Vì sao hàng tiêu dùng đội lốt Nhật, Hàn dễ dàng lừa người Việt?

GD&TĐ - Tương tự kiểu bán hàng của “Mumuso” đã bị cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm về nhãn mác, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, những cái tên rất Nhật, Hàn… như Daiso Japan, Minigood… vẫn tiếp tục hoạt động hoành tráng với các cửa hàng nhộn nhịp ở những vị trí đắc địa. 

Vì sao hàng tiêu dùng đội lốt Nhật, Hàn dễ dàng lừa người Việt?

Còn người tiêu dùng thì không biết “thông thái” ở mức nào, song tâm lý sính ngoại vẫn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục “phỉnh nịnh” dễ dàng bằng những dòng chữ Hàn, Nhật trên các sản phẩm trong khi chất lượng còn là một dấu hỏi.

“Treo” chữ Nhật, Hàn... bán toàn đồ “made in China”

Để tìm hiểu bản chất của những hàng hóa bán trong hàng loạt cửa hàng sử dụng tràn ngập tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc (tại nhiều khu vực ở Hà Nội), chúng tôi tiếp cận một số cửa hàng nằm bên trong trung tâm thương mại sầm uất (ở tầng hầm khu chung cư nằm trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội).

Cửa hàng đề tấm biển lớn phía ngoài “Daiso... Japan”. Bên trong những kệ bán hàng được bày biện khá chuyên nghiệp. Nhân viên bán hàng đều mặc đồng phục. Nhưng giá mỗi sản phẩm chỉ 40.000 đồng.

Khi hỏi mua một sản phẩm phụ kiện thời trang: “Dây buộc tóc này sản xuất từ Trung Quốc à?”. Nữ nhân viên bán hàng lập tức khẳng định: “Đây là hàng sản xuất ở Trung Quốc đó chị. Nhưng Nhật Bản “nhờ” Trung Quốc sản xuất, rồi hàng về Nhật Bản kiểm định…”.

Chúng tôi hỏi kỹ lại: “Nghĩa là hàng này nhập thẳng từ Trung Quốc, hay nhập từ Nhật Bản về Việt Nam?”. Nữ nhân viên vẫn cố giải thích lòng vòng: “Nhật “nhờ” Trung Quốc sản xuất. Xong chuyển về Nhật, Nhật kiểm định, nếu đạt chất lượng, hiệu quả thì Nhật lại đặt hàng tiếp...” . Thậm chí nữ nhân viên còn chắc chắn với khách rằng những sản phẩm bán trong cửa hàng này không được nhập trực tiếp từ Trung Quốc, mà sản xuất ở Trung Quốc, rồi được chuyển sang Nhật, sau mới chuyển về Việt Nam để bán (!?).

Khi thấy chúng tôi thắc mắc tại sao cửa hàng chỉ đề phía ngoài cửa dòng chữ lớn “Daiso Japan”, nhưng bên trong bán toàn hàng “made in China”, lại đồng giá “40.000 đồng”, nhân viên thu ngân của cửa hàng Daiso nhấn giọng giải thích: “Hàng này sản xuất tại Trung Quốc, nhưng công nghệ Nhật Bản. Kiểu công nghệ của Nhật Bản sản xuất ở nước thứ ba đấy. Kiểu như quần áo của châu Âu, toàn sản xuất ở Trung Quốc hết…”.

Thậm chí để khách hàng tin tưởng vào chất lượng của những món hàng đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm, nhân viên của cửa hàng khoe với khách rằng cửa hàng có rất nhiều khách người Nhật đến mua hàng: “Người Nhật, người Hàn sống ở khu Royal City này toàn tới đây mua hàng hết mà. Công nghệ và các tiêu chuẩn hàng của Nhật, chỉ sản xuất ở Trung Quốc thôi...”.

Sau một hồi rất lâu tìm hiểu các mặt hàng “một giá”, cuối cùng chúng tôi mua vài sản phẩm “40.000 đồng” làm chứng. Hơn hết, phải “bái phục” trước cách giải thích nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hết sức lòng vòng của nhân viên bán hàng.

Tìm mỏi mắt không thấy được sản phẩm nào “made in Japan”, chỉ tràn ngập trên mọi bao bì sản phẩm toàn tiếng Nhật. Mặt sau mỗi sản phẩm dán một mảnh giấy rất nhỏ ghi tên hàng hóa với rất ít thông tin liên quan và tuyệt nhiên không mô tả hàng hóa hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Nhất là dòng chữ “made in China” trên nhiều sản phẩm nhỏ đến mức khó đọc được bằng mắt thường.

Nhập nhèm nguồn gốc

Cũng ngay trong trung tâm thương mại này, chúng tôi mục sở thị một trong những cửa hàng Minigood tại Việt Nam.

Chẳng khoe mẽ với khách hàng như một cửa hàng chuyên bán hàng Hàn Quốc, nhân viên bán hàng của Minigood thừa nhận bán hàng nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, để “lấy lòng” khách và đánh vào tâm lý sính ngoại (sính Hàn) của một bộ phận khách Việt, nhân viên của cửa hàng khẳng định tất cả sản phẩm bán ra đều là hàng do công ty Hàn Quốc thiết kế, rồi đặt hàng Trung Quốc sản xuất.

Trên bao bì tất cả các sản phẩm mặc dù có dán mác đỏ “Minigood”, và in dòng chữ “Designed by Minigood Korea” (Thiết kế bởi Minigood Hàn Quốc) cả trên bao bì và nhãn dán, nhưng tuyệt nhiên không có hướng dẫn sử dụng và những thông tin quan trọng về sản phẩm bằng tiếng Việt, nhất là dòng chữ “made in China” thì luôn được in cỡ chữ cực nhỏ (như thách đố khách hàng) trên bao bì.

Ngăn chặn kiểu nhập nhèm “đánh lận con đen” về nguồn gốc xuất xứ, cũng như nhãn mác sản phẩm hàng ngoại nhập bán trên thị trường Việt Nam, đặc biệt với các cửa hàng hoạt động kiểu siêu thị mini hay cửa hàng bán bách hóa, cơ quan chức năng thời gian qua đã vào cuộc.

Theo thông tin Phòng CNTT - Truyền thông ( Bộ Công Thương) cung cấp cho PV Báo GD&TĐ (Đoàn kiểm tra liên ngành, phía Bộ Công Thương gồm: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý Thị trường, Cục Xuất Nhập khẩu, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Thanh tra Bộ; phía Bộ Khoa học và Công nghệ gồm: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Bộ Y tế tham gia đoàn có Thanh tra Bộ; cùng Chi cục Quản lý Thị trường TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (Công ty).

Kết luận kiểm tra cho thấy (trong giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31 tháng 5 năm 2018) Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa đã: Kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó có tới 2.257/2.273 (99,3%) được nhập khẩu từ Trung Quốc, số hàng còn lại (chỉ khoảng 0,7%) được Công ty mua từ các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.

Những người tiêu dùng vốn nhầm tưởng Mumuso là chuỗi cửa hàng bán hàng Hàn Quốc, theo kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng thì tại thị trường Hàn Quốc không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso. Kết luận của cơ quan chức năng cho thấy: Nhãn hiệu MUMUSOKR đã được đăng ký bởi Công ty TNHH MUMUSOKR , địa chỉ: 601, 47 SEJONGDAERO 23-GIL, JONGRO-GU, SEOUL (KR). Công ty sử dụng nhãn hiệu MUMUSOKR theo ủy quyền của Công ty Mumuso Thượng Hải. Công ty Mumuso Thượng Hải là đơn vị có quyền sử dụng và quản lý nhãn hiệu MUMUSOKR trên toàn cầu theo ủy quyền của Công ty TNHH MUMUSOKR.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã yêu cầu rà soát, kiểm tra tại các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam. 

Quản lý thị trường, quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự minh bạch trong kinh doanh là việc của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng Việt ít dễ dãi hơn khi chi tiền túi mỗi khi mua sắm, thì những kiểu bán hàng mập mờ nhãn mác như Daiso, Minigood, Mumuso… liệu có đất sống?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.