Có lần em xuống căng tin mua đồ ăn, một bạn trai trong nhóm ấy còn cố tình hất đổ tô mì em đang ăn. Em lấy xe trong nhà xe, cũng từng bị đẩy cho té xe. Lại có lần em vào nhà vệ sinh, có bạn ở ngoài tạt nguyên thùng nước vào làm ướt sũng phần dưới quần em. Rồi cứ thế, khi em đỏ mặt tía tai ra khỏi nhà vệ sinh, họ còn hét to lên rằng em vào WC tự xử nên ướt hết quần.
Tự kiểm bản thân em thấy mình cũng chẳng gây thù chuốc oán gì nhóm bạn này. Nhưng có vài người bạn trong lớp cho biết có thể do hôm thi giữa kỳ, em đã không chỉ bài cho một trong các bạn ấy. Em không nhớ bạn nào, quả thực có một bạn hỏi, mà em làm còn chưa xong bài mình, sao chỉ cho các bạn được?
Em bức xúc lắm, cứ đến trường, nghĩ đến cảnh phải gặp nhóm này là đã muốn phát điên lên rồi. Có lúc em tính bất kể chuyện gì, xông vào đánh sống chết với tụi nó một chuyến. Em phải làm sao trước cảnh suốt ngày bị ức hiếp kiểu này?
Thanh Hùng (Tiền Giang)
Thanh Hùng mến,
Việc em kịp thời chia sẻ, tâm sự tình trạng bị ức hiếp là em đã có bước đi đúng đầu tiên. Thứ nữa, cho đến nay em chỉ mới tính, chứ chưa thật sự ‘xông vào đánh sống chết” với nhóm bạn gây sự, chứng tỏ em cũng đã ít nhiều thành công ở bước thứ hai, tức biết kiểm soát cảm xúc.
Thực tế, nhiều học sinh ở tuổi em khi bị ức hiếp, cảm xúc chưa ổn định, dễ bị xáo trộn, dễ bị kích động dẫn đến “làm càn”, hoặc bị trầm cảm quá mức dẫn tới hành vi tiêu cực tự tổn thương, tự sát… Nếu không được chia sẻ, định hướng kịp thời, sẽ bế tắc, không kiểm soát được mình, dẫn tới hậu quả xấu.
Hãy tiếp tục kiểm soát tốt cảm xúc bằng cách hít thở sâu, đếm từ 1 - 10, nghĩ đến một câu chuyện hài, tìm mọi cách để hạ hỏa… mỗi khi đối diện với tình huống bị ức hiếp. Nếu bạn chỉ lời nói trêu ghẹo thì cứ lảng tránh, tìm chỗ đông mà đi đến. Tuy nhiên, nếu thấy tình thế có thể nguy hiểm, cũng không nên im lặng chịu đựng, cam chịu chịu trận. Khi đối mặt với nguy cơ bạo lực, em phải biết cầu cứu, đừng bao giờ để mình rơi vào thế bí, trở thành nạn nhân của những cuộc hành hung.
Cần tìm những người đáng tin cậy gần nhất để chia sẻ tình hình trên. Đó có thể là giáo viên chủ nhiệm, giám thị, người phụ trách Đoàn Thanh niên, chuyên viên tâm lý học đường… hoặc bất kỳ ai là người lớn hơn có khả năng giúp mình, trình bày ngắn gọn, rõ ràng vấn đề mình đang gặp phải.
Đánh nhau chỉ là phương thức cuối cùng nếu em buộc phải tự vệ, phản kháng. Vì thế, nếu có điều kiện nên đi học một số động tác võ thuật để tự bảo vệ mình, nhằm phòng ngừa bạo lực một cách nhân văn.