Lao động ngành bán lẻ: Thiếu chương trình đào tạo chuyên nghiệp

GD&TĐ - Chất lượng nguồn nhân lực ngành bán lẻ hiện nay còn thấp. Đặc biệt tại các cửa hàng tiện ích đơn lẻ, các siêu thị nhỏ và trung bình, do nguồn lực hạn chế nên khâu đào tạo chưa được chú trọng. Đây là một khó khăn mà các doanh nghiệp bán lẻ đang thường xuyên phải đối mặt.

Chị Nguyễn Thị Liên với công việc sắp xếp hàng hóa trong siêu thị
Chị Nguyễn Thị Liên với công việc sắp xếp hàng hóa trong siêu thị

Kỹ năng thực tế

Là nhân viên của một siêu thị, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Liên cho biết: Tại siêu thị, mỗi nhân viên như chị sẽ phụ trách việc sắp xếp hàng hóa trên kệ hàng được giao theo các mảng như quầy gia dụng, thực phẩm, bánh kẹo… Cùng với việc sắp xếp hàng hóa, cuối ngày hoặc cuối mỗi ca làm việc, các nhân viên sẽ kiểm kê hàng trên kệ và lập báo cáo. Các mặt hàng trên kệ nếu thiếu sẽ được bổ sung kịp thời. Một số nhà cung cấp cũng cử nhân viên đến tham gia vào việc sắp xếp hàng hóa trên kệ sao cho đẹp mắt và thu hút người tiêu dùng.

Khi mới bắt đầu làm việc tại siêu thị, chị Liên được những nhân viên cũ hướng dẫn các công việc cụ thể như: Cách xếp các loại hàng lên kệ, kiểm tra date, hàng hóa về trước phải sắp xếp ở vị trí bên ngoài… Hàng hóa được sắp xếp theo nguyên tắc: Dễ thấy - dễ lấy. Hàng trên kệ cũng được luân chuyển, thay đổi vị trí để tạo cho khách hàng luôn có cảm giác mới mẻ.

Công việc thực tế là không quá khó khăn, nhưng để làm nổi bật tất cả các sản phẩm trên kệ hàng thì nhân viên còn cần đến một chút tư duy về thẩm mỹ. Một công việc quan trọng nữa không thể thiếu được là: Hướng dẫn, tư vấn và tiếp thị sản phẩm cho người tiêu dùng.

Ngoài công việc chính tại kệ hàng, chị Liên cũng được huy động tham gia vào công việc thu ngân, sắp hàng cho khách khi cần thiết. Những công việc này đều được hướng dẫn trực tiếp ngay tại siêu thị. Công việc tại siêu thị của chị Liên là khá ổn định, mức lương được trả là 4,5 triệu đồng/tháng.

Gắn đào tạo với doanh nghiệp

Hiện nay, tại các siêu thị nhỏ, các cửa hàng tiện ích việc tuyển dụng các nhân viên bán hàng như chị Liên là khá phổ biến. Tuy nhiên, rất nhiều lao động được tuyển dụng ban đầu không có trình độ chuyên môn ngành và doanh nghiệp thường phải đào tạo từ đầu.

Mức độ đào tạo tùy thuộc vào yêu cầu thực tế cũng như điều kiện của doanh nghiệp, nhưng nhìn chung công tác này còn chưa được chú trọng. Người lao động thường chỉ được hướng dẫn công việc một cách đơn giản để có thể bắt tay vào công việc một cách nhanh nhất.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, ngành bán lẻ luôn là một trong những ngành đứng đầu về nhu cầu nhân lực, đặc biệt trong thời điểm các tháng cuối năm, nhu cầu này luôn có xu hướng tăng đột biến, các siêu thị, cửa hàng tiện ích phải tuyển dụng cả sinh viên làm thêm giờ để bù đắp thiếu hụt nhân lực.

Tình trạng này dẫn đến lao động ngành bán lẻ thiếu nhiều kỹ năng quan trọng trong tiếp thị, bán hàng. Bên cạnh đó, mức lương cũng chưa thực sự hấp dẫn người lao động. Đây cũng được xem là một nguyên nhân của tình trạng hay nghỉ việc của nhân viên bán hàng tại các siêu thị hiện nay.

Đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo nên sự thành công của doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ. Chính vì vậy, các tập đoàn bán lẻ quốc tế ngay từ khi đầu tư vào Việt Nam, họ đã rất chú trọng đến công tác đào tạo nhân viên bán hàng.

Các chuyên gia cho rằng, giải quyết vấn đề nguồn nhân lực ngành bán lẻ, các doanh nghiệp cần tập trung cải thiện chính sách nhân sự và chế độ đãi ngộ. Đặc biệt, cần xây dựng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và đa dạng hóa nguồn nhân lực ngành bán lẻ.

Báo cáo nhân sự ngành bán lẻ do trang tuyển dụng trực tuyến Navigos Seach công bố mới đây cho thấy, thách thức lớn nhất của các nhà tuyển dụng trong ngành bán lẻ là tỷ lệ người lao động nghỉ việc cao, khi có đến 60% ứng viên cho biết thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ từ 2 - 3 năm.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ