Đôi khi trẻ gặp những sự cố mà các em chưa thể giải quyết như bị bắt nạt, bị ức hiếp và những điều khác cần sự giúp đỡ ngay của người lớn. Thực tế có rất nhiều trẻ còn nhút nhát, thiếu tự tin trong giao tiếp, co mình lại trong những khó khăn, trắc trở thậm chí có trẻ không biết chia sẻ, giãi bày với ngay cả ông bà, cha mẹ mình, kết quả là các em dễ bị tổn thương về tâm hồn, sức khỏe dẫn đến tự kỷ, trầm cảm.
Với những trẻ như thế này, các bậc phụ huynh nên quan tâm đặc biệt, hỏi han thường xuyên, gợi mở cho trẻ có thể chia sẻ, nói cho cha mẹ biết những vấn đề gặp phải, những điều khó nói, những ức chế. Muốn vậy, cha mẹ phải biết lắng nghe, biết gần gũi như những người bạn tâm tình sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ con cháu mình ngay, đưa ra những lời khuyên, những hướng giải quyết cần thiết.
Các bậc cha mẹ luôn phải quan tâm giúp trẻ có thói quen chia sẻ với cha mẹ, các thành viên trong gia đình, bạn bè những việc hàng ngày chẳng hạn như việc học tập, chuyện trường lớp, bạn bè, về một vấn đề bắt gặp trong ngày, một người bạn mới, một người mới quen, nội dung một bài báo, cuốn sách mới đọc, một chương trình tivi, một bộ phim mới xem...
Nên để việc trẻ thường xuyên chia sẻ, cởi mở mọi chuyện với gia đình. Cha mẹ nên lắng nghe, góp ý, nhận xét nhẹ nhàng, tuyệt đối không áp đặt, phê phán, góp ý thái quá khiến trẻ mất nhu cầu muốn giãi bày tâm sự thậm chí trẻ sẽ thu mình lại và không còn muốn chia sẻ nữa mà ôm ấp, giấu kín cả những điều cần sự cảm thông, giúp đỡ của cha mẹ, người lớn dẫn đến nhiều trẻ sẽ gặp nguy hiểm mà không ai biết như bị bắt cóc, lạm dụng, rơi vào những cạm bẫy của những người xấu, bạn xấu.
Hướng dẫn trẻ biết sẻ chia, biết lắng nghe con cháu, thân mật quan tâm đến trẻ là cách các bậc cha mẹ giúp trẻ có những kỹ năng sống tốt, biết chia sẻ mọi chuyện cần thiết với cha mẹ, thầy cô, bạn bè... để có một cuộc sống vui tươi, nhẹ nhàng, sống tốt, an toàn trong mọi tình huống của cuộc sống.