Kỳ vọng cải thiện điều kiện chăm sóc trẻ vùng khó

GD&TĐ - Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030” được đặt nhiều kỳ vọng...

Phòng GD&ĐT Nam Trà My tập huấn chuyên đề Học thông qua chơi cho giáo viên mầm non.
Phòng GD&ĐT Nam Trà My tập huấn chuyên đề Học thông qua chơi cho giáo viên mầm non.

Cụ thể sẽ cải thiện điều kiện về cơ sở vật chất, thu hút giáo viên, tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng.

Giữ chân giáo viên mầm non

Một giáo viên Trường Mầm non Trà Leng (xã Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam) dù diện biên chế, có thâm niên công tác 8 năm nhưng vẫn xin nghỉ việc. Cô Trần Thị Hoàng Oanh – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Cứ giáo viên nào hết thời hạn hưởng chính sách hỗ trợ theo nghị định thu hút giáo viên công tác ở vùng khó là Ban giám hiệu lại làm công tác tư tưởng, vận động để các cô tiếp tục gắn bó với trường, lớp. Bởi dạy học ở các điểm lẻ mà lương một tháng cũng chỉ bằng các trường tư thục, nhóm lớp thì giáo viên sẽ xin nghỉ để dạy ở những nơi có điều kiện thuận lợi là điều dễ hiểu”.

Với 6 điểm lẻ tại các thôn, Trường Mầm non Trà Leng chỉ bố trí mỗi điểm 1 giáo viên, không có nhân sự dự trữ theo quy định. Trong trường hợp điểm lẻ có giáo viên đau ốm, nghỉ thai sản thì lớp sẽ trống nếu không tìm được giáo viên hợp đồng.

Huyện Nam Trà My đang thiếu giáo viên mầm non. Năm 2022, nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non hạng 3 của huyện là 76 chỉ tiêu thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký dự thi. Cô Hồ Thị Nhung, giáo viên Trường Mầm non Phong Lan (xã Trà Tập), đứng lớp tại điểm trường thôn Tu Gia do đảm nhiệm thêm công việc của đồng nghiệp đang nghỉ thai sản nên có khoản tiền dạy thay, vì thế thu nhập tăng lên đáng kể. “Nếu không có khoản tiền tăng thay này, lương hàng tháng của tôi chỉ ở mức 3,7 triệu đồng”, cô Nhung bộc bạch.

Trong số 6 điểm trường thôn của Trường Mầm non Trà Leng, có đến 3 điểm trường phải vận chuyển suất ăn từ trường chính. Với 3 điểm trường còn lại, do khoảng cách xa, đường sá đi lại khó khăn nên Ban giám hiệu vận động phụ huynh luân phiên hỗ trợ nấu ăn tại trường cho trẻ với sự hỗ trợ thêm của chương trình “Nuôi em”.

Các điểm trường này, theo cô Oanh, đều được xây dựng bán kiên cố bằng nguồn xã hội hóa. “Ngoài ủng hộ kinh phí xây dựng từ các tổ chức, cá nhân, nhà trường nhận được hỗ trợ rất lớn về ngày công tham gia vận chuyển vật liệu của phụ huynh. Đồ chơi ngoài trời cũng như một số trang thiết bị như tivi, hệ thống đèn năng lượng mặt trời… có được từ nguồn xã hội hóa”, cô Oanh thông tin.

Điểm trường mầm non ở thôn Tu Gia của Trường Mầm non Phong Lan (Trà Tập) tổ chức bán trú cho trẻ.

Điểm trường mầm non ở thôn Tu Gia của Trường Mầm non Phong Lan (Trà Tập) tổ chức bán trú cho trẻ.

Hỗ trợ kịp thời

Tại Trường Mầm non Lý Sơn (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), trẻ độ tuổi mẫu giáo được hỗ trợ tiền hỗ trợ ăn trưa với mức 150.000 – 160.000 đồng/tháng. Theo cô Hiệu trưởng Mai Thị Hiệp, nhờ khoản hỗ trợ trên, phụ huynh chỉ phải đóng thêm vào khoảng 200.000 đồng/tháng. Ngoài ra, trẻ cũng được hỗ trợ mua sắm học cụ nên giờ học sinh động, tăng cơ hội hình thành các kỹ năng, dễ dàng bắt nhịp khi học tiểu học. Những chính sách này góp phần đảm bảo tỷ lệ trẻ trong độ tuổi 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 100%.

Ông Trần Công Thông, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Lý Sơn, thông tin, 3 trường mầm mon của huyện đảo đều tổ chức lớp nhà trẻ, tuy nhiên, chỉ có thể nhận trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi chứ không đủ điều kiện để nhận trẻ dưới 24 tháng. “Cơ sở vật chất các trường có thể đáp ứng nhưng lại không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp. Nếu mở lớp ở độ tuổi này cần bổ sung thêm giáo viên trong khi chúng tôi đã sử dụng hết định biên được giao”, ông Thông chia sẻ. Vì vậy, trẻ dưới 24 tháng tuổi ở Lý Sơn hầu hết đều học ở các nhóm lớp độc lập tư thục.

Tương tự, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) mới chỉ có Trường Mầm non Hoa Mai ở trung tâm có thể nhận trẻ ở độ tuổi nhà trẻ. Theo cô Trần Thị Hoàng Oanh, các điểm trường thôn của Trường Mầm non Trà Leng đã huy động được 100% trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi ra lớp nhưng không thể nhận trẻ nhỏ hơn do không đáp ứng cơ sở vật chất lẫn đội ngũ.

Vì vậy, cô Oanh kỳ vọng Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030” đạt mục tiêu có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được đến cơ sở giáo dục mầm non. Giáo dục sớm với trẻ mầm non, nhất là tại địa bàn vùng khó sẽ cải thiện được tình trạng thể chất cũng như chất lượng giáo dục để các em sớm tiếp cận được với tiếng Việt, thuận lợi cho bậc học cao hơn.

Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030” đồng thời góp phần huy động được các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, tăng cường học cụ, đồ dùng, đồ chơi, nhất là trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo bé.

Cô Trần Thị Hoàng Oanh rất mong có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non vùng khó khăn để ổn định đội ngũ, tiến tới đảm bảo đủ giáo viên/lớp, nhất là nhóm lớp tại điểm thôn. “Hầu hết điểm trường chỉ có 1 giáo viên, trong khi có đến 3 độ tuổi từ 3 – 4 - 5 tuổi theo học nên các cô rất vất vả khi tổ chức hoạt động dạy – học. Bởi tập trung cho trẻ 5 tuổi đủ kỹ năng để vào lớp Một thì thiệt thòi cho trẻ ở độ tuổi 3 - 4. Nếu có chính sách tăng cường thêm giáo viên, trẻ được tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú hơn, chuẩn bị tốt điều kiện để hòa nhập vào môi trường tiểu học”, cô Oanh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.