“Mách nước” cho nữ sinh học nghề

“Mách nước” cho nữ sinh học nghề

Nghề “hot” thời 4.0

Trao đổi về xu hướng nghề nghiệp – việc làm đối với lao động nữ trong CMCN 4.0, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết, hiện các ngành, nghề liên quan đến công nghệ có khá nhiều cơ hội việc làm. Một trong những nghề “hot” nhất là Thương mại điện tử. Đây là nghề có tiềm năng, đặc biệt là các nữ sinh viên đều có thể tham gia.

Nếu như trước đây, sản phẩm muốn được tiêu thụ thì phải mang ra chợ, siêu thị,… thì ngày nay với Thương mại điện tử, hàng hóa có thể đi khắp nơi. Công cụ của thương mại là các trang web, app trên điện thoại thông minh,… Đối với ngành nghề này, nhà trường đào tạo cho sinh viên thiết kế web, app, đào tạo quản trị kinh doanh, maketing, bán hàng trên môi trường mạng Internet. Khi tốt nghiệp, hầu hết các em đều có đủ khả năng tự khởi nghiệp hoặc tham gia vào các doanh nghiệp kinh doanh online.

Một ngành nữa mà nữ sinh có thể theo học là phát triển trang web. Nếu vào google gõ từ khóa thiết kế web thì gần như lập tức sẽ có tới hàng triệu địa chỉ. Nhưng những web miễn phí này thường ít có giá trị thương hiệu cho việc kinh doanh. Bởi đó chỉ là những web mẫu, không rộng mở, không tương tác thông minh,… Vì vậy, việc thiết kế và phát triển trang web một cách chuyên nghiệp luôn cần thiết đối với các tổ chức, doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, các sinh viên được đào tạo chuyên ngành, tốt nghiệp ra trường bảo đảm có đủ khả năng làm việc trong lĩnh vực này. Họ có thể thiết kế các sản phẩm web, app theo yêu cầu cụ thể của các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân. Nghề này cũng rất phù hợp với nữ sinh, sau tốt nghiệp các em có thể làm việc tại nhà và có thu nhập tốt, hoặc có thể tự kinh doanh theo ý muốn của mình.

“Các nữ sinh cũng có thể tham gia học các ngành nghề khác như cơ điện tử hay tự động hóa, những nghề này đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ, chính xác cùng với tư duy logic vốn là ưu thế của phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay nữ sinh tham gia học những nghề này còn ít, như vậy rất có thể các em đang bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp tốt trong tương lai.” – Ông Đồng Văn Ngọc chia sẻ.

Kỹ năng nghề theo xu hướng mới

Theo Tổ chức Thương mại quốc tế, có tới 97% các nghề nghiệp trong tương lai đòi hỏi kỹ năng số. Nếu phụ nữ không trang bị cho mình những kỹ năng này sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. CMCN 4.0 đang đem lại những thay đổi đột phá, kéo theo sự gia tăng đột biến về nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ mới. Ước tính trong vòng 10 năm tới, thị trường lao động công nghệ cao sẽ cần tới 2 triệu lao động chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, điện tử,…

Trong các lĩnh vực này, nam giới đang chiếm số đông, nhưng nếu không học công nghệ sẽ bỏ lỡ 77% các nghề nghiệp trong tương lai. Các nữ sinh và phụ nữ trẻ học lập trình, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số, sẽ có nhiều lợi thế hơn trong thị trường lao động. Họ được hưởng mức lương cao hơn, đồng thời duy trì được khả năng chuyển đổi công việc khi cần thiết.

Tại Việt Nam, phụ nữ trẻ đang chiếm phần lớn lực lượng lao động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản,… Đây là khu vực việc làm giản đơn, thu nhập thấp và lao động có nhiều nguy cơ bị thay thế bởi robot và tự động hóa. Những lao động nữ trong khu vực này hoàn toàn có thể tìm kiếm cho mình việc làm hiệu quả và bền vững hơn, nếu họ được trang bị những kỹ năng chuyên nghiệp về công nghệ mới.

Vấn đề cho thấy, ngay trong tương lai gần nữ sinh đang rất cần được trang bị những kỹ năng nghề nghiệp theo xu hướng mới, để gia tăng hiệu quả khi tham gia thị trường lao động.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Theo đó, đến năm 2030 cần có ít nhất 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số để phát triển và ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam” với hàm ý “doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”. Chỉ thị đồng thời giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng đề án “Đào tạo nâng cao và đào tạo lại trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” theo hướng phát triển kỹ năng số trong năm 2020. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ