Hơn 4 giờ chiều tại KĐT Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội), anh Nguyễn Thế Bảo (28 tuổi, nhân viên bán hàng) căng mắt nhổ rau trong công viên trước nhà. Bởi nói là công viên nhưng ở đây chỉ toàn cỏ dại. Dãy của anh có 50 ngôi biệt thự nhưng chỉ có đúng 5 nhà có người ở. Đó là vài công ty nhỏ, quanh năm chỉ có tiếng gõ phím lạch cạch.
"Mình ở đây được 5 năm cùng bố mẹ. Nhà mình tính tình cởi mở nên cũng thường xuyên mở cổng để hàng xóm có cần gì thì qua dễ gọi. Thế nhưng cái cảm giác được hàng xóm gọi cửa còn khó hơn việc chi vài tỷ để mua ngôi nhà này", anh Bảo cười trừ.
Công viên rậm rạp trước nhà anh Bảo đơn giản chỉ là nơi trồng rau và cỏ dại mọc. |
KĐT Cầu Bươu có 4 dãy với khoảng 250 ngôi biệt thự và liền kề nhưng chỉ tầm 10 gia đình ở cố định và tập trung vào hai dãy trung tâm. Còn lại là bỏ hoang và thành bãi tập kết rác.
7 giờ tối mới có vài ngọn đèn đường lác đác bật, người đi ngang qua không đủ ánh sáng để nhìn rõ mặt nhau. Ở lâu quen, người ta không mấy phiền lòng về chuyện tối om, trừ việc muỗi bám theo nhiều đến mức phẩy tay nhẹ cũng bắt được vài con.
Biệt thự của anh Bảo không có đội an ninh, nên sau 9 giờ tối hầu như anh không dám đi loanh quanh. "Có nhiều người chẳng rõ mặt mũi tụ tập nhậu nhẹt, tôi thanh niên đây mà đi qua những ngôi nhà bỏ hoang cứ có cảm giác ai đó sẽ xổ ra tóm lấy mình", anh rùng mình kể.
Chàng trai 28 tuổi thường ngẫm nghĩ không biết thế sự ngoài kia đang thay đổi thế nào, còn ở đây mọi thứ như đứng yên.
"Trước đó, nghĩ ở đây để thuận tiện cho công việc, nhưng ở lâu thấy mình giống như "thiền sư". Nhiều khi ước có quán cà phê hưởng thụ sự tĩnh lặng cũng thú, nhưng có vẻ những thứ đơn giản ở đây cũng thành cũng xa xỉ", anh bảo.
Cách đó 5 km, tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), ông Phi Đình Tuấn (85 tuổi) luôn ở trong tâm thế lo xa mọi việc, vì sống giữa khu dân cư quá vắng vẻ. Khu đô thị này có tới 30 dãy nhà và biệt thự liền kề, nhưng người ở cố định chưa được một nửa. Có người mua chỉ để dành làm tài sản, hoặc vì nản cơ sở hạ tầng gần chục năm vẫn chưa hoàn thành nên không muốn đến sống.
Về hưu đã 20 năm, vị kỹ sư ngành cầu đường từng sống yên ổn trong ngôi nhà ở trung tâm thành phố. Nhưng 6 năm trước ông nhường nhà cho con tiện đi làm, còn mình dọn về đây ở. Nơi đây đa số chỉ là người cao tuổi giống như ông.
"Quan trọng nhất khi ở khu vắng người là nhà ai cũng phải đầu tư hệ thống dây điện tốt. Chập cháy bất ngờ thì chỉ có chịu chết", ông nói.
Ông Tuấn già yếu dắt xe máy cũng khó nhưng chẳng biết nhờ ai. Dọc theo hai dãy nhà nơi ông ở, chỉ có tầm 20 hộ sinh sống, trong tổng số gần 100 căn biệt thự và liền kề, còn lại bỏ hoang. |
Trong căn nhà liền kề diện tích 90m2 chỉ có hai vợ chồng ông Tuấn ở, nên con cháu đã lường trước mọi rủi ro. Cầu thang chia thành nhiều bậc ngắn để dễ leo, sàn nhà được lót gạch chống trượt, bếp có hệ thống điện tự động ngắt...
Nhưng họ vẫn bỏ sót một điều: Nhiều buổi tối các cụ muốn mua một viên thuốc giảm đau cũng phải đi cả km qua những dãy nhà hoang. Và cũng chỉ có duy nhất một quầy thuốc phục vụ cho vài trăm hộ dân trong khu đô thị rộng thênh thang.
"Có những ngày trời mưa mưa to, sân nhà lênh láng nước, chỉ có tôi và bà nhà cùng nhau tát, cống rãnh xộc lên mùi hôi thối khó chịu. Buồn nhưng không dám kể cho con cháu", ông nói. Mỗi lần con gọi điện qua, ông bà đều nói ở đây tốt lắm.
Anh Đỗ Văn Thức (30 tuổi) mới cùng vợ chuyển về sống tại dãy biệt thự BT3 KĐT Văn Phú được 6 tháng nhưng đã cảm thấy bức bối. Dãy biệt thự này có 50 căn nhưng chỉ có khoảng 10 gia đình ở cố định. Duy nhất buổi sáng đi tập thể dục anh mới có dịp gặp hàng xóm. Thế nhưng ngoài một câu chào, anh cũng chẳng thể bắt chuyện được vì họ chỉ cố đi cho nhanh.
Khu biệt thự nhà anh Thức ở Văn Phúcòn im lặng hơn những dãy nhà liền kề. 50 biệt thự nhưng chỉ có 10 căn có người ở. |
“Người ta hay nói bán anh em xa, mua láng giềng gần. Vợ chồng tôi qua đây mua căn biệt thự này gần chục tỷ mới có vài tháng mà lúc nào cũng nghĩ muốn về lại khu chung cư”, chị Hoàng Thị Nga (28 tuổi), vợ anh Thức, nói.
Vợ chồng anh thử đi những dãy nhà khác trong khu để giao lưu nhưng hầu như khó tìm thấy cư dân cỡ tuổi mình, hoặc có thì cũng khá khó gần và hiếm khi có ở nhà. Thế nên từ lâu vợ chồng anh cũng không còn ý nghĩ trông cậy vào hàng xóm.
“Nhiều khi xe bị hư, muốn tìm xe ôm hay taxi để đi mà chờ nửa tiếng vì nhà khó tìm, không có ghi tên đường, lại không có ai để hỏi đường, nhất là buổi tối. Nên cánh taxi hay xe ôm cũng có vẻ ái ngại khi vào đây chở khách, trừ khi đi quen. Mượn xe hàng xóm thì là chuyện không tưởng rồi”, anh Thức chia sẻ.
Chỉ có những quán trà đá tạm bợ sống khỏe trong những khu đô thị vắng hoe, còn mọi hoạt động giao thương hầu như không có. Người già ngại đi mua sắm, người trẻ cũng chẳng có thời gian. Chẳng ai chào ai, chẳng ai nhìn ai, chỉ có im lặng bao phủ.