Hình ảnh mới về tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng. Ảnh: Weibo |
Tại xưởng đóng tàu Đại Liên, một module trên thân tàu có chiều cao 7,5 m và chiều rộng 27 m , gần như chắc chắn là nơi chứa máy bay, trang Weibo hôm 24/10 đăng tải ảnh về chiếc tàu sân bay.
Tàu mang số hiệu 17 có thể có lượng giãn nước là 65.000 đến 70.000 tấn, có thể mang theo 36 đến 48 máy bay, kết hợp chiến đấu cơ J-15 và trực thăng Z-8/Z-18.
Vỏ tàu cũng có nhiều ngăn và tấm vách ngăn kín nước. Nó có kích thước tương đương tàu Liêu Ninh hoặc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đang được đóng mới của hải quân Anh.
Tàu mang số hiệu 17 này sẽ có các tính năng tự động hóa để giảm số lượng thủy thủ, tăng chứa nhiên liệu và đạn dược. Tháp chỉ huy trên tàu cũng nhỏ hơn, giúp nó hoạt động năng suất hơn Liêu Ninh.
Theo kế hoạch, tàu mới này sẽ được xuất xưởng vào quý II năm sau. Khi đó nó sẽ được đặt tên, có thể là tên một tỉnh hoặc thành phố của Trung Quốc. Tàu có thể sẵn sàng được sử dụng vào 2019.
Hồi cuối tháng 9, hình ảnh vệ tinh do Airbus Defence & Space (ADS) chụp cho thấy tàu sân bay của Trung Quốc có thể đang được đóng tại xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên. Đây cũng là nơi tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất hiện nay của hải quân Trung Quốc (PLAN), được cải hoán từ một tàu sân bay cũ của Ukraine.
Ảnh chụp ngày 10/3 cho thấy thân tàu dài từ 150 đến 170 m, rộng khoảng 30 m. Thân tàu được lắp ráp suốt mùa hè, hiện dài 240 m, rộng 35 m và sẽ dài ít nhất 270 m khi hoàn thành.
Đầu tháng 3, một sĩ quan hải quân cấp cao Trung Quốc cho biết nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai, xác nhận bước đi tăng cường sức mạnh trên biển của Bắc Kinh vốn đã được đồn đoán rộng rãi.
Trung Quốc đang có một tàu sân bay tên Liêu Ninh trong biên chế. Tàu Liêu Ninh, vốn là tàu Varyag của Liên Xô cũ, dài khoảng 300 m, được Trung Quốc mua từ Ukraine, sau đó tân trang lại và đưa vào hoạt động hồi tháng 9/2012.