Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Doanh, chú ruột của HS bị hại cho biết: Sau khi xảy ra vụ việc, cháu có những triệu chứng hoảng loạn về tâm lý, nên được gia đình đưa vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hưng Yên. Hơn một tuần nay cháu được các bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc giúp ổn định về sức khỏe tâm thần.
Hàng ngày, bà nội và mẹ của cháu thay phiên chăm sóc, động viên cháu tại bệnh viện. So với hôm đầu nhập viện, tình trạng sức khỏe của cháu có khá hơn. Tuy nhiên, cháu hay giật mình hoảng hốt, lo sợ thậm chí khóc rấm rứt. Mỗi khi thấy đông người, cháu lại bất ổn, thậm chí co rúm người lại.
“Sinh hoạt hàng ngày của cháu tôi không được như bình thường. Gia đình chúng tôi cũng bày tỏ nguyện vọng hạn chế người tới thăm, để tránh cho cháu có những tác động không mong muốn. Chúng tôi rất lo lắng, bởi bất cứ một hành động hay lời nói nào làm cháu nhớ lại sự việc mình bị bạo lực cũng sẽ khiến cháu có những suy nghĩ và tác động tiêu cực. Chúng tôi cũng mong cháu được xuất viện về nhà, để theo dõi xem có cần tiếp tục điều trị tâm lý nữa không”, ông Nguyễn Văn Doanh chia sẻ.
Chia sẻ về vụ việc này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình, thuộc dự án Thắp lửa đam mê (Hà Nội) cho biết: Việc sử dụng mạng xã hội khiến clip bạo hành lan nhanh, mức độ bạo hành khá tàn nhẫn, lại là giữa đối tượng con gái với nhau cho thấy nữ sinh bị bạo hành đã rất cô đơn trong tập thể. Em không có một mối quan hệ thân thiết nào, khi xảy ra sự việc để tìm sự chia sẻ, trợ giúp.
Sự việc cho thấy, HS bị bạo hành chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng biết tự xử trí trước các tình huống, sự cố xảy ra với bản thân. Nếu bị ức hiếp, không thể đối phó với một nhóm bạn, HS có thể tìm tới BGH nhà trường, thầy cô để tìm sự giúp đỡ, bênh vực. Thậm chí nếu bị đánh thì có thể tìm cách thoát thân bỏ chạy.
“Khi bị bạo hành ở mức độ cao, người bị bạo hành sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn, những hình ảnh bị bạo hành sẽ lưu lại trong tâm trí. Điều này sẽ khiến em HS đó luôn giật mình, coi mình là người yếu thế và rơi vào sự cô đơn lạc lõng. Thậm chí, ở mức cao hơn em HS này có thể rơi vào trầm cảm. Ở trường hợp này, liệu pháp quan trọng nhất là phải điều trị bằng tâm lý.
Với em nữ bị bạo hành hơn lúc nào hết cần được nhận sự động viên từ gia đình, người thân. Sự gần gũi, yêu thương, chia sẻ sẽ giúp cho em từng bước vượt qua khỏi cú sốc về tinh thần, cũng như làm lành những tổn thương về cả về tâm hồn và thể chất. Với nữ sinh này sau khi ổn định tâm lý, gia đình nên cho con chuyển trường, đồng thời giúp con kết nối những mối quan hệ bạn bè ”, chuyên gia Nguyễn Thị Bình tư vấn.