Lùi thời gian thông qua dự án Luật Giáo dục sửa đổi
Chiều 8/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội thông qua dự luật này tại kỳ họp thứ 6 mà giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và cho lùi thời gian thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) vào kỳ họp quốc hội thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2019.
Nội dung được trao đổi nhiều nhất trong cuộc họp này liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Báo Người lao động đưa nội dung Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UBVH,GD,TN,TN-NĐ) Phan Thanh Bình trình bày báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, có 2 loại ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội: Cần đánh giá công bằng chứ đừng lấy một việc tiêu cực để đánh giá chung. |
Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.
Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.
Ông Bình nhấn mạnh: Thường trực UBVH, GD, TN, TN-NĐ ủng hộ ý kiến thứ nhất.
Báo SGGP ghi lại ý kiến của Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đồng thời là người có 15 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Trường ĐH Bách khoa nghiêng về phương án có thi tốt nghiệp.
"Cá nhân tôi, với 15 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa thì vẫn nghiêng về phương án có thi tốt nghiệp”, bà Hải nói.
Vov dẫn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc họp. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh không thể phủ nhận nỗ lực, thành quả của nền giáo dục Việt Nam. Các ý kiến nêu lên để hướng tới cái tốt hơn chứ không phải phủ nhận những thành quả đã đạt được. Do đó cần đánh giá công bằng chứ đừng lấy một việc tiêu cực để đánh giá chung.
“Cái đổi mới là cần thiết nhưng cần ổn định” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói và lưu ý Ban soạn thảo tích cực chuẩn bị, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án luật.
Thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, sáng 7/8. Ảnh: Trần Oanh (kinhtedothi.vn) |
Khởi sắc đầu vào sư phạm
Trong tuần, thông tin điểm chuẩn các trường ĐH, CĐ tràn ngập các báo lớn nhỏ. Nhiều bài báo phân tích sự biến động điểm trúng tuyển vào các trường. Theo đó, đưa ra bất ngờ khi điểm chuẩn trường công an, quân đội giảm mạnh, có ngành giảm gần 9 điểm. Ngành Y – Dược của các trường top đầu giảm 5 đến 6 điểm.
Trong khi đó, điểm chuẩn năm 2018 của các trường đào tạo giáo viên có nhiều khởi sắc. Nhiều trường có điểm chuẩn tăng so với năm 2017 từ 2-7 điểm, việc 10 điểm/3 môn cũng đỗ trường sư phạm để sau này làm thầy đã không còn.
Ghi nhận của báo Kinh tế và Đô thị, dù điểm chuẩn các trường ĐH top đầu đều giảm rất sâu, nhưng lãnh đạo nhiều trường không lo lắng về chất lượng đầu vào giảm, nhất là khi đề thi THPT quốc gia năm 2018 khó hơn nhiều so với những năm trước; thêm đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh cộng điểm ưu tiên giảm 50% nên điểm chuẩn cũng thấp đi.
Cũng có báo ghi nhận một số trường đại học cố “vét” thí sinh với mức điểm trúng tuyển thấp. Một bài viết trên Zing.vn về vấn đề này cho rằng, hậu quả sẽ là chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng; trình độ, năng lực của cử nhân, kỹ sư khi ra trường không đạt chuẩn. Danh tiếng của cơ sở đào tạo cũng theo đó mà suy giảm.
Những lớp vùng đất học có 100% học sinh thành tân sinh viên
Thông tin trên Saostar.vn: Trong khi nhiều học sinh và phụ huynh đang nỗ lực mọi cách để theo đuổi trường chuyên lớp chọn, chấp nhận sống xa nhà vài chục km để có điều kiện học tập tốt nhất thì tại Nghệ An, có 2 lớp học ở trường huyện 100% học sinh đỗ đại học.
Cụ thể, đó là 2 lớp: 12A1, Trường THPT Đô Lương III (huyện Đô Lương) và lớp 12C1, Trường THPT Diễn Châu 4 (huyện Diễn Châu).
Tập thể lớp 12A1, trường THPT Đô Lương III. Lớp có 41 em thì có 40 em đậu nguyện vọng 1, trong đó có 3 em xét tuyển học bạ và 1 em đậu đại học nguyện vọng 2. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Được biết, trường THPT Đô Lương III là trường có chất lượng giáo dục đào tạo đứng top đầu của huyện khối THPT. Điểm đầu vào lớp 10 cũng luôn đứng thứ nhất và thứ 2 của huyện.
Thầy giáo Hồng Cảnh Trường - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 chia sẻ: “Lớp hầu hết là con em nông thôn và có nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn. Điều đáng nói, trong số 5 em có số điểm cao nhất lớp, lại chính là những em thuộc hộ nghèo và cận nghèo của lớp. Tuy nhiên, các em rất nỗ lực học tập và chăm ngoan” -trích theo báo Nghệ An.
Trong khi đó, Trường THPT Diễn Châu 4 là trường xa trung tâm huyện, học sinh chủ yếu sinh sống ở vùng bãi ngang, điểm tuyển sinh vào trường thấp so với các trường công lập trên toàn huyện. Thế nhưng, những năm gần đây, kết quả giảng dạy và học tập của nhà trường, đặc biệt lớp 12C1, rất xuất sắc.
Trao đổi với báo Tri thức trực tuyến, thầy Bùi Hữu Đại, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, thông tin, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, học sinh của lớp là Phạm Quốc Huy đạt điểm Toán cao nhất tỉnh Nghệ An với 9,6 điểm. Đồng thời, Huy là một trong 6 học sinh khối B đạt trên 26,3 điểm được UBND tỉnh vinh danh sắp tới.
Báo Nhà báo và Công luận viết về tập thể lớp 12A1, trường THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Hầu hết học sinh trong lớp này đều là con em gia đình thuần nông, trang thiết bị dạy học của nhà trường thiếu thốn, mỗi năm nơi đây phải hứng chịu từ 3 đến 4 trận lũ lụt; thế nhưng, cả 34 học sinh trong lớp đều đỗ đại học nguyện vọng 1, trong đó nhiều trường thuộc tốp đầu cả nước.
Cũng liên quan đến thành tích của học sinh Việt Nam, ngày 11/8, nhiều báo đưa tin về vòng chung kết cuộc thi Toán học thế giới - World Mathematical Olympiad 2018 do Hiệp hội Olympiad Toán học Thế giới (WMO) tổ chức.
Theo Thanhnien, trải qua hai phần thi cá nhân và làm việc nhóm, đội tuyển Việt Nam đã đoạt 1 Huy hương Bạc (HCB) và 4 Huy chương Đồng (HCĐ). Trong đó HCB thuộc về học Nguyễn Ngọc Khánh Linh và HCĐ gồm: Trương Quốc Cường, Đinh Nhật Minh, Phạm Ngọc Huyền, Lâm Hữu Hào.
Đây là năm thứ ba Việt Nam tham dự vòng chung kết WMO cùng với nhiều thí sinh đến từ 9 quốc gia (Mỹ, Canada, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Mexico). Đội tuyển Việt Nam tham dự cuộc thi gồm 12 học sinh khối lớp 6 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TPHCM.
Đinh Hương Thảo (giữa ảnh) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên dương. Em là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Ảnh: Giadinh.net |
Giadinh.net có bài viết "Cô gái vàng Vật lý" Việt Nam giành điểm GPA tuyệt đối năm đầu tại MIT. Trong đó thông tin, Đinh Thị Hương Thảo, cô gái "vàng" vật lý Việt Nam vừa xuất sắc giành điểm trung bình học tập GPA tuyệt đối 4.0/4.0 ngay trong năm học đầu tiên và vượt qua rất nhiều ứng viên xuất sắc để trở thành thành viên trong dự án nghiên cứu vật liệu 2 chiều của giáo sư Pablo Jarillo-Herrero tại Viện công nghệ số 1 thế giới.