Lời phê của cô đã giúp em trưởng thành

Lời phê của cô đã giúp em trưởng thành

(GD&TĐ) - Tôi sinh năm 1967. Tuổi thơ của tôi gắn với chiến tranh chống Mỹ, những căn hầm chữ A và lớp học dưới mái đình mái chùa. Khi đất nước giải phóng, tôi được học tập trung ở trường Cấp I, II Đức Thượng (huyện Hoài Đức - Hà Tây cũ).

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhưng tôi học giỏi đều các môn. Tôi là lớp trưởng, có lẽ vì thế nên các thầy cô ưu ái hơn, điểm số lúc nào cũng cao nhất lớp.

Lên lớp bảy, chúng tôi được cô Doãn Thị Dung dạy văn và chủ nhiệm lớp. Cô có cặp mắt hiền, giọng nói nhỏ nhẹ. Chồng cô là bộ đội, mấy mẹ con cô ở khu tập thể giáo viên sau trường. Ngoài giờ lên lớp, sau những lúc soạn và chấm bài, cô còn làm bột sắn dây, đan lưới… để đủ lo cuộc sống cho mấy mẹ con và bà mẹ chồng ở quê lên trông cháu. Ai cũng khen cô đảm đang, hiền thục và hiếu thảo. Có một kỷ niệm sâu sắc về cô Dung đã làm tôi thay đổi. Chuyện như sau:

Tiết trả bài kiểm tra văn hôm đó, sau khi nêu một số đoạn viết hay của các bạn, cô đọc toàn bộ bài văn của tôi và khen hành văn mạch lạc, ý tứ rõ ràng. Cô không đọc điểm, khi nhắc lỗi cũng chỉ nói chung để cả lớp cùng rút kinh nghiệm. Môn Văn tôi luôn dẫn đầu lớp.

Hơn nữa, hôm làm bài tôi đã viết ngon lành tới bốn trang giấy và rất tự tin vào kết quả của mình. Nhưng khi cầm bài văn cô trả, tôi không tin ở mắt mình: ô điểm ghi rõ 8-3=5 kèm theo một lời phê mà tôi thuộc lòng đến không bao giờ quên: “Khi làm văn không được viết số hay viết tắt vào bài. Bài làm tốt, em cần cố gắng phát huy.”

Lúc nhận bài, tôi đã bị sốc. Lòng tự kiêu của một học sinh giỏi Văn bị điểm năm đầu tiên làm xẹp lép. Tôi thầm cảm ơn cô đã không đọc điểm nên cả lớp không ai biết về điểm năm ấy. Hình như cô cũng biết suy nghĩ của tôi lúc đó. Cô dặn tôi cuối giờ ở lại để gặp riêng.

Khi chỉ còn hai cô trò, cô hỏi han tôi về hoàn cảnh gia đình, chuyện học tập… Tôi suy nghĩ mãi lời cô. Điều cô đã phê ấy, thầy giáo dạy Văn hồi trước không bao giờ nhắc tôi. Cô Dung thì khác: khi khen cô nêu tên cụ thể, nhưng lúc phê cô gặp riêng góp ý.

Cô nói bài văn này hoàn toàn xứng đáng điểm tám nếu như không mắc lỗi, nhưng cô để điểm năm cho nhớ mà sửa chữa. Cô khen tôi viết văn tốt, sau này có thể trở thành một nhà báo hay một cô giáo dạy văn. Từ trước đến nay tôi vẫn được thầy cô khen ngợi, lần đầu tiên bị phê nhưng tôi không hề giận cô. Tôi biết ơn cô đã không công bố điểm trước lớp, bởi nếu bạn bè mà biết được thì tôi sẽ xấu hổ vô cùng. Tôi cũng cảm phục cô vì khen đúng mực và phê vừa đủ. Cô không cho luôn điểm năm mà ghi 8-3=5 để tôi thấy được các lỗi trên.

Cách ứng xử ấy khiến tôi thấy cô gần gũi như một người mẹ, vừa chia sẻ như một người bạn, lại dìu dắt bảo ban như một người thầy. Từ hôm đó, có điều gì khúc mắc tôi thường hỏi cô và bao giờ cũng nhận được những lời khuyên với cách giải quyết thấu đáo. Trong các bài văn tiếp theo tôi đã cẩn thận hơn, bài nào cũng được cô sửa chi tiết, điểm số nâng dần.

Thật bất ngờ, bài Văn tốt nghiệp cuối cấp năm đó tôi được điểm chín. Tôi cũng là người duy nhất của trường đỗ tốt nghiệp loại giỏi, được vào thẳng cấp ba. Người báo tin đầu tiên cho tôi là cô Dung. Cô động viên tôi cố gắng khắc phục hoàn cảnh để đi học cấp ba. Sự gần gũi đầy tình mẹ của cô đã hoàn toàn thuyết phục tôi. Tôi muốn trở thành cô giáo và quyết định chọn ngành sư phạm Văn.

Nhiều năm qua, tôi không quên ứng xử chuẩn mực của cô giáo năm xưa. Tôi hiểu: nghề sư phạm ngoài tính nghiêm khắc của người thầy còn phải có tình mẹ, lòng vị tha. Giáo dục là nghệ thuật đặc biệt - nghệ thuật đào tạo con người, làm sao phê phán mà không bị tổn thương. Cô rất tâm lý khi dùng nghệ thuật giáo dục để giúp tôi trở về với chính mình, phát huy được những mặt mạnh của bản thân.

Trong quãng đời dạy học, có biết bao bài văn tôi phải đọc đi đọc lại trước khi đặt bút ghi lời phê và cho điểm. Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ tới cô Dung và lời phê năm xưa. Lời phê ấy đã tiếp sức cho tôi trong công việc, ứng xử với học sinh.

Giờ đây, cô Dung đã nghỉ hưu, tôi cũng không còn trẻ. Tuy đã làm quản lý giáo dục, nhưng bên cô tôi vẫn thấy mình nhỏ bé. Nhớ lại kỷ niệm xưa, tôi thầm nhắc nhủ: Cô ơi! Lời phê của cô đã giúp em trưởng thành!n

Mã số: 2002

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.