Hiến kế kỳ thi “2 trong 1”
Cho rằng, Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức thi ở địa phương là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng thời đưa ra những góp ý nhằm hoàn thiện kỳ thi này trong năm sau.
GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khi chia sẻ trên báo Giáo dục và Thời đại đã cho rằng: Chống tiêu cực trong coi thi là công việc khó khăn và phức tạp nhất do nó liên quan đến hoạt động của hàng triệu thí sinh và hàng trăm nghìn cán bộ làm nhiệm vụ khi kỳ thi đang diễn ra. Việc khó khăn này Bộ GDĐT đã làm được và phải nói là một thành công. Tiêu cực chấm thi, nếu có xảy ra chỉ liên quan đến hoạt động của một số người rất hạn chế.
Phương án hiệu quả nhất để hạn chế tiêu cực trong chấm thi là thi trên máy tính, thí sinh thi xong có kết quả ngay, không ai có thể can thiệp vào kết quả làm bài của thí sinh được.
Phương án này cũng đã được Bộ GDĐT đưa ra thảo luận mấy năm gần đây. Tuy nhiên, điều kiện là cơ sở vật chất với số lượng máy tính đủ lớn và ngân hàng câu hỏi thi cũng phải thật dồi dào. Trong lộ trình đổi mới thi của Bộ GDĐT thì việc thi trên máy tính có thể áp dụng từ năm 2021 trở đi nếu điều kiện cho phép.
Trong khi chưa tổ chức được phương thức thi trên máy tính, theo GS Bùi Văn Ga, những năm tới Bộ có thể áp dụng phương thức cho thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm như hiện nay nhưng bài làm của thí sinh được quét và lưu ngay sau khi kết thúc mỗi buổi thi. Qui chế thi bổ sung qui định bảo mật file dữ liệu gốc sau khi quét.
Cũng trên Giáo dục và Thời đại, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - cho rằng: Quy chế thi cần quán triệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Mỗi công đoạn hay mỗi hoạt động tổ chức coi và chấm thi phải do một cá nhân chịu trách nhiệm.
Ban chỉ đạo thi cần giao thêm trách nhiệm, tức là phải vừa chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia các hội đồng thi. Lãnh đạo các trường ĐH, CĐ cần tham gia trực tiếp vào các hội đồng chấm thi ở cả 63 tỉnh, thành phố; phải trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi và chất lượng tuyển sinh vào các trường mà mình sẽ có nhiệm vụ GD-ĐT.
GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ – góp ý: Ngoài việc tổ chức thi như hiện nay, có thể tổ chức thêm việc khảo sát thí sinh đầu vào ĐH, CĐ. Ở trường THPT phải dạy học, đánh giá thi cử thật chuẩn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng: Từ những lỗ hổng trong khâu chấm thi năm nay, việc chuyển bài thi về bộ GD&ĐT rồi giao cho các trường ĐH chấm sẽ ổn. Các trường ĐH chấm theo tâm thế chọn người tài và không vướng bận gì nên sẽ công tâm, khách quan trong công tác chấm thi.
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT – khẳng định trên báo Kinh tế và Đô thị: Cần thiết phải tổ chức kỳ thi này, nếu không thi thì gian lận sẽ rất nhiều chứ không chỉ có Hà Giang và Sơn La.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng gian lận điểm thi như Hà Giang và Sơn La, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tổ chức thi, không chỉ chú ý đến coi thi, chấm thi mà cả khâu bảo quản số liệu; chấp nhận kiểm soát chéo chứ không thể giao cho một người quét số liệu bài thi.
Việc tổ chức thi và chấm thi phải được công khai, minh bạch, kèm theo giám sát xã hội. Nghĩa là kỳ thi này có thành phần bên ngoài vào kiểm soát và lắp camera trong phòng thi, phòng chấm, phòng quét để người bên ngoài theo dõi được chứ không phải làm nội bộ với nhau.
"Tôi cho rằng, Thủ tướng nên giao hẳn việc tổ chức thi cho tỉnh, TP thực hiện. Khi địa phương nào để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, chứ không phải như hiện nay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao cho các Sở GD&ĐT tổ chức" - TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Lãnh đạo TP.Hải Phòng gặp gỡ, động viên, khen thưởng học sinh đạt giải quốc tế. (Ảnh: CTTĐT Hải Phòng) |
500 triệu cho nữ sinh mang về giải vàng Olympic Sinh học
Chiều 24/7, lãnh đạo thành phố Hải Phòng tặng thưởng gần 1 tỉ đồng cho giáo viên và học sinh giành thành tích trong cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 vừa diễn ra tại Iran. Thông tin được nhiều báo chí đăng tải là nguồn động lực to lớn cho những học sinh đang nỗ lực phấn đấu trong học tập.
Theo đó, Trần Thị Minh Anh, học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Trần Phú (huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế 2018) được trao thưởng 500 triệu đồng; bà Kim Thị Hường, giáo viên trực tiếp giảng dạy cho học sinh Trần Thị Minh Anh được thưởng 250 triệu đồng. Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Trần Phú cũng được tặng thưởng số tiền là 50 triệu đồng; tập thể giáo viên tham gia giảng dạy đội tuyển Sinh học được thưởng số tiền 100 triệu đồng.
Tại cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế, Đoàn học sinh Việt Nam tự tin hoàn thành tốt cả bài thi lý thuyết và thực hành. Điểm của các thí sinh Việt Nam đoạt huy chương đều xếp thứ hạng cao. Đặc biệt, Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội là nữ sinh đầu tiên ở Việt Nam đạt được mức điểm cao nhất thế giới ở một cuộc thi Olympic quốc tế.
Mới đây nhất, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin về kỳ Olympic Hoá học quốc tế năm 2018 lần thứ 50 tổ chức tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Solovakia. Theo đó, cạnh tranh với 304 thí sinh đến từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 4 thí sinh dự thi đã xuất sắc đều giành huy chương với 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng.
Duy trì kết quả 100% thí sinh dự thi đoạt huy chương với tỷ lệ huy chương vàng và huy chương bạc đạt cao, thành tích của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại Olympic Hóa học quốc tế năm 2018 tiếp tục khẳng định hướng đi đúng của Ngành Giáo dục trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi; đồng thời khẳng định sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian qua.
Chân dung nữ sinh 10X xinh đẹp, yêu màu xanh áo lính Kiều Anh Phương |
Nhiều gương mặt học sinh xuất sắc cũng được báo chí khai thác trong tuần qua. Báo Hà Tĩnh có bài viết về Kiều Anh Phương, học sinh chuyên Anh 1 trường THPT Chuyên Hà Tĩnh xuất sắc nhận được kết quả tuyển thẳng của 7 trường đại học top đầu cả nước. Trong đó có ngôi trường mà em mơ ước: Học viện Khoa học Quân sự. Anh Phương cũng là 1 trong 3 thí sinh trong cả nước được tuyển thẳng vào Học viện.
Báo An ninh thủ đô viết về Hoàng Minh Trung, học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Lam Sơn, là nam sinh đầu tiên của Thanh Hóa, cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi, xuất sắc giành được Huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 tại Iran.
Không muốn "ngủ quên trên chiến thắng", nam sinh xứ Thanh cho hay, dự định trước mắt của em là tập trung học tiếng Anh và sẽ tham gia kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2019. Chàng trai “vàng” của Thanh Hóa cũng cho biết đang phân vân giữa việc du học và ở lại Việt Nam học đại học để nuôi ước mơ làm bác sĩ.
Đảm bảo quyền lợi giáo viên có thể bị chấm dứt hợp đồng
Tuần qua, câu chuyện nhiều giáo viên hợp đồng tại Thanh Oai (Hà Nội) phản ánh sẽ bị chấm dứt hợp đồng được nhiều phương tiện truyền thông quan tâm.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ngày 26/7, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết: Sở dĩ UBND huyện ra thông báo 1020 là bởi đến thời điểm này xem xét nếu việc tổ chức thi tuyển biên chế ngành giáo dục đã đủ lượng giáo viên thì sẽ không tổ chức thi vào biên chế, nên UBND huyện chấm dứt với giáo viên HĐ.
Như vậy, việc huyện ra văn bản là thực hiện là hoàn toàn đúng với thẩm quyền và không phải bất ngờ, đột ngột. Việc huyện ra văn bản trên cũng được xem như là dự lệnh tới các giáo viên HĐ để nắm bắt được chủ trương đề án vị trí việc làm của huyện qua đó chủ động tìm kiếm công việc khác để đảm bảo thu nhập cho chính bản thân.
Trước đó, sáng 27/7, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai Nguyễn Tuệ Sơn cho biết: Huyện đang xây dựng đề án giải quyết việc làm cho số giáo viên dôi dư. Nội dung dự thảo đề án tập trung vào việc rà soát số lượng, xác định chủ thể hợp đồng, thời điểm ký hợp đồng, hình thức hợp đồng... Trong chiều 27/7, dự thảo đề án sẽ được trình UBND huyện và Thường trực Huyện ủy.
Cũng trong chiều 27/7, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng thông tin trên TTXVN: Phòng Nội vụ cùng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai đang tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch sử dụng giáo viên hợp đồng, trong đó có thể ưu tiên ký tiếp hợp đồng với các giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm hoặc có những phương án để các giáo viên này không bị thiệt thòi.
Trước sự việc này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có văn bản đề nghị Công đoàn Giáo dục thành phố Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao dộng huyện Thanh Oai giám sát việc ký hợp đồng lao động của hiệu trưởng các trường và giáo viên đúng theo quy định của pháp luật; cố gắng sắp xếp, bố trí việc làm tối đa cho số giáo viên này.
Đối với giáo viên, người lao động phải chấm dứt hợp đồng thì cần có biện pháp giải quyết, hỗ trợ theo chế độ, chính sách bảo hiểm và can thiệp với các đơn vị liên quan để các thầy, cô được tiếp tục đóng bảo hiểm (nếu có nguyện vọng). Đồng thời, Công đoàn Giáo dục thành phố Hà Nội cũng nên cử cán bộ đến động viên, chia sẻ với các thầy, cô trong giai đoạn khó khăn.