn lại.

Tin tưởng lời Vân và Trạc nói, nhiều người đã đưa tiền hoặc thông qua môi giới, người quen đưa cho Vân từ vài chục triệu đồng đến vài tỉ đồng để nhờ giúp người thân của họ.

Trạc và Vân tổ chức cho người lao động đi khám sức khỏe tại bệnh viện; thông báo cho người lao động về thời gian, địa điểm học tiếng Anh, sau đó đưa họ đi làm các thủ tục lăn tay, chụp ảnh nói là để làm visa. Mục đích của cặp đôi này là để cho người lao động tin tưởng, kéo dài thời gian chờ đợi của người lao động.

Thực tế, Trạc, Vân không làm thủ tục gì để đưa họ đi xuất khẩu lao động tại Australia. Cơ quan tố tụng xác định có hại trong vụ án là 138 người, bị chiếm đoạt tổng số hơn 38,6 tỉ đồng.

Sau khi nhận tiền, Trạc, Vân không làm bất cứ thủ tục gì cho người lao động được đi xuất khẩu lao động mà chiếm đoạt rồi bỏ trốn. Ngày 11/7/2020, Trạc đến CQĐT đầu thú. Ngày 3/2/2021, Vân bị bắt theo lệnh truy nã.

Quá trình điều tra, Vân khai là người quản lý số tiền của các bị hại, người trung gian. Khi Trạc có việc cần sử dụng tiền thì Vân đưa tiền. Đến nay, cả hai không có khả năng khắc phục.

Trạc khai nhận, năm 2012, Trạc có đến Australia và gặp Lê Cảnh (không rõ nhân thân). Cảnh giới thiệu nguồn nhân công lao động tại trang trại chủ yếu là người Việt Nam.

Cảnh đang cần tuyển khoảng 500 đến 800 người lao động Việt Nam đến lao động tại trang trại. Cảnh đề nghị Trạc tìm người lao động có sức khỏe tốt để làm việc tại trang trại, chi phí mỗi người lao động xuất cảnh sang Australia lao động là 10.000 USD.

Sau khi về nước, Trạc đã nói với Vân và thỏa thuận thu mỗi người 10.500 USD, sẽ đưa cho Cảnh 10.000 USD, còn giữ lại 500 USD để chi tiêu. Vân có trách nhiệm tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động rồi cùng Trạc thu tiền của người có nhu cầu đi lao động xuất khẩu tại Australia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ