Triển khai nhiệm vụ năm học mới, nhiều đóng góp tâm huyết cho kỳ thi THPT QG

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Phó Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết năm học

Ngày 2/8, hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 toàn ngành Giáo dục diễn ra tại 64 điểm cầu trên cả nước.

Tại hội nghị, phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam định hướng những vấn đề quan trọng của ngành Giáo dục trong thời gian tới, xoay quanh đổi mới giáo dục, biên chế giáo viên, đạo đức nghề nghiệp của các thầy cô giáo, vấn đề nhà vệ sinh trường học… Theo Phó Thủ tướng, đổi mới giáo dục cũng như thi cử cần có lộ trình và trong quá trình ấy sẽ không có giải pháp nào hoàn hảo, phải cân đối mặt lợi - hại của từng giải pháp…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhìn vào những gì đã làm được và chưa làm được của toàn ngành trong năm học vừa qua, đồng thời thể hiện tinh thần sẵn sàng cầu thị để đổi mới.

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới. Theo đó, ổn định những hoạt động đổi mới của ngành; đồng thời triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.

Cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018-2019 gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông;

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

Các giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế về giáo dục và đào tạo; Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia

Ngày 30/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ GD&ĐT đã trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề giáo dục, đặc biệt liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018. Rất nhiều chuyên gia cũng lên tiếng trên các phương tiện truyền thông góp ý cho kỳ thi này.

Trên báo giaoduc.net, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Bộ GD&ĐT vẫn nên giao hẳn công việc tổ chức kỳ thi quốc gia cho các tỉnh, quy định trách nhiệm cho người đứng đầu tỉnh, thành nếu để xảy ra tiêu cực. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – chia sẻ trên vtc.vn: hình thức thi hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam, nhất là khi ngành giáo dục đang thực hiện chính sách tự chủ đại học.

Nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết về kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng một số trường ĐH, THPT và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ngày 30/7. Ảnh Đình Nam (Chinh phu.vn)
Nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết về kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng một số trường ĐH, THPT và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ngày 30/7. Ảnh Đình Nam (Chinh phu.vn) 

Trả lời trên báo Giáo dục và Thời đại, GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên - khẳng định đánh giá rất cao việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhìn nhận và cầu thị khi cho rằng kỳ thi cần phải tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật, quy trình làm thi theo hướng giảm thiểu đến mức tối đa sự can thiệp của con người đến kết quả thi, làm thế nào để mọi việc đều trong tầm kiểm soát được. Đó là sự chặt chẽ trong quy trình làm thi, quy chế thi chặt chẽ để các cá nhân muốn can thiệp vào khâu nào đó để tác động, thay đổi kết quả thi cũng không thể được.

Về kỳ thi THPT quốc gia, tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/8 cũng như trong báo cáo tổng kết năm học, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho tyển sinh giáo dục đại học, tuyển sinh nghề nghiệp, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi; tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm và tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm đối với các Hội đồng thi.

Ðội tuyển Olympic Sinh học. Ảnh: Tiền Phong
Ðội tuyển Olympic Sinh học. Ảnh: Tiền Phong 

Những chàng trai, cô gái "vàng" Olympic

Tuần qua, thêm nhiều bài viết phác họa chân dung các chàng trai, cô gái vàng của Việt Nam khi tham gia các kỳ thi Olympic Vật lý, Hóa học, Toán và Sinh học quốc tế. 

Bài viết trên báo Tiền phong ngày 31/7 tổng kết: Ðến thời điểm này, bốn đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic Vật lý, Hóa học, Toán và Sinh học của Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh “mang chuông đi đánh xứ người” với thành quả mang về cho Việt Nam: 7 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Ðồng. Bộ GD&ÐT khẳng định, kết quả này là sự nỗ lực lớn của thí sinh, giáo viên cũng như công tác bồi dưỡng, lựa chọn đúng hướng.

Báo này cũng đưa tin về việc Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải đã trao Bằng khen và 37,5 triệu đồng cho thí sinh Trịnh Duy Hiếu - học sinh lớp 12 chuyên Vật lý, Trường THPT Chuyên Bắc Giang - đạt Huy chương Bạc môn Vật lý tại Olypic Vật lý quốc tế lần thứ 49. Chủ tịch UBND TP Bắc Giang Mai Sơn cũng trao tặng 25,3 triệu đồng cho em Hiếu, Hội Khuyến học tỉnh, Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang tặng thưởng cho thầy giáo Nguyễn Văn Ðóa và em Trịnh Duy Hiếu số tiền 60 triệu đồng…

Vtcnews viết về Phạm Đức Anh - học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với tít bài: "Chàng trai giành ‘cú đúp’ HCV Olympic quốc tế sẽ theo học Đại học Y Hà Nội”. Đức Anh là thí sinh duy nhất của Việt Nam giành được huy chương Vàng. Năm ngoái, cậu cũng là học sinh nhỏ tuổi nhất trong 4 thành viên của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế 2017 và là 1 trong 3 học sinh giành được tấm huy chương Vàng khi đạt được 89,46/100 điểm và xếp thứ 21 trên tổng số 279 thí sinh của 76 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Viết về Đức Anh, báo Lao Động chia sẻ câu chuyện: Trong kỳ thi Olympic Hóa học 2018, Đức Anh là thí sinh duy nhất phải đi một mình, không có người thân hay thầy cô giáo đi cùng. Ngày đầu đặt chân đến nơi, Đức Anh bị thất lạc hành lí, đến ngày thứ ba mới lấy được, nên những ngày đầu phải mượn đồ của các bạn để sử dụng. Gia đình đã rất lo lắng và thương Đức Anh nhưng vẫn tin tưởng vào bản lĩnh của em. Và cuối cùng, bao nhiêu mong chờ cũng đã được hái quả ngọt.

Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, trả lời báo chí chiều 3/8. Ảnh: Quyên Quyên (Zing.vn)
Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, trả lời báo chí chiều 3/8. Ảnh: Quyên Quyên (Zing.vn)

Làm rõ sai phạm điểm thi tại Hòa Bình

Sai phạm tại Hòa Bình liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cũng thu hút sự quan tâm của giới truyền thông. Theo Thanh niên, ngày 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc với 2 bị can gồm:

Đỗ Mạnh Tuấn (39 tuổi, trú tại khu 7, TT.Chi Nê, H.Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT H.Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Khắc Tuấn (37 tuổi, trú tại tổ 21, P.Tân Thịnh, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại điều 356 bộ luật Hình sự. Cả 2 bị can đều là thành viên của tổ chấm trắc nghiệm, Ban chấm thi thuộc Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình.

Cùng ngày, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Trọng Đắc làm việc với báo chí liên quan vụ gian lận điểm thi ở tỉnh này. Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh, ông Bùi Trọng Đắc gửi lời xin lỗi phụ huynh, thầy cô giáo, các em học sinh, vì để xảy ra sai phạm điểm thi.

Nhiều báo chí cũng đăng tải ý kiến của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) về việc này. Trong đó có nội dung Cục trưởng trả lời về việc Bộ GD&ĐT từng chấm thẩm định ở Hòa Bình nhưng không phát hiện bất thường. Ông Mai Văn Trinh cho biết, tổ chấm thẩm định chấm trên bài thi. Bài thế nào thì khi chấm phản ánh như vậy. Tổ chấm thẩm định đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Điều tra bước đầu cho thấy có sự can thiệp vào bài làm của thí sinh nên tổ chấm thẩm định không phát hiện được bình thường. Nhưng thông qua việc rà soát, tổ chấm thẩm định nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm trong quá trình chấm thi. Vì vậy, ngày 24/7, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ Công an làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ