Ly kỳ chuyện thờ… “hồn” người sống
Ở nhiều vùng miền của nước ta, việc thờ cúng những người đã khuất đã là điều quen thuộc. Nhưng ngoài thờ “hồn” những người đã khuất, chuyện có một dân tộc thờ… “hồn” người sống quả là điều nghe thật khó tin. Để thỏa sự tò mò, chúng tôi ngược đường tìm lên các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị, nơi tập trung sinh sống của phần đông đồng bào người Vân Kiều để được mục sở thị về phong tục lạ kỳ này.
Qua sự giới thiệu của một vài người quen, chúng tôi tìm đến xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) tìm gặp ông Hồ Văn Hùng, nguyên là Phó ban Dân vận Huyện ủy Đakrông. Hiện tại, ông Hùng vừa là một thầy lang có tiếng vừa là một già làng có uy tín. Gặp chúng tôi, ông niềm nở: “Nếu các anh lên đây hỏi đồng bào Vân Kiều về tục thờ hồn người sống thì rất ít người biết rõ ngọn ngành, mà nếu có biết thì không ai dám kể cho các anh nghe đâu. Đây là một phong tục rất riêng của người Vân Kiều được tổ tiên xa xưa truyền lại, con cháu chỉ biết thờ vị thần đó là để cầu bình an, may mắn và sức khỏe cho chính mình. Họ tôn trọng nhưng cũng rất sợ đụng chạm khiến thần linh trách phạt nên thường kiêng kỵ, lãng tránh mỗi khi có người nhắc đến”.
Bước chân vào ngôi nhà được thiết kế theo kiểu miền xuôi, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là có đến hai bàn thờ lớn được gia đình ông Hùng đặt ở vị trí trang nghiêm. Ngoài bàn thờ dành cho những người đã khuất, phía trên cao là một bàn thờ khác với những đồ vật được làm bằng tre nứa có hình thù rất lạ mắt. Tất cả đều phủ một lớp bụi và mạng nhện dày đặc, điều đó càng toát lên vẻ huyền bí khiến cho những ai lần đầu nhìn thấy cũng cảm thấy hiếu kỳ muốn tìm hiểu.
Ông Hồ Văn Hùng chia sẻ: “Cũng giống như nhiều dân tộc khác, đồng bào Vân Kiều rất xem trọng đời sống tâm linh. Với quan niệm rằng mỗi người sinh ra đều mang trong mình một linh hồn, từ lúc chào đời cho đến lúc mất đi việc thờ cúng linh hồn chính mình để thần bổn mạng luôn ở bên che chở thân xác luôn được người dân Vân Kiều nghiêm túc thực hiện”.
Trên bàn thờ “hồn sống” của gia đình người Vân Kiều có rất nhiều đồ vật khác nhau là bởi mỗi đồ vật tượng trưng cho mỗi thành viên trong gia đình. Tùy theo mức độ cúng “hồn” của từng người mà đồ vật đi kèm cũng có hình thù và vị trí đặt khác nhau. Những ai mới được cúng lần đầu thì linh hồn được thờ trong bát sứ có kiềng tre. Càng cúng lên cấp cao hơn thì bát càng lớn hơn được đặt trong những chiếc Gieel giống như mô hình những ngôi nhà làm bằng tre nứa thu nhỏ.
Mỗi đứa trẻ khi sinh ra sau ba ngày đều được cúng lễ rửa sau sinh (tiếng Vân Kiều gọi là Sã boãi). Lễ bắt buộc phải có hai con gà, gà trước khi cúng bắt buộc phải còn sống thì thần linh mới phù hộ cho đứa trẻ sau này luôn được khỏe mạnh.
Khi đứa trẻ tròn một tháng tuổi sẽ được cúng tiếp lễ mừng đặt tên (tiếng Vân Kiều gọi là Rờ Mưrng). Ở lễ này, lễ vật bắt buộc phải là một con lợn để mừng đứa trẻ có tên, đã được thần hộ mạng đi theo che chở. Sau lễ mừng đặt tên, hồn của đứa bé chính thức được đưa lên bàn thờ gia đình để bắt đầu việc thờ cúng như những người thân khác trong gia đình. Tùy vào mỗi người mà sau này cấp độ cúng hồn sống sẽ khác nhau và lễ vật càng về sau càng phức tạp hơn.
Những điều luật bất thành văn
Bàn thờ linh hồn người sống của gia đình người Vân Kiều.
Hiện nay, đồng bào Vân Kiều sinh sống ở các huyện miền núi Quảng Trị vẫn duy trì phong tục thờ linh hồn của chính mình. Tuy đã có kết hợp giữa nét hiện đại và truyền thống nhưng về cơ bản vẫn giữ được y nguyên ý nghĩa ban đầu. Việc thờ hồn người sống giữa nam và nữ đã không có sự phân biệt nhưng có những luật lệ và những điều kiêng kỵ bắt buộc mọi người phải tuân thủ theo.
Đối với những người muốn gia nhập hoặc muốn tách ra khỏi dòng họ đều phải thực hiện nguyên tắc “vào gà ra lợn”. Nghĩa là muốn vào họ thì phải cúng gà còn muốn ra thì nhất định lễ vật phải là một con lợn. Với mỗi mục đích khác nhau thì lễ vật yêu cầu cũng khác nhau. Tùy vào việc người đó muốn kết nghĩa anh em, người đó thuộc dân tộc nào…mà lễ vật thay đổi có khi là gà có khi là lợn. Nhưng nếu muốn nhận làm con nuôi trong gia đình thì bắt buộc phải cúng trâu cho thần bổn mạng, không có trâu thì cúng dê để thay thế.
Người Vân Kiều quan niệm thờ “hồn” người sống cũng quan trọng giống như thờ “hồn” người đã khuất bởi mọi thay đổi trong cuộc sống đều liên quan đến vị thần bổn mạng. Mọi hoạt động tự ý chưa được xin phép lên bàn thờ người sống đều phải cúng tạ lỗi với thần bổn mạng. Vị trí bàn thờ vì vậy cũng được gia chủ đặt ở vị trí cao nhất trong nhà để tránh việc vô tình phạm thượng đến đấng thần linh.
Mỗi năm khi gần đến Tết, chủ nhà mới tiến hành dọn dẹp thay Gieel và cúng trên bàn thờ người sống một lần. Sau khi thắp nén nhang và khấn vài câu lên bàn thờ, ông Hùng cho chúng tôi biết thêm: “Đến Tết người ta hay cúng cho hồn người khuất, người còn sống cũng mua sắm đồ mới thì linh hồn của người sống cũng cần được cúng như để thể hiện sự tôn trọng. Trừ ngày Tết và ngày buộc phải cúng “hồn sống” ra thì chỉ có những lúc như người thân có việc đi xa mới cúng để cầu an chứ trong năm bàn thờ người sống không được đụng chạm đến. Nếu lỡ chạm đến thì nhất định phải cúng để tạ lỗi, đó là lí do vì sao trên bàn thờ thường xuyên phủ đầy bụi bặm và mạng nhện”.
Việc thờ hồn người sống chỉ kết thúc khi nào người đó chết đi. Những thứ liên quan trên bàn thờ người sống sẽ được chôn theo cùng người đã mất. Lúc này linh hồn người đó sẽ được gia đình chuyển sang thờ cúng ở bàn thờ dành cho những người đã khuất.
“Tuy đời sống ngày càng hiện đại, văn hóa có nhiều nét ảnh hưởng từ người Kinh, nhưng đây vẫn là một tục lệ được người Vân Kiều truyền từ đời này sang đời khác. Điều đó cho thấy rằng, đời sống tâm linh có rất nhiều ý nghĩa đối với bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đã có một số nhà nghiên cứu văn hóa lên đây thử tìm hiểu về vấn đề này, tuy nhiên muốn phong tục này được bảo tồn thì cần phải giúp bà con hiểu rõ hơn về ý nghĩa của nó, từ đó duy trì và gìn giữ cho thế hệ sau”, ông Hùng nói về suy nghĩ của mình.
“Trong cuộc sống khi đau ốm bệnh tật hoặc có điều không may mắn thì hiểu rằng thần bổn mạng đang muốn được cúng. Thứ tự sẽ đi từ lễ Chiết Aruôi, Chiết Nơm-nớt và cuối cùng là Chiết Tampa. Đến lễ cúng Chiết Tampa lại chia ra thành nhiều bậc từ lễ vật là 3, 4, 7 con gà và cuối cùng là cúng trâu. Lễ cúng trâu phải mời thầy đến cúng và mời làng cùng dự. Lúc này hồn người sống được đặt lên vị trí cao nhất trên bàn thờ được mọi người tôn trọng, người sống cũng sẽ nhớ về dòng tộc nguồn cội của mình”, ông Hùng cho hay.